Thực trạng phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia của Việt Nam

author 06:00 11/05/2023

(VietQ.vn) - Với một số kết quả ban đầu, hạ tầng chất lượng quốc gia của Việt Nam đã góp phần tích cực, hiệu quả vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Các hoạt động quan trọng trong cấu phần của hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI) gồm tiêu chuẩn, đo lường, đánh giá sự phù hợp và công nhận đã được Chính phủ Việt Nam quan tâm và ban hành nhiều khung pháp lý với 03 luật nền tảng là Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Đo lường.

Trong lĩnh vực tiêu chuẩn, Chính phủ đã ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành nhiều thông tư để hướng dẫn và tổ chức thực hiện Luật này. Với vai trò cơ quan đầu mối, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tiến hành thẩm định khoảng 800 dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) theo đề nghị của các Bộ quản lý chuyên ngành theo đúng quy định. Đến nay, các Bộ quản lý chuyên ngành đã ban hành và đăng ký tại Bộ Khoa học và Công nghệ trên 800 QCVN.

Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức xây dựng, thẩm định và công bố 13 500 tiêu chuẩn quốc gia, trong đó tỷ lệ hài hòa so với tiêu chuẩn quốc tế, khu vực đạt 62%; xây dựng, công bố và phát triển Bộ Tiêu chuẩn Việt Nam về đô thị thông minh, nông nghiệp thông minh, sản xuất thông minh, cơ khí chế tạo, tự động hóa, robotics, kiểm soát môi trường, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp…

Cùng với việc tham gia với tư cách là thành viên P (thành viên tham gia chính thức) của 22 ủy ban kỹ thuật và tiểu ban ISO; thành viên O (thành viên quan sát viên) của 76 ủy ban kỹ thuật và tiểu ban ISO; và thành viên của 03 ủy ban kỹ thuật của IEC, hệ thống TCVN trở thành một nền tảng quan trọng nhằm thúc đẩy, nâng cao chất lượng sản phẩm và trình độ quản trị trong nước đạt chuẩn quốc tế, khu vực cũng như tạo điều kiện để các cơ quan, doanh nghiệp hiểu rõ hơn về các phiên bản mới của tiêu chuẩn quốc tế hoặc khu vực, do đó giúp thực hiện các tiêu chuẩn mới này dễ dàng và nhanh hơn.

Ảnh minh hoạ

Đối với lĩnh vực về đo lường, Chính phủ đã ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đo lường và 02 Nghị định quy định về điều kiện hoạt động của tổ chức kiểm định hiệu chuẩn thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường. Để hướng dẫn thực thi Luật Đo lường và các Nghị định này, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành 14 Thông tư quy đinh về đo lường; tổ chức xây dựng và phát triển 32 chuẩn đo lường quốc gia được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đồng thời xây dựng được hệ thống các văn bản kỹ thuật gồm có 349 Văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam (ĐLVN) đã được ban hành gồm: các yêu cầu kỹ thuật đo lường, quy trình kiểm định, quy trình hiệu chuẩn, quy trình thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường.

Cùng với việc nghiên cứu, thiết lập, duy trì, bảo quản và khai thác hệ thống chuẩn đo lường quốc gia; đã xây dựng và hình thành mạng lưới thực hiện dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm gồm 564 tổ chức đăng ký, 385 tổ chức được chỉ định đang hoạt động với khoảng 7300 chuẩn đo lường để sử dụng trực tiếp kiểm định phương tiện đo được đầu tư, trang bị và khoảng 4800 kiểm định viên được chứng nhận và cấp thẻ kiểm định viên đo lường để cung cấp các dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường cho doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Hoạt động đo lường của Việt Nam đã hội nhập mạnh mẽ với đo lường khu vực và quốc tế, thể hiện rõ thông qua sự tham gia họp đầy đủ và có trách nhiệm của Việt Nam với tư cách là thành viên của các tổ chức OIML, BIPM, APMP, APMLF, ACCSQ, EGM,... Đến nay, Việt Nam đã có 31 phép đo hiệu chuẩn (CMCs) được thừa nhận quốc tế theo Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau toàn cầu về chuẩn đo lường quốc gia (CIPM MRA), tạo nền tảng kỹ thuật vững chắc để Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại tự do quy mô lớn.

Lĩnh vực đánh giá sự phù hợp và công nhận, với hơn 40 văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn và tổ chức thực hiện Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, hoạt động đánh giá sự phù hợp (thử nghiệm, giám định, chứng nhận, kiểm định, công nhận) trở thành nền tảng kỹ thuật cần thiết giúp doanh nghiệp khẳng định sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Ngoài ra, hoạt động công nhận là một biện pháp để giúp cho việc thừa nhận lẫn nhau đối với kết quả thử nghiệm/hiệu chuẩn, giám định chất lượng và chứng nhận chất lượng; là tiền đề nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa trên thị trường trong và ngoài nước; là cơ sở để phát triển trao đổi thương mại và hội nhập kinh tế quốc tế.

Tính đến ngày 11/3/2023, đã có 1582 tổ chức đánh giá sự phù hợp được các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đánh giá sự phù hợp, trong đó có 1.026 tổ chức thử nghiệm, 227 tổ chức chứng nhận sản phẩm và chứng nhận hệ thống quản lý, 101 tổ chức giám định chất lượng sản phẩm, hàng hóa và 145 tổ chức kiểm định chất lượng sản phẩm, hàng hóa; 62 tổ chức tổ chức chứng nhận được công nhận đối với lĩnh vực chứng nhận sản phẩm (ISO/IEC 17065); có 82 tổ chức tổ chức chứng nhận được công nhận đối với lĩnh vực chứng nhận hệ thống quản lý (ISO/IEC 17021); có 1311tổ chức thử nghiệm/phòng thử nghiệm được công nhận (ISO/IEC 17025); có 196 phòng hiệu chuẩn được công nhận (ISO/IEC 17025); có 190 phòng xét nghiệm y tế được công nhận (ISO 15189; các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực đã chỉ định hơn 370 tổ chức đánh giá sự phù hợp phục vụ yêu cầu quản lý quản lý nhà nước đối với sản phẩm, hàng hóa nhóm 2, sản phẩm thực phẩm; 03 Tổ chức công nhận (BoA, AOSC, VACI) đăng ký hoạt động theo quy định tại Nghị định số 107/2016/NĐ-CP, trong đó có hai tổ chức BoA và AOSC là thành viên ký thỏa ước thừa nhận lẫn nhau MRA của Tổ chức APAC và ILAC cho chương trình Công nhận Phòng thí nghiệm (ISO/IEC 17025) và Phòng xét nghiệm y tế (ISO 15189).

Có thể thấy rằng, trong giai đoạn vừa qua, nền tảng NQI đã trở thành một công cụ giúp các sản phẩm, hàng hóa Việt Nam vượt qua các rào cản kỹ thuật trong thương mại, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu hàng hóa; giúp doanh nghiệp có cơ sở để cải tiến kỹ thuật, thay đổi công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa và tiết kiệm chi phí trong sản xuất, kinh doanh. Với NQI, các doanh nghiệp Việt Nam đã kịp thời kiểm soát chất lượng sản phẩm trong sản xuất, nhập khẩu, biết chính xác chất lượng sản phẩm do mình sản xuất hoặc mua vào. Điều đó giúp cho tổ chức giữ được uy tín và phát triển bền vững sản phẩm do họ cung cấp.

Như vậy, ở Việt Nam, NQI đã và đang được xây dựng, phát triển. Với một số kết quả ban đầu, hạ tầng chất lượng quốc gia của Việt Nam đã góp phần tích cực, hiệu quả vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Phong Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang