Độc chất chết người trong thuốc Đông Y không đạt chuẩn

author 09:28 29/03/2015

(VietQ.vn) - "Sử dụng thuốc Đông Y đúng cách" là buổi thảo luận nhằm chỉ ra những sai lầm nghiêm trọng của nhiều người khi phục dụng đông dược và cảnh báo những vấn đề nguy hiểm tiềm ẩn.

Theo tin tức trên báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh, ngày 27-3, Trung tâm Truyền thông-Giáo dục sức khỏe TP.HCM đã tổ chức buổi trò chuyện với chủ đề “Sử dụng thuốc Đông y đúng cách” để chỉ ra những sai lầm của nhiều người khi dùng thuốc Đông y.

Tham dự tại cuộc trò chuyện có Dược sĩ  (DS) Lê Kim Phụng, nguyên giảng viên khoa Y học cổ truyền, ĐH Y Dược TP.HCM. Bà cho biết hiện nay xu hướng điều trị bằng thuốc y học cổ truyền ngày càng tăng cao vì bệnh nhân sợ các tác dụng phụ của thuốc Tây. Nhưng thực trạng cho thấy thuốc Đông y hiện nay không còn được xem là “thần dược” cứu người như trước mà đôi khi còn là “độc dược” gây chết người.

Thuốc Đông Y dùng sai cách đem lại hậu quả khôn lường

Thuốc Đông Y giả mạo, kém chất đang bày bán tràn lan không ai quản lý, theo DS Phụng. Ảnh PLO

Lý do chính là do thuốc Đông y giả mạo, kém chất lượng được bày bán tràn lan, không ai quản lý. Những người sản xuất vì lợi nhuận đã đốt lưu huỳnh xông vào thuốc để diệt sâu mọt, nấm mốc và giữ thuốc được lâu hơn. Lưu huỳnh cũng làm cho Đông dược dẻo, mềm mại, trắng sáng. Nếu người bệnh uống thuốc có xông lưu huỳnh lâu ngày, chất này sẽ tích lũy nhiều trong cơ thể dễ gây bệnh ung thư.

Ngoài ra, thuốc Đông y cũng được dùng chì, kẽm, thủy ngân để đánh bóng cho bắt mắt. Khi sắc thuốc uống thì chì khuếch tán vào trong nước thuốc có thể gây nhiễm độc cho người uống. Trẻ em nhiễm chì sẽ chậm lớn, trí tuệ kém phát triển. Người lớn nhiễm chì sẽ bị tăng huyết áp, suy tim, gây thiếu máu do thiếu hụt hemoglobin, phụ nữ dễ sảy thai, vô sinh thậm chí tử vong. Chưa hết, các loại nấm mốc có trong dược phẩm tiết các độc tố như aflatoxin, khi vào cơ thể sẽ gây tổn thương gan, ung thư gan,… 

DS Phụng đặt vấn đề.: “Trong khi các cơ sở y tế hiện nay tuân thủ các quy định bảo quản nghiêm ngặt nhưng các chỗ bày bán bên ngoài thì không ai quản lý, kiểm tra. Chất lượng thuốc bị thả nổi, người dân là người uống và nhận hậu quả”. Được biết, trong thành phần hóa học của cây cỏ có những nhóm chất có tác dụng rất mạnh. Rất nhiều trường hợp nhập viện cấp cứu, thậm chí mất mạng là do sử dụng sai công dụng của dược liệu.. Vì vậy, người dân khi điều trị bệnh bằng Đông y nên uống thuốc theo chỉ dẫn của thầy thuốc uy tín. 

Liên quan đến vấn đề thuốc Đông Y trôi nổi, ngày 28.3, cơ quan hải quan Móng Cái cho biết đơn vị vừa bắt giữ một lô thuốc hơn 1.500 hộp không xuất trình được nguồn gốc. Lượng thuốc này được một người Trung Quốc thuê xe chở từ Móng Cái về Hà Nội để tiêu thụ. Cụ thể vào lúc 9h15, ngày 27/3, tại Km23, quốc lộ 18A, xã Quảng Nghĩa, TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, tổ kiểm soát cơ động – Đội kiểm soát Hải quan số 1 đã phát hiện xe ô tô mang biển kiểm soát 29A-70936 do đối tượng Lý Quốc Kiện (sinh năm 1963, trú tại 17b đường Chân Cầm, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) điều khiển đang vận chuyển 10 thùng đựng 1.520 hộp, tuýp, lọ thuốc đông y và 760 dụng cụ y tế bằng nhựa có nhãn hiệu và xuất xứ từ Trung Quốc.

Đối tượng bán thuốc Đông y không rõ xuất xứ bị điều tra tại cơ quan công an

Đối tượng vận chuyển thuốc Đông y không rõ xuất xứ bị điều tra tại cơ quan công an. Ảnh Dân trí

Tại cơ quan điều tra, Dư Nam ( là chủ lô hàng theo lời khai của lái xe) không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của lô hàng và khai nhận vận chuyển thuê cho một người bạn Trung Quốc là Lâm Chí Vịnh, trú tại TP Đông Hưng, Trung Quốc. Đội kiểm soát Hải quan số 1 đã lập biên bản thu giữ số hàng trên để làm thủ tục xử lý. Ban đầu cơ quan chức năng nhận định số thuốc trên là thuốc tân dược. Tuy nhiên qua công tác giám định phân tích thành phần thì đây lại là thuốc đông y, sản phẩm chuyên dùng cho lĩnh vực mát xa làm đẹp. Sự việc trên đang được điều tra, làm rõ, theo Dân trí.

Về vấn đề thời hạn dùng của thuốc, theo các thầy thuốc, đông dược đòi hỏi phải được bảo quản đúng quy cách, từ khâu thu mua, vận chuyển, bảo quản trong điều kiện độ ẩm và nhiệt độ ánh sáng đúng quy định thì thuốc mới không bị hư hỏng, biến chất. Thông thường, thuốc y học cổ truyền được bảo quản tốt chỉ có hạn dùng một năm vậy nên người tiêu dùng nên lưu ý, chọn mua những nơi uy tín để tránh tiền mất tật mang.

Phương Khanh (T/h)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang