Thưởng thức đặc sản cỗ cưới vùng cao

author 07:08 13/09/2014

(VietQ.vn) – Không chỉ tạo nên bản sắc văn hóa đặc trưng, cỗ cưới các vùng miền ở vùng cao Tây Bắc còn mang những giá trị ẩm thực độc đáo, hấp dẫn khách du lịch xa gần.

Phong tục cưới của các dân tộc vùng cao bên cạnh những nghi thức tổ chức độc đáo, ẩm thực mùa cưới của các dân tộc vùng cao còn hấp dẫn khách du lịch bởi những hương vị lạ lùng và quyến rũ  trong mâm cỗ cưới.

Món đậu phụ nhồi thịt của người Dao Khâu

Món đậu phụ nhồi thịt của người Dao Khâu. Ảnh minh họa

Món đậu phụ nhồi thịt của người Dao Khâu. Ảnh minh họa

Có khá nhiều món ăn truyền thống của người Dao Khâu ở vùng cao Sìn Hồ, Lai Châu, song đặc trưng trong mâm cỗ cưới phải kể đến món đậu phụ nhồi thịt dễ làm, nguyên liệu sẵn có nhưng lại khá đặc trưng trong ngày trọng đại.

Chọn đậu phụ thật kỹ sau đó cắt ra thành hình tam giác đều, rán qua mỡ để cho miếng đậu dai hơn và không bị nát khi nhồi thịt vào. Sau khi cho đậu qua lớp mỡ nóng, để nguội và dùng dao nhỏ khoét rỗng ruột của miếng đậu để lấy chỗ nhồi thịt. Thịt được xay nhỏ, trộn đều với mộc nhĩ, nấm hương và các loại gia vị khác như hành, tỏi, ớt để cho món ăn được vừa miệng người dùng.

Bữa cơm bình thường của người Dao Khâu thường chỉ có rau, bởi vậy trong những ngày trọng đại như dịp lễ cưới hỏi, món đậu phụ nhồi thịt trở thành món “đặc sản” trên bàn ăn của người dân nơi đây thể hiện ước vọng về một cuộc sống sung túc, đủ đầy của cặp vợ chồng trẻ.

Món khau nhục của người Sán Dìu

Món khau nhục của người Sán Dìu. Ảnh minh họa

Món khau nhục của người Sán Dìu. Ảnh minh họa

Nằm cách thành phố Hạ Long khoảng 20km, người Sán Dìu ở xã Sơn Dương, huyện Hoành Bồ được biết đến với món khau nhục quyến rũ luôn xuất hiện trong các mâm cỗ cưới.

Khau nhục được làm từ nguyên liệu chính là thịt ba chỉ, thịt luộc chín sau đốt cháy lớp bì, để đến khu thịt hấp chín sẽ có độ nhăn đẹp. Thịt treo khô, sau đó cho mật ong phết đều lên hai mặt của miếng thịt rồi thả vào chảo dầu nóng già cho đến khi miếng thịt vàng ươm.

Thịt cũng được ướp gia vị cùng với mộc nhĩ, măng rừng, tỏi khô trộn đều với nước mắm, bột ngọt, húng lìu để cho miếng thịt thêm hương vị đậm đà. Mâm cỗ cưới dọn ra với món khau nhục thơm nghi ngút, xán một miếng thịt lên, phần mỡ trong veo như thạch rau câu, đưa lên miệng, miếng thịt ba chỉ tan ra dần tạo cảm giác khoái cảm lạnh lùng.

Xuất hiện nhiều trong mâm cỗ cưới của người Sán Dìu, món khau nhục trở thành món ăn độc đáo và sang trọng trong các bữa tiệc cưới với cách chế biến cầu kì và hương vị hấp dẫn, giúp cho bữa tiệc cưới ngày hạnh phúc trở nên hoàn hảo hơn.

Món chuối rừng hầm nhừ của người Nùng

Món chuối rừng hầm nhừ của người Nùng. Ảnh minh họa

Món chuối rừng hầm nhừ của người Nùng. Ảnh minh họa

Trở thành một món ăn trong mâm cỗ cưới, sánh đôi cùng các món ăn “cao cấp” khác, chuối rừng hầm nhừ là món ăn đặc sản của người Nùng ở Cao Bằng.

Thân chuối rừng được chọn để làm món chuối hầm nhừ thường là những thân chuối non, chưa trổ hoa, và được gọt sạch lớp vỏ ngoài, chỉ để lại lõi mềm bên trong và ngâm vào những chậu nước muối lớn để tránh bị thâm.

Nõn chuối ngâm trong một khoảng thời gian nhất định từ 1-2 tiếng, sau đó vớt ra và bỏ vào nồi nước luộc gà và xương ống hầm sau đó nêm bột canh cho vừa miệng, lại không bị ngán.

Sau khi bỏ nõn chuối vào nồi nước dùng, tiếp tục đun trên bếp cho đến khi nhừ. Đặc sản chuối rừng hầm nhừ xuất hiện liên tục trên các bàn ăn cỗ cưới của người Nùng ở Cao Bằng giúp mâm cỗ ngày cưới đặc sắc hơn với các món ăn được chế biến từ các nguyên liệu thiên nhiên.

Cao Huyền


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang