Môi sưng cứng, vón cục vì tiêm filler để có đôi môi trái tim căng mọng

author 10:15 12/04/2022

(VietQ.vn) - Một người phụ nữ 57 tuổi quê ở Đồng Nai bị phù nề đôi môi, vón cục vì tiêm filler đôi môi trái tim tại một cơ sở thẩm mỹ.

Đôi môi sexy, quyến rũ, thu hút người đối diện đang là xu hướng thẩm mỹ hiện nay. Filler môi đang là phương pháp làm đẹp đang khiến những tín đồ thẩm mỹ “chao đảo” bởi không cần phẫu thuật, xâm lấn khách hàng vẫn sở hữu được bờ môi ưng ý.

Tiêm Filler môi là phương pháp nhanh nhất, nhẹ nhàng giúp cho khách hàng khắc phục khuyết điểm môi mỏng để sở hữu đôi môi căng mọng, hút hồn. Để thực hiện, bác sĩ sẽ đưa 1 lượng vừa đủ Filler vào phần dưới niêm mạc môi, sau đó cân chỉnh giúp cân đối, hài hòa với đường nét khuôn mặt hơn. Với những khách hàng muốn làm đẹp nhưng ngại phẫu thuật, xâm lấn có thể thực hiện phương pháp này bởi nó đem lại rất nhiều ưu điểm. Tuy nhiên bên cạnh những ưu điểm thì phương pháp này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Mới đây, chị Ngọc, 57 tuổi, ngụ Đồng Nai, tiêm môi baby ở một cơ sở thẩm mỹ với mong muốn có đôi môi trái tim căng mọng như thời trẻ, không ngờ bị sụp môi trên, môi dưới sưng cứng.

Filler khiến môi chị phù nề, vón cục, dư da nhiều phần nhân trung. Đến bệnh viện tại TP HCM khám, bác sĩ chỉ định bệnh nhân không can thiệp tạo hình vì sẽ vểnh môi. Chị mong muốn khi cười sẽ thấy được hàm răng và nhìn thẩm mỹ hơn nên quyết tâm nhờ bác sĩ tạo hình môi. Sau khi cân nhắc, bác sĩ vừa nạo filler môi, đồng thời điều trị sụp môi trên, cắt một phần môi ở đường giữa nhân trung, treo môi hai bên và khâu tạo hình thẩm mỹ.

 Đôi môi sưng cứng của bệnh nhân sau khi tiêm. Ảnh: VnExpress

Một tuần sau mổ, chị vẫn còn đau khi nói chuyện. "May là còn có thể khắc phục phần nào hậu quả dù tốn kém, giờ tôi chỉ muốn trở về bình thường chứ không mong gì môi đẹp hay baby nữa", chị Ngọc chia sẻ.

Thu Thảo, 25 tuổi, quê Tiền Giang, cũng tiêm môi baby với ước muốn có "dáng môi căng mọng, sexy, quyến rũ" như quảng cáo của spa. Sau tiêm khoảng 3 tháng, môi xuất hiện các cục cứng, nặn chảy dịch mủ trắng. Vào bệnh viện, bác sĩ siêu âm ghi nhận các mô hạt ở môi, phải chọc tháo mủ, cho bệnh nhân sử dụng kháng sinh, kháng viêm.

Tiêm môi baby, tạo hình môi baby không cần phẫu thuật là dịch vụ được nhiều cơ sở thẩm mỹ, spa quảng cáo gần đây. Chẳng hạn, một cơ sở ở quận 3, TP HCM, quảng cáo kỹ thuật tiêm thẩm mỹ "không đau, không sưng, đẹp liền", giúp chữa lành các khuyết điểm của chị em sợ phẫu thuật và không muốn phẫu thuật mà vẫn có "môi baby căng mọng siêu xinh", chỉ trong 10-15 phút. Nhân viên cơ sở này cho biết kỹ thuật tiêm môi đa tầng khắc phục mọi nhược điểm cho người môi mỏng, không đều, môi nhiều nếp nhăn, người không rõ dáng môi và thích dáng môi đầy đặn, môi trái tim baby. Mức giá tùy thuộc dáng môi, loại và hàm lượng filler (chất làm đầy), dao động 2-10 triệu đồng.

Trên một số trang mua sắm trực tuyến, filler tiêm môi baby được rao bán với giá chưa tới một triệu đồng, nếu mua từ hai sản phẩm trở lên giảm còn chưa đến 800.000 đồng. Theo người bán hàng, filler giúp môi đẹp hoàn hảo theo ý muốn chỉ sau 10 phút tiêm nắn chỉnh mà lại không hề đau đớn hay sưng nề, tiêm xong có thể về nhà và đi chơi ngay.

Bác sĩ Lê Thảo Hiền, Khoa Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Da liễu TP HCM, cho biết bệnh viện tiếp nhận và điều trị khá nhiều trường hợp tai biến sau tiêm môi thẩm mỹ. Đa số trường hợp tai biến sau khi được tiêm môi tại nhà, các spa hoặc thẩm mỹ viện hoạt động trái phép. "Môi là bộ phận khá nhạy cảm và khó điều chỉnh, nếu lựa chọn thuốc không phù hợp hoặc tiêm môi sai kỹ thuật thì sẽ dễ tai biến", bác sĩ nhấn mạnh.

Tai biến do tiêm môi thường gặp như sưng nề kéo dài, nhiễm trùng môi, nốt cục không đều, môi méo mó biến dạng và nguy hiểm nhất là hoại tử môi do tắc mạch máu. Nguyên nhân do người thực hiện tiêm môi không phải là bác sĩ hoặc không được đào tạo chính quy về tiêm môi thẩm mỹ, thuốc tiêm trôi nổi không chất lượng, chăm sóc môi không đúng cách.

Theo bác sĩ Nguyễn Phan Tú Dung, Giám đốc Bệnh viện Thẩm mỹ JW, tiêm môi có tác dụng làm đôi môi gợi cảm, dáng môi đẹp hơn, căng mọng không nếp nhăn nhưng chỉ nên tiêm ít, liều lượng phù hợp và không nên tiêm nhiều lần. Tiêm càng nhiều, filler chèn ép môi làm mô viêm, lâu ngày gây hoại tử. Lựa chọn chất tiêm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đã được cấp phép sử dụng. Dù là thủ thuật nhỏ nhưng tiêm filler đòi hỏi quy trình thực hiện phải đúng chuẩn an toàn và vô trùng tuyệt đối, tại những cơ sở được cấp phép, có khả năng xử trí cấp cứu ban đầu bởi "bất kỳ tiêm chất gì vào cơ thể cũng có khả năng gây sốc".

Hai phương pháp tiêm môi thẩm mỹ thường được sử dụng bao gồm tiêm chất làm đầy và tiêm botulinum toxin, phải được thực hiện bởi bác sĩ có chuyên môn. Thời gian tác dụng có thể kéo dài từ vài tháng đến hơn một năm. Trước khi tiêm, bác sĩ sẽ khám và tư vấn kỹ thuật tiêm, loại thuốc tiêm và cách chăm sóc lẫn theo dõi sau khi điều trị. Sau đó, bệnh nhân sẽ được bôi thuốc tê và tiêm.

Các bác sĩ khuyến cáo cần đi khám ngay khi dấu hiệu nghi ngờ tai biến sau tiêm môi thẩm mỹ như môi đau nhức nhiều, sưng nề kéo dài, chảy máu, môi tím tái hoặc trắng bệch, xuất hiện vón đóng cục không tan được.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang