Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cải tiến, đổi mới công nghệ sản xuất

author 13:21 12/10/2021

(VietQ.vn) - Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được hưởng lợi từ các chương trình hỗ trợ của các đơn vị chức năng trực thuộc Bộ KH&CN. Nhiều doanh nghiệp từ đó đã có thể đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh nghiệp của nền kinh tế và có xu thế gia tăng ngày càng mạnh mẽ. Ở Việt Nam, DNNVV chiếm trên 95% tổng số doanh nghiệp. DNNVV giữ vai trò quan trọng trong việc ổn định và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cung cấp cho thị trường nhiều loại hàng hóa đa dạng ở mọi lĩnh vực, tạo ra nhiều sự lựa chọn đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, thúc đẩy sức tiêu thụ của nền kinh tế.

Theo thông tin từ Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) có vai trò quan trọng trong việc tạo ra nhiều việc làm, kết nối với doanh nghiệp lớn tạo mạng lưới hỗ trợ phát triển cho hầu hết các ngành nghề. Để đẩy mạnh phát triển DNNVV, việc hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực là hết sức quan trọng. Công tác hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững trên thị trường.

Những năm gần đây, cùng với các đơn vị khác của Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Thiết kế, chế tạo và thử nghiệm thuộc Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ đã có nhiều hoạt động tư vấn, đổi mới/cải tiến quy trình công nghệ cho DNNVV, đồng thời kết hợp với đào tạo theo hình thức “cầm tay chỉ việc” nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giúp đội ngũ lao động hiểu và vận dụng được phương pháp quản trị công nghệ/thiết bị, tiết giảm các chi phí trong sản xuất.

Nhờ đó, quy trình sản xuất của dây chuyền thiết bị được hiệu chỉnh phù hợp, chất lượng cán bộ quản lý, cán bộ nghiệp vụ doanh nghiệp được nâng cao, góp phần tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh, chủ động tìm kiếm thị trường, tạo việc làm và tăng thu nhập cho nhiều lao động địa phương.

Đặc biệt ở các địa phương miền núi khó khăn, công nghệ thiết bị sản xuất của doanh nghiệp còn hạn chế, trình độ lao động ở mức “thấp”, các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp đã mang nhiều ý nghĩa. Điển hình như tại địa bàn tỉnh Bắc Kạn, Công ty Cổ phần Quang Minh Finance hoạt động trong lĩnh vực chế biến tinh bột, sau quá trình khảo sát, tư vấn, hiệu chỉnh, cải tiến quy trình công nghệ kết hợp với đào tạo trực tiếp cho đội ngũ lao động tại công ty, đã mang lại nhiều hiệu quả cụ thể như có phương án quản trị công nghệ/thiết bị, quản trị sản xuất hiệu quả, giảm thiểu đáng kể chi phí sản xuất như chi phí nhân công giảm hơn 10%, chi phí nước giảm 18%, tỷ lệ thu hồi thành phẩm nâng cao hơn 1%.

Ảnh minh họa

Hay như tại Công ty Cổ phần nông sản Bắc Kạn hoạt động trong lĩnh vực chế biến các sản phẩm nông sản, sau hoạt động đào tạo kết hợp tư vấn doanh nghiệp đã hiệu chỉnh/bổ sung công nghệ/thiết bị sấy gián tiếp bằng nồi hơi để thay thế cho công nghệ sấy truyền thống, chất lượng, độ đồng đều của sản phẩm được nâng cao, 100% phụ phẩm trong chế biến sản phẩm từ nghệ được sử dụng hiệu quả (làm tinh dầu và phân bón), đội ngũ lao động của công ty đã tiếp cận và vận hành tốt quy trình sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của công ty.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhiều doanh nghiệp lâm vào khó khăn lớn, phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm lao động. Để giúp doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh, Trung tâm thường xuyên phối hợp với các chuyên gia theo từng lĩnh vực khảo sát đánh giá, trao đổi với doanh nghiệp về hiện trạng và nhu cầu thực tế của một số doanh nghiệp từ đó xác định phương án cải tiến, hiệu chỉnh công nghệ, thiết bị, xây dựng nội dung đào tạo phù hợp, đào tạo kết hợp với tư vấn công nghệ (theo hình thức online và trực tiếp) nhằm giúp cho đội ngũ lao động có thể vận dụng các kỹ năng, phương pháp đã được truyền đạt áp dụng vào sản xuất.

Qua triển khai thực tế cho thấy để công việc hỗ trợ các DNNVV đạt được kết quả cao cần có nhiều thời gian cho quá trình khảo sát, phân tích đánh giá, xác định các nhu cầu, khó khăn “thực” của doanh nghiệp từ đó đưa ra các phương án giải pháp hỗ trợ đồng bộ từ khảo sát, tư vấn, hỗ trợ công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thương hiệu... khi đó kết quả thu được sẽ mang tính “bền vững” cho doanh nghiệp.

Liên quan tới vấn đề trên, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nghị định quy định cụ thể nội dung hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo gồm:

Thứ nhất, hỗ trợ sử dụng cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung; hỗ trợ tư vấn sở hữu trí tuệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; hỗ trợ thực hiện các thủ tục về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng; thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm, mô hình kinh doanh mới; hỗ trợ công nghệ; hỗ trợ đào tạo, huấn luyện chuyên sâu; hỗ trợ về thông tin, truyền thông, xúc tiến thương mại, kết nối mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo.

Trong đó, hỗ trợ 100% chi phí sử dụng trang thiết bị tại cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung nhưng không quá 20 triệu đồng/năm/doanh nghiệp; hỗ trợ tối đa 50% chi phí thuê mặt bằng tại các cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung nhưng không quá 5 triệu đồng/tháng/doanh nghiệp. Thời gian hỗ trợ tối đa là 3 năm kể từ ngày doanh nghiệp ký hợp đồng thuê mặt bằng.

Thứ hai, hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn quản lý và phát triển các sản phẩm, dịch vụ được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở trong nước nhưng không quá 50 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp; hỗ trợ tối đa 50% giá trị hợp đồng tư vấn xác lập chuyển giao, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài nhưng không quá 50 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp.

Thứ ba, hỗ trợ tối đa 50% chi phí thử nghiệm sản phẩm mới tại các đơn vị, tổ chức thử nghiệm sản phẩm hàng hóa nhưng không quá 30 triệu đồng/năm/doanh nghiệp; hỗ trợ tối đa 50% giá trị hợp đồng tư vấn hoàn thiện sản phẩm mới, dịch vụ mới, mô hình kinh doanh mới, công nghệ mới nhưng không quá 50 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp.

Thứ tư, hỗ trợ tối đa 50% chi phí tham gia các khóa đào tạo chuyên sâu trong nước cho học viên của doanh nghiệp về xây dựng, phát triển sản phẩm; thương mại hóa sản phẩm; phát triển thương mại điện tử; gọi vốn đầu tư; phát triển thị trường; kết nối mạng lưới khởi nghiệp với các tổ chức, cá nhân nghiên cứu khoa học nhưng không quá 5 triệu đồng/học viên/năm và không quá 3 học viên/doanh nghiệp/năm; hỗ trợ tối đa 50% chi phí tham gia các khóa đào tạo, huấn luyện chuyên sâu ngắn hạn ở nước ngoài nhưng không quá 50 triệu đồng/học viên/năm và không quá 2 học viên/doanh nghiệp/năm.

Bảo Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang