Thủ tướng thăm và chúc mừng Ngày Nhà giáo tại Đại học Quốc gia TP. HCM

authorMạnh Long 21:37 20/11/2016

(VietQ.vn) - Sáng 20/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm và làm việc với tập thể thày và trò Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo TTXVN, Thủ tướng đã cùng lãnh đạo các Bộ, ngành và các thày cô giáo tham quan hệ thống cơ sở vật chất phục vụ công tác giảng dạy, học tập và khu đô thị Ký túc xá của Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh bằng xe khách.

Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh bao gồm tổ hợp 6 trường Đại học thành viên (Trường Đại học Bách Khoa, Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội và Nhân văn, Kinh tế - Luật, Quốc tế, Công nghệ Thông tin), Viện Môi trường và Tài nguyên), một khoa trực thuộc (khoa Y) và hơn 30 đơn vị trực thuộc gồm các viện, trung tâm nghiên cứu khoa học, chuyền giao công nghệ, đào tạo và phục vụ đào tạo... Trong số này, mô hình trường đại học công lập quốc tế, tự chủ tài chính - Đại học Quốc tế đang là một điểm sáng của nhà trường và nền giáo dục đại học trong nước.

Với gần 5.700 cán bộ, công chức; trong đó có 350 Giáo sư và Phó Giáo sư, 1.200 Tiến sĩ, trên 2.100 Thạc sĩ, Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh có thể đáp ứng nhu cầu đào tạo lên tới hơn 60.000 sinh viên đại học và sau đại học. Mục tiêu chiến lược của cơ sở giáo dục quy mô lớn này là phát triển và hoàn thiện mô hình tổ hợp/hệ thống hiện đại trên nền tảng tự chủ đại học thực chất, gắn với trách nhiệm giải trình xã hội thật sự.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm trường Đại học Quốc gia TP HCM

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng quà cho ông Huỳnh Thành Đạt - Bí thư Đảng ủy ĐHQG-Hồ Chí Minh. Ảnh: Báo Nhân dân

Theo công bố của Tổ chức xếp hạng các trường đại học châu Á, năm 2016, Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh lần đầu lọt vào top 150 Đại học tốt nhất châu Á; xếp thứ 147, tăng 5 bậc so với năm 2015 (hạng 201). Đáng chú ý, các hợp đồng chuyển giao công nghệ đem lại mức tăng trưởng của Trường năm 2015 đạt 165,4 tỷ đồng và ngày càng được xã hội công nhận và quan tâm.

Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đang được xây dựng theo mô hình đô thị khoa học hiện đại đầu tiên của cả nước trên diện tích 643,7 ha tại khu quy hoạch Thủ Đức - Dĩ An, nằm ở cửa ngõ Đông Bắc Thành phố Hồ Chí Minh. Tính đến năm 2016, diện tích đã giải phóng mặt bằng và được nhận bàn giao là 470,5 ha, đạt 73%. Cơ sở giáo dục này cũng đang đi tiên phong trong chương trình xây dựng ký túc xá bằng nguồn vốn TPCP và xã hội hóa với một hệ thống ký túc xá đặt tại khu Đô thị đại học có sức chứa 53.000 chỗ. Tuy vậy, vẫn tồn tại một khó khăn lớn trong công tác đền bù, khiến cho dự án chưa thể hoàn tất thu hồi mặt bằng.

Dự báo thời tiết ngày 20/11: Bắc Bộ nắng to trước khi trời rét đậm(VietQ.vn) - Dự báo thời tiết hôm nay ngày 20/11: Bắc Bộ tiếp tục nắng nóng trước khi đón đợt gió mùa Đông Bắc vào tuần sau; Cảnh báo mưa dông và sóng lớn trên biển.

Thông tin đăng tải trên báo Nhân Dân, nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến các thầy, cô giáo ĐHQG TP Hồ Chí Minh cùng với hơn 1,2 triệu thầy, cô giáo của cả nước đang ngày đêm hăng say cống hiến trí tuệ, sức lực của mình cho sự nghiệp “trồng người” cao cả; ươm tài năng và đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, thời đại ngày nay, sự phát triển nhanh chóng của khoa học và giáo dục hiện đại đã làm thay đổi mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội và đặc biệt là những phát kiến mới với các thành tựu vĩ đại của khoa học và phát minh công nghệ không thể đoán trước, làm cho thế giới bắt đầu bước sang một kỷ nguyên công nghiệp mới. Trong tiến trình đó, đất nước ta đang đứng trước ngưỡng cửa với những cơ hội to lớn, cần đón bắt để phát triển và hội nhập về giáo dục và khoa học công nghệ nhưng cũng còn không ít những khó khăn và thách thức về tình trạng kinh tế, mức sống và cả chất lượng giáo dục và khoa học công nghệ. Căn nguyên và cội nguồn để giải quyết các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và sự thịnh vượng, phồn vinh của dân tộc… suy cho cùng là vấn đề giáo dục, cụ thể hơn là giáo dục đại học chất lượng cao.

Kinh nghiệm phát triển nền giáo dục của Singapore cho thấy chính giáo dục là lối thoát cho tình trạng nghèo đói, lạc hậu… Triết lý giáo dục của UNESCO là “học để biết; để làm; học để tồn tại, và học để chung sống”. Do vậy, học không chỉ để nhớ những kiến thức, sự kiện quan trọng mà quan trọng hơn hết là biết tư duy để áp dụng chúng vào cuộc sống, như Albert Einstein nhà vật lý nổi tiếng của thế giới đã đúc kết về giáo dục trong câu nói ngắn gọn: “Giáo dục không phải là học thuộc những điều hiển nhiên, giáo dục là huấn luyện khả năng tư duy”.

Giá trị và triết lý về giáo dục đương đại và tương lai cần phải đúc kết và chuyển hóa thành các chương trình giáo dục cho mọi cấp độ và đặc biệt cần xác lập chuẩn giá trị của giáo dục đại học chất lượng cao.

Chuẩn giá trị giáo dục đại học chất lượng cao chính là chất lượng giáo dục đào tạo thực chất với đội ngũ thầy cô giáo, đội ngũ các nhà khoa học thực sự có kiến thức chuyên môn sâu rộng và tài năng; chương trình giáo dục và đào tạo phải được kiểm định, bảo đảm các tiêu chí, tiêu chuẩn đạt tầm khu vực và thế giới. Chuẩn giá trị giáo dục đại học chất lượng cao sẽ là nơi thu hút và hội tụ các sinh viên xuất sắc nhất của đất nước, từ đó đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội và cạnh tranh trong thời đại toàn cầu hóa.

Việc thứ hai trong quá trình đổi mới là đẩy mạnh quyền tự chủ của các trường đại học công lập gắn liền với trách nhiệm giải trình trước xã hội, trong đó vai trò của hội đồng các trường đại học giữ vai trò rất quan trọng nhằm định hướng phát triển và giám sát hoạt động của các trường. Tuy nhiên, tự chủ đại học không đồng nghĩa là Nhà nước phó mặc cho các trường đại học tự bươn chải. Nhà nước vẫn đầu tư chiều sâu cho các trường gắn với các chương trình đề án phát triển giáo dục và khoa học công nghệ, chỉ có điều là thay vì đầu tư dàn trải, cào bằng thì nay đầu tư có trọng tâm, trọng điểm gắn với sự năng động và trách nhiệm hơn của các trường đại học.

Đổi mới giáo dục ở Việt Nam và tự chủ đại học là vấn đề hệ trọng ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài đến sự phát triển bền vững của đất nước, có tác động trực tiếp đến chất lượng nguồn nhân lực và là cơ sở vững chắc để chuyển đổi mô hình và cấu trúc kinh tế của đất nước đáp ứng thời đại toàn cầu hóa.

Chính phủ nhận thấy rằng, để phát huy được tự chủ đại học và đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục cần phải có cơ chế đặc thù để tháo gỡ những vướng mắc về pháp lý hiện hành của các bộ ngành có liên quan về chương trình đào tạo, tài chính, đầu tư khoa học công nghệ, tổ chức bộ máy của các trường đại học.

Mạnh Long (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang