Mặt cô gái sưng phồng, nghi tiêm filler trôi nổi không đảm bảo chất lượng

author 15:33 13/10/2021

(VietQ.vn) - Bệnh viện Da liễu TP. HCM cho biết, đơn vị này vừa tiếp nhận một nữ bệnh nhân mặt sưng phồng sau khi tiêm filler tại một cơ sở thẩm mỹ tư nhân.

Một trong các xu hướng phẫu thuật thẩm mỹ gần đây là tiêm chất làm đầy (filler) để khuôn mặt trở nên đầy đặn hơn, xóa bỏ nếp nhăn và các dấu hiệu lão hóa. Tuy nhiên tác dụng phụ của tiêm filler cũng thường xảy ra.

Cụ thể, với mong muốn có khuôn mặt đầy đặn, cô gái 23 tuổi đến một cơ sở thẩm mỹ ở quận Phú Nhuận tiêm "filler Hàn Quốc" vào hai má với chi phí hơn 6 triệu đồng.

 Mặt cô gái bị sưng phồng sau khi tiêm filler. Ảnh: VnExpress

Sau 5 tháng, vùng má trái sưng to, đau nhức, cô mua các thuốc kháng sinh, kháng viêm về uống. Khối sưng giảm, sau đó sưng to khi ngưng thuốc. "Sáng ngủ dậy rất khó vệ sinh mặt và răng miệng, ăn uống cũng trở ngại vì không há được miệng to", bệnh nhân nói.

Bác sĩ Bệnh viện Da liễu TP HCM ghi nhận vùng má trái của bệnh nhân căng bóng, sưng to với kích thước 5x5cm, đau nhức, siêu âm có ổ dịch vùng má trái dẫn đến áp xe.

Phó giáo sư Phạm Hiếu Liêm (Trưởng Đơn vị Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ) cho biết thêm, bệnh nhân bị nhiễm trùng muộn vùng má trái sau tiêm chất làm đầy. Nguyên nhân gây nhiễm khuẩn muộn có thể do filler trôi nổi, không đảm bảo chất lượng.

"Cũng có thể do quá trình thực hiện kỹ thuật tiêm không được đảm bảo vô khuẩn tuyệt đối và nhiễm khuẩn này tiềm ẩn trước đó một thời gian mà bệnh nhân không biết cho đến khi bộc lộ ra thì đã quá to", Phó giáo sư Liêm nói.

Sau khi rạch lấy ra khoảng hơn 100 ml dịch mủ, bác sĩ đặt thêm ống dẫn lưu từ khoang có ổ áp xe để dịch tiếp tục chảy ra sau đó băng ép lại. Bệnh nhân được bơm rửa với chất vô khuẩn và thay băng mỗi ngày trong khoảng 5-7 ngày sau đó mới khâu vết thương lại.

"Di chứng để lại cho bệnh nhân có thể là một vết sẹo trên mặt. Chúng tôi cố gắng để vết rạch trùng với nếp gấp tự nhiên để nếu có sẹo thì sẽ giấu được sẹo", Phó giáo sư Liêm cho biết. Trường hợp này nếu không được xử trí kịp thời, ổ áp xe có thể vỡ ra, để lại sẹo lớn, sẹo xấu cho bệnh nhân. Ngoài ra, những nhiễm trùng vùng mặt nếu không được xử lý sớm, đúng cách, vi khuẩn có thể theo đường máu vào các tĩnh mạch trong sọ, hoặc gây nhiễm trùng máu, rất nguy hiểm.

 
Tiêm filler là gì?
Filler còn có tên gọi khác là chất làm đầy. Trong lĩnh vực thẩm mỹ, chất làm đầy thường được ứng dụng để xóa bỏ hoặc làm mờ nếp nhăn trên khuôn mặt.

Tiêm filler là gì? Đây là thủ thuật tiêm hợp chất làm đầy tự nhiên hoặc tổng hợp vào các đường, nếp gấp và mô của khuôn mặt để làm giảm sự xuất hiện của nếp nhăn và phục hồi sự căng đầy trên khuôn mặt, giảm dần các dấu hiệu của thời gian.

Những chất này được tiêm dưới da, còn được gọi là chất độn da, chất làm đầy nếp nhăn và chất làm đầy mô mềm. Chúng được sử dụng để xóa các nếp nhăn khi cười, làm đầy má, môi hoặc điều chỉnh sẹo mụn.
 

Bệnh viện Da liễu tiếp nhận nhiều trường hợp biến chứng sau tiêm filler. Đa số bệnh nhân thực hiện ở cơ sở thẩm mỹ không phép, người tiêm không phải là bác sĩ và không được đào tạo về tạo hình - thẩm mỹ, không được học về các biến chứng của tiêm chất làm đầy cũng như cách để phòng tránh các biến chứng này.

Bác sĩ khuyến cáo mọi người khi làm đẹp cần tìm hiểu kỹ, đến các cơ sở y tế được cấp phép, có chuyên khoa thẩm mỹ, phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ. Người tiêm phải là bác sĩ đúng chuyên ngành tạo hình thẩm mỹ, da liễu thẩm mỹ, được đào tạo nghiêm túc, bài bản vì nếu tiêm không đúng sẽ gây những hệ lụy khó lường.

Theo Viện Hàn lâm da liễu Hoa Kỳ, những tác dụng phụ sau tiêm sẽ có thể xảy ra xung quanh vị trí tiêm, có thể xuất hiện ngay lập tức nhưng nhanh chóng biến mất trong vòng 7 – 14 ngày: Đỏ; Sưng tấy; Đau đớn; Bầm tím; Có cảm giác ngứa; Phát ban

Ngoài ra, người tiêm chất làm đầy còn có các dụng phụ hiếm gặp như: Nhiễm trùng; Rò rỉ chất làm đầy (filler) ở những vị trí tiêm; Xuất hiện các nốt sần, khối u nhỏ xung quang vị trí tiêm, có thể cần đến phẫu thuật để cắt bỏ; U hạt, một loại phản ứng viêm với các chất làm đầy; Sự di chuyển của các chất độn từ vùng này sang vùng khác; Chấn thương mạch máu; Có thể bị mù, xảy ra khi tiêm filler vào động mạch làm ngăn chặn lưu lượng máu đến mắt; Chết mô do lưu lượng máu bị chặn khi tiêm chất làm đầy vào động mạch.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang