Tích tụ tập trung ruộng đất - Xu thế tất yếu phát triển nền nông nghiệp hàng hóa

author 07:20 05/04/2023

(VietQ.vn) - Thực tế sản xuất hiện nay cho thấy, mô hình mọi người, mọi nhà đều sản xuất nông nghiệp không còn phù hợp với xu hướng phát triển xã hội. Việc rút bớt lao động ra khỏi nông nghiệp - nông thôn, tạo điều kiện để tích tụ tập trung ruộng đất cho phát triển nền nông nghiệp hàng hóa là xu thế tất yếu.

Xu hướng tất yếu

Tại Diễn đàn kết nối nông sản 970, các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề xoay quanh việc phát triển nông nghiệp đại điền nhìn từ thực tiễn tại Thái Bình; tìm các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, khuyến khích mô hình sản xuất đại điền của Thái Bình nói riêng, các tỉnh thành trong cả nước nói chung phát triển.

Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Ngọc Thạch- Tổ trưởng tổ điều hành Diễn đàn Kết nối nông sản 970 cho biết, tại Thái Bình, hiện số hộ có diện tích từ 2ha trở lên là hơn 1.700 hộ, trong đó có những hộ có diện tích lớn đến gần 70ha. Đặc biệt, một tổ chức đang hình thành là hội đại điền. Trong tổng số hơn 1.700 hộ có diện tích hơn 2ha, hội đại điền đã quy tụ được khoảng gần 200 thành viên ở rải rác toàn tỉnh. Một số hội đại diện đã gom ruộng vào và thành lập hợp tác xã.

Diễn đàn Kết nối nông sản 970 với chủ đề “Thúc đẩy mô hình sản xuất nông nghiệp đại điền” diễn ra tại TP.Thái Bình.

Nhìn nhận từ thực tế Thái Bình, bà Nguyễn Thị Nga- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Thái Bình cho biết, Thái Bình là tỉnh có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, trong đó lúa là nông sản trọng tâm với diện tích hằng năm đạt 155.000 ha, năng suất bình quân hằng năm đạt 13 tấn/ha.

Khoảng thời gian từ 2014 đến 2016, tỉnh Thái Bình xuất hiện hiện tượng nông dân bỏ ruộng, không canh tác. Trong bối cảnh đó, một số nông dân đã hình thành tư tưởng phát triển quy mô lớn, mạnh dạn mượn lại ruộng của bà con để tiến hành canh tác. Vượt qua khó khăn bước đầu, một số mô hình đã đạt thành công nhất định, sau đó lan tỏa ra nhiều địa phương.

Từ năm 2015 đến 2020, chính sách hỗ trợ cơ giới hóa nông nghiệp của tỉnh Thái Bình đã tạo nên những chuyển biến lớn. Sở NN-PTNT tỉnh Thái Bình đã phối hợp các cơ quan ban, ngành liên quan hỗ trợ máy gặt, máy cáy cho nhiều địa phương trong tỉnh. Các hộ tích tụ ruộng đất cũng nằm trong nhóm đối tượng được hỗ trợ. Đặc biệt, trong năm 2021, Hội đồng Nhân dân tỉnh Thái Bình đã ban hành Nghị quyết số 40 và Nghị quyết số 29 nhằm hỗ trợ liên kết tiêu thụ sản phẩm, cơ giới hóa và tích tụ ruộng đất giai đoạn 2021-2025.

Tại Diễn đàn, ông Vương Đức Hằng- Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình thông tin, từ năm 2004, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương tập trung thực hiện dồn điền, đổi thửa, qua đó đã khắc phục được một phần tình trạng thửa đất nhỏ lẻ, manh mún phân tán của hộ gia đình, cá nhân.

“Tuy nhiên, thực tế sản xuất hiện nay cho thấy, mô hình mọi người, mọi nhà đều sản xuất nông nghiệp không còn phù hợp với xu hướng phát triển xã hội. Việc rút bớt lao động ra khỏi nông nghiệp - nông thôn, tạo điều kiện để tích tụ tập trung ruộng đất cho phát triển nền nông nghiệp hàng hóa là xu thế tất yếu”- ông Vương Đức Hằng nhận định.

Theo điều tra sơ bộ, trên địa bàn huyện Đông Hưng có khoảng 10% các hộ có ruộng không có nhu cầu sản xuất nông nghiệp. Các hộ này thường cho mượn ruộng không thu khoán, thậm chí còn đóng sản cho các hộ sản xuất.

20% hộ có nhu cầu cho thuê, mượn ruộng và 20% hộ nếu giá thuê ruộng hợp lý sẽ thỏa thuận cho thuê ruộng. Còn 50% các hộ vẫn có nhu cầu sản xuất để tạo lương thực, thực phẩm phục vụ gia đình. Qua đó xuất hiện nhiều xã có hiện tượng ruộng bỏ hoang không tổ chức gieo cấy.

Nhằm khắc phục tình trạng bỏ ruộng hoang, huyện Đông Hưng đã khuyến khích các hộ dân đổi ruộng, thuê, mượn, tích tụ ruộng đất, nhất là các diện tích bị bỏ hoang để đưa cơ giới hóa và ứng dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật vào phát triển sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất/ha đất nông nghiệp.

Đến nay, trên địa bàn huyện đã có trên 500 hộ tích tụ ruộng đất sản xuất lúa với quy mô từ 1ha trở lên, đạt khoảng 1.200 ha. Trong đó, hộ tích tụ ruộng đất từ 5 ha trở lên là 67 hộ, hộ có diện tích tích tụ từ 20 ha/hộ có 1 hộ, hộ có diện tích từ 10 ha trở lên có 17 hộ.

“Đa số các tích tụ ruộng đất đã đầu tư, ứng dụng máy móc vào sản xuất như máy cấy, máy gặt, máy sấy, máy làm đất, máy phun thuốc BVTV và các hộ này thực sự đã thay đổi cuộc sống của mình bằng chính nghề nông, góp phần giảm diện tích bỏ ruộng hoang hóa trên địa bàn huyện”- Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hưng chia sẻ.

Tích tụ tập trung ruộng đất cho phát triển nền nông nghiệp hàng hóa là xu thế tất yếu. 

Tạo điều kiện tích tụ, tập trung đất đai phát triển sản xuất hàng hóa

Theo Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Ngọc Thạch, Thái Bình là điểm sáng trong tích tụ đất đai nhờ có những cơ chế khuyến khích, động viên kịp thời. Tuy nhiên, thực tiễn trong việc phát triển đại điền vẫn còn gặp nhiều trở ngại, đơn lẻ, mà một trong những “rào cản” đó chính là những quy định trong Luật Đất đai hiện tại, khi nông dân vùng Đồng bằng sông Hồng được giao tối đa 2ha đất trồng lúa/hộ, Đồng bằng sông Cửu Long là 3ha, đồng thời được chuyển nhượng 10 lần giới hạn giao đất.

Ông Lê Nguyên Hoài- Phó Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy thông tin, về công tác tích tụ đất đai, các địa phương trong huyện đã thực hiện quy hoạch xây dựng cánh đồng lớn, cánh đồng liên kết sản xuất tại 31 xã với tổng diện tích là 2.121 ha. Trong đó, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm là 813 ha.

Nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn thuê, mượn ruộng của các hộ không có nhu cầu sản xuất để thực hiện tích tụ ruộng đất phục vụ sản xuất. Theo số liệu tổng hợp tại vụ xuân 2023, toàn huyện có 626,71 ha được nhân dân tích tụ để sản xuất (gieo cấy lúa).

Một số đơn vị có diện tích tích tụ lớn như: Công ty Hưng Khang thuê đất đất tại Thụy Phong, Thụy Thanh với diện tích 35ha; Công ty Đông Tây thuê đất tại Thụy Thanh với diện tích 30 ha; hộ Lê Thị Gấm Dương Phúc 11 ha, Bùi Văn Chín Dương Phúc 10 ha; Phạm Quang Việt Thái Giang 20 ha; Bùi Đức Thiên 10 ha, Trần Quang Hanh 15 ha… thực tế sản xuất của các mô hình đã đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn sản xuất truyền thống từ 15 - 20%.

Tuy nhiên, việc tái cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp và xây dựng các mô hình tích tụ ruộng đất trên địa bàn huyện Thái Thuỵ vẫn còn những tồn tại, hạn chế.

Trên cơ sở đó, ông Hoài kiến nghị, các Bộ, ngành Trung ương nghiên cứu những bất cập trong quản lý, sử dụng đất đai hiện nay. Cần có quy định cụ thể về tích tụ, tập trung ruộng đất để tạo điều kiện cho phát triển sản xuất hàng hóa. Bên cạnh đó, cần sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Luật Đất đai tạo điều kiện cho việc tích tụ, tập trung đất đai.

Cụ thể: Hạn mức chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp đối với hộ gia đình có hộ khẩu nông nghiệp: Theo quy định tại Điều 129, Điều 130 Luật đất đai năm 2013: Diện tích nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình có hộ khẩu nông nghiệp không quá 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp. Do vậy, khó khăn cho các hộ có nhu cầu nhận chuyển nhượng với diện tích lớn hơn 20 ha.

Vướng mắc về điều kiện nhận chuyển đổi ( Điều 190 Luật Đất đai 2013), điều kiện nhận chuyển nhượng (Điều 191, 192, 193 Luật Đất đai 2013 ), do vậy chưa thể hoàn thiện thủ tục đất đai cho đối tượng thực hiện tích tụ diện tích lớn, phát triển sản xuất với quy mô lớn.

Chia sẻ một số vướng mắc trong sản xuất, nông dân Nguyễn Văn Nghị, xã Tân Hoà, huyện Vũ Thư, Thái Bình- người đang có diện tích canh tác 20 ha cho biết, nhân lực lao động làm nông đang ít dần đi, yêu cầu tăng cường máy móc vào nông nghiệp. Trong khi đó, diện tích ruộng đất hoang hóa nhiều, gây ảnh hưởng tới khu vực trồng trọt xung quanh.

Tuy nhiên, ông Nghị cho rằng, các nông dân vẫn đang gặp khó khăn khi tiếp cận chính sách hỗ trợ máy móc của nhà nước, thủ tục hành chính về tiếp cận hỗ trợ còn vướng mắc. Ông Nghị đề xuất, cần điều kiện về pháp lý và hành chính để người nông dân có thể tiếp cận dễ dàng hơn với sự hỗ trợ, nhanh chóng có máy móc để phục vụ sản xuất.

Thực tế hiện nay, mô hình đại điền ra đời trong bối cảnh hoạt động tái cơ cấu nền kinh tế, nông nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ. Nhận định ngành nông nghiệp Việt Nam đang định hướng phát triển theo hướng hiện đại, đa giá trị, sinh thái, minh bạch..., ông Lê Đức Thịnh- Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho rằng, việc tổ chức lại sản xuất theo hướng quy mô lớn là yếu tố phù hợp để định hướng này đi vào cuộc sống. "Hiện lực lượng lao động đang rút dần khỏi khu vực nông nghiệp, nông thôn thì việc tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, giảm chi phí, công lao động, tạo ra giá trị cao hơn là hướng đi đúng đắn. Đây cũng được xem là nền móng vững chắc để xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh" - ông Lê Đức Thịnh khẳng định.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang