Mối lo về an toàn thức ăn đường phố 'nóng' trở lại sau hàng loạt vụ ngộ độc

author 20:10 08/05/2024

(VietQ.vn) - Theo chuyên gia dinh dưỡng, thức ăn đường phố thường tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm bởi thực tế đa số những cơ sở buôn bán này đều nhỏ lẻ, không được cấp giấy phép kinh doanh, không đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Tiện lợi thức ăn đường phố

Tại Việt Nam, không khó để tìm mua các loại thực phẩm đã được chế biến sẵn, bày bán bắt mắt từ các cửa hàng quy mô nhỏ, gánh hàng rong hay hàng quán ngồi bệt vỉa hè như bánh mì, cơm cuộn sushi, bún thịt nướng, chân gà, cánh gà... Những nơi này chủ yếu chế biến thức ăn luôn để người mua mang đi, hoặc ăn tại chỗ. Khách hàng của những hàng quán này rất đa dạng, từ người đi làm, học sinh, sinh viên đến cả bệnh nhân đang điều trị...

Thức ăn đường phố dù mang lại nhiều tiện lợi nhưng là mối lo ngại về an toàn thực phẩm. Ảnh minh họa

Điển hình, ghi nhận tại thành phố Hồ Chí Minh, hằng ngày, thời điểm học sinh đến trường và giờ tan học buổi chiều, cổng trường Tiểu học Bùi Minh Trực (phường 6, Quận 8) lại xuất hiện hàng chục xe đẩy bán đồ ăn, nước uống vây quanh. Như một thói quen, nhiều phụ huynh học sinh đã lựa chọn mua đồ ăn sáng ngay tại đây trước khi đưa con vào lớp học.

Không chỉ trước cổng trường, dọc các tuyến đường tại thành phố Hồ Chí Minh, sáng nào cũng mọc lên các điểm bán đồ ăn sáng lưu động, tấp nập kẻ bán người mua. Tranh thủ trên đường đi làm, nhiều người là nhân viên văn phòng, công nhân lao động ghé lề đường mua đồ ăn sáng, vừa nhanh, tiện lại rẻ. Thậm chí ngay trước cổng Bệnh viện Từ Dũ (đường Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 1), nhiều xe bún, mỳ, cháo… bày bàn ghế chiếm gần hết vỉa hè, sáng nào cũng thu hút rất đông thai phụ và người nhà ghé ăn sau khi khám ở bệnh viện ra. Còn tại một điểm bán cơm tấm trên vỉa hè đường Nguyễn Thiện Thuật (Quận 3) mỗi sáng bán hơn 50kg sườn, gần 100 quả trứng cũng luôn tấp nập người ăn tại chỗ, người mua mang đi.

Tại một khu chợ truyền thống thuộc quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội, nhiều xe đẩy di động và những sạp hàng nhỏ bày bán các món ăn được chế biến ngay trước mắt khách hàng. Không che chắn, đồ sống để lẫn với đồ đã chế biến, người bán dùng tay trần trực tiếp bốc đồ ăn... đã không còn là hình ảnh hiếm thấy. Thậm chí, có quán ăn còn kinh doanh ngay cạnh khu tập kết rác thải tự phát của người dân, gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Không chỉ trên đường phố, sát các khu trường học, ký túc xá, thức ăn đường phố cũng phát triển mạnh, bởi đây được cho là nhóm khách hàng tiêu thụ các sản phẩm này nhiều nhất. Trước cổng Trường đại học Sư phạm Hà Nội vào khoảng khung giờ từ 16-19 giờ, khá đông học sinh, sinh viên, người đi làm đứng thưởng thức ẩm thực xiên que vỉa hè, đầy đủ các loại như: thịt viên chiên, bò viên, chả cá, xiên tôm, nem chua, xúc xích...

Điểm chung của các xe đẩy, quầy hàng bán dọc đường, trước cổng trường học đều tạm bợ, không có dụng cụ bảo quản chuyên dụng. Thậm chí, nhiều loại đồ ăn còn không được bao gói, che chắn, mặc cho bụi đường, khói xe mù mịt. Chén, bát, đũa sau khi sử dụng xong hầu hết chỉ được tráng 1 vài nước qua loa rồi lại dùng tiếp cho khách sau. Nước thải, đồ ăn thừa được vô tư xả xuống cống thoát nước bên cạnh. Còn người bán hàng thì không biết đến các quy trình về thực hành an toàn thực phẩm.

Thức ăn đường phố tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Theo PGS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia (thành phố Hà Nội), những thực phẩm đường phố thường tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Người mua đa số đều là khách vãng lai, không phải ngày nào cũng mua nên người bán hàng có tâm lý bán một lần là xong, không cần giữ khách. Người mua cũng không quá "căn ke" các điều kiện vệ sinh khó nhìn thấy ngay.

Bà Phạm Khánh Phong Lan - Giám đốc Sở An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh cho biết, toàn thành phố hiện nay có 15.400 điểm thức ăn đường phố, các địa phương đang chia ra quản lý. Ngoài ra còn có các đội kiểm tra đột xuất của Đội an toàn thực phẩm thành phố.

Thức ăn đường phố, gánh hàng rong là nơi địa phương quản lý trực tiếp. Đây là mô hình kinh doanh nhỏ lẻ nên nhiều nơi không cần đăng ký kinh doanh, không cung cấp đủ điều kiện an toàn thực phẩm, lo lắng nhất là nguồn nguyên liệu.

Bà Lan nhận định đặc điểm một số nguồn bán thức ăn đường phố là di chuyển liên tục, do vậy sẽ gây khó khăn cho công tác kiểm tra. Thực tế những vụ ngộ độc bếp ăn trong trường học, khu công nghiệp đã giảm hẳn vì kiểm tra rất nhiều. Nhiều vụ ngộ độc xảy ra do thức ăn đường phố thường không lưu mẫu thức ăn, khó khăn khi xác định được nguyên nhân ngộ độc.

Nêu dẫn chứng về việc quản lý thức ăn đường phố còn khó khăn, bà Phạm Khánh Phong Lan lấy minh chứng là dù nhắc nhở rất nhiều lần nhưng chuyện nhiều nơi bán heo quay, tóp mỡ ở huyện Hóc Môn bày sản phẩm ra mặt đường, bụi bẩn, mất vệ sinh... vẫn còn tồn tại.

Bà Lan cũng cho rằng việc thay đổi tư duy người tiêu dùng cũng rất khó vì văn hóa ẩm thực đường phố vừa rẻ, tiện và hợp khẩu vị. Tuy nhiên, để an toàn, người tiêu dùng nên quan sát hàng quán có đeo khẩu trang, găng tay, chọn cửa hàng truyền thống "quen bụng dạ", chọn điểm bán thức ăn tạo niềm tin. Về lâu dài, chiến lược của thành phố là cần đảm bảo nguồn nguyên liệu an toàn cho loại hình này. Tuy vậy, việc nâng cao ý thức, trách nhiệm của người bán - người mua vẫn là quan trọng nhất.

PGS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên Giảng viên Viện công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, số lượng hàng quán thức ăn đường phố hiện nay là rất lớn, do đó rất khó, hoặc không đủ nhân lực để huy động kiểm soát hết tất cả. Vấn đề mấu chốt và quan trọng nhất vẫn là ý thức trách nhiệm của mỗi người đối với xã hội. Muốn vậy cần phải giáo dục ý thức cho cả người bán lẫn người mua.

Để đảm bảo an toàn cho chính mình, bản thân người ăn cần tránh thói quen tùy tiện, chọn cơ sở có thương hiệu, sạch sẽ, thoáng mát, có đăng ký, tránh vỉa hè có côn trùng, nước bẩn... Các cơ quan chức năng cần hạn chế thấp nhất những hàng quán ngồi lê vỉa hè, cần quy định nơi buôn bán đã thẩm định vệ sinh an toàn. Chúng ta không thể cấm tuyệt đối thức ăn đường phố được, đây còn là kế mưu sinh của rất nhiều người. Thế nhưng sức khỏe của mọi người vẫn là chính, địa phương nên tăng cường kiểm tra để có đánh giá chung.

 An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang