Thúc đẩy tiêu dùng, nâng cao chất lượng hàng hóa nhằm tạo ra bệ đỡ tăng trưởng kinh tế

author 08:02 01/07/2023

(VietQ.vn) - Cùng với hai trụ cột “xuất khẩu” và “đầu tư” thì việc thúc đẩy trụ cột thứ 3 là “tiêu dùng” được xem là giải pháp quan trọng nhằm tạo ra bệ đỡ tăng trưởng cho nền kinh tế Việt Nam nhờ lợi thế thị trường nội địa gần 100 triệu dân.

Hoạt động thương mại và dịch vụ tiêu dùng sôi động

Thông tin từ Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 505,7 nghìn tỷ đồng, tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 3.016,8 nghìn tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 12,2%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,4%, tương đương cùng kỳ năm 2022. Theo giá hiện hành, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2023 có quy mô cao hơn nhưng tốc độ tăng thấp hơn cùng kỳ năm trước.

 Hoạt động thương mại và dịch vụ tiêu dùng diễn ra sôi động trong 6 tháng đầu năm 2023. Ảnh minh họa.

Có thể nói, trong tháng 6 qua, mức tăng của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng là tín hiệu đáng mừng khi công tác triển khai các giải pháp tăng trưởng cho thị trường nội địa, kết nối hàng hóa tại thị trường trong nước phục vụ cho người dân; các chương trình an sinh xã hội, phát triển thị trường đã từng bước phát huy hiệu quả.

Giới chuyên gia nhận định, cùng với hai trụ cột “xuất khẩu” và “đầu tư” thì việc thúc đẩy trụ cột thứ 3 là “tiêu dùng” được xem là giải pháp quan trọng nhằm tạo ra bệ đỡ tăng trưởng nhờ lợi thế thị trường nội địa gần 100 triệu dân.

Thúc đẩy trụ cột tiêu dùng

Thực tế chứng minh, sức mua của thị trường nội địa vẫn có dư địa tăng trưởng, các trung tâm kinh tế lớn của các đô thị lớn của Việt Nam sẽ có vai trò rất quan trọng để thúc đẩy GDP của cả nước, vì vậy cần đảm bảo thị trường thông thoáng, môi trường kinh doanh ổn định, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều hành động quyết liệt trong việc đề xuất Quốc hội cũng như chỉ đạo cơ quan liên quan ban hành chính sách kịp thời nhằm tháo gỡ các khó khăn, vực dậy nền kinh tế, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2023.

Trong đó, riêng về tiêu dùng, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành có giải pháp hiệu quả thúc đẩy tiêu dùng và kích cầu thị trường trong nước; nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa trong nước. Đồng thời, Bộ Tài chính khẩn trương hướng dẫn triển khai Nghị định của Chính phủ về việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Ngoài ra, Chính phủ cũng yêu cầu khẩn trương triển khai chính sách về giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT). Được biết, việc giảm thuế VAT thực hiện từ ngày 1/7 đến hết năm nay. Theo đó, thuế VAT sẽ giảm về 8% nhưng không áp dụng với nhóm hàng hóa như viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất và các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Người dân lẫn doanh nghiệp đều bày tỏ sự vui mừng đối với quyết sách đúng đắn này, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế còn gặp nhiều khó khăn và biến động khôn lường như hiện nay.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang