Mũi hỏng nặng sau tiêm filler tại một spa do người quen giới thiệu

author 14:03 26/01/2021

(VietQ.vn) - Được người quen giới thiệu tiêm filler nâng mũi tại một spa nhưng chỉ sau 4 ngày tiêm mũi cô gái bắt đầu bị nhiễm trùng, đau nhức.

Nhiễm trùng nặng sau tiêm filler mũi

Tiêm chất làm đầy filler vẫn là phương pháp làm đẹp hot trên thị trường hiện nay. Tuy nhiên, có quá nhiều trường hợp gặp những biến chứng đáng tiếc vì tin vào làm đẹp bằng phương pháp này ở những spa không uy tín.

Thạc sĩ, bác sĩ Tạ Quốc Hưng, Khoa Da liễu Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM cho biết, những ngày gần đây khoa đã tiếp nhận nhiều người bị tai biến nặng nề sau khi làm đẹp tại các cơ sở thẩm mỹ không uy tín. Trong đó, bệnh nhân nữ 24 tuổi này, ở Lâm Đồng, là ca tai biến nặng nề.

 Chiếc mũi hỏng nghiêm trọng sau khi tiêm filler. Ảnh: VnExpress

Cô được người quen giới thiệu tiêm filler nâng mũi cách đây 6 tháng. Bốn ngày sau tiêm, mũi của cô bắt đầu bị nhiễm trùng, đau nhức, đầu mũi sưng tấy, ủ dịch đỏ. Cô quay lại nơi tiêm thẩm mỹ để can thiệp, được tiếp tục bơm một loại dung dịch vào mũi và giới thiệu "thêm 4 triệu đồng để tiêm hai ống tế bào gốc giúp tăng sức đề kháng". Sau đó, cô tiếp tục được tiêm kháng sinh vào mông để "giảm sưng tấy", tình trạng ngày càng nghiêm trọng nên đến Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM khám.

Bác sĩ Hưng chẩn đoán bệnh nhân bị hoại tử vùng mũi do tắc mạch sau tiêm chất làm đầy (filler). Cô đồng thời bị viêm đỏ và giảm thị lực mắt phải.

Sau hai tuần sau điều trị, vùng mũi khô dần nhưng thị lực vẫn còn kém, có dấu hiệu xung huyết kết mạc, sụp mi. "Cảm giác đau rát lan khắp da đầu", bệnh nhân chia sẻ. Một tháng sau điều trị, vùng da mũi lành, có sẹo, thị lực chưa cải thiện. Bốn tháng sau, thị lực mắt khôi phục được 2/10 so với trước điều trị. Các vết sẹo vùng mũi và trán hình thành sẹo lồi lõm xen lẫn nhau. Bệnh nhân tiếp tục điều trị, song tỷ lệ khôi phục không nhiều do tai biến nặng, lại không đến viện sớm để điều trị kịp thời.

Trước đó, Bệnh viện Da liễu TP. HCM cho biết, Khoa Thẩm mỹ da của Bệnh viện cũng đã tiếp nhận và chỉ định nhập viện một trường hợp tai biến do tiêm chất làm đầy (hay còn gọi là filler) để làm đầy rãnh mũi, má.

Cụ thể, bệnh nhân là chị L.N.L.K., 26 tuổi, ngụ quận Bình Tân đến khám tại Bệnh viện trong tình trạng mặt bên trái có mảng hồng ban, phù nề ở môi, rãnh mũi, má, bề mặt đóng mài vàng, bên trong niêm mạc miệng có vết loét. Bệnh nhân cho biết bị đau nguyên vùng má, hàm bên trái và vách mũi ăn uống kém.

Thận trọng khi mua và sử dụng hạt hướng dương khô đã qua tẩm ướp (VietQ.vn) - Lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn vừa thu giữ hàng tấn hạt hướng dương đã qua tẩm ướp có dấu hiệu vi phạm về nguồn gốc xuất xứ.

Theo lời kể của chị K., trước đó 6 ngày có đến một viện thẩm mỹ tại Quận 1 tiêm 1ml chất làm đầy với giá 3,5 triệu đồng cho 2 bên rãnh mũi, má. Khi tiêm bên trái, chị K. thấy đau nhói và cơn đau vẫn kéo dài sau đó. Thấy bệnh nhân kêu đau, nhân viên tại viện thẩm mỹ lập tức tiêm thuốc giải ngay. Hai ngày sau, chị K. bị sưng đau môi - nhân trung bên trái. Khi quay lại viện thẩm mỹ chị K. đã được nhân viên ở đây hướng dẫn đến một phòng mạch tư để được xử lý. Tuy nhiên, sau điều trị 1 ngày thì mặt sưng và rỉ dịch mủ nhiều hơn nên chị K. đã đến một bệnh viện quốc tế để cấp cứu và sau đó được chuyển đến Bệnh viện Da liễu TP.HCM.

Bệnh nhân K. được bác sĩ chỉ định dùng kháng sinh toàn thân, kháng viêm, giảm đau và chăm sóc vết thương hàng ngày. Các bác sĩ cho biết thời gian hồi phục ít nhất phải từ 10-14 ngày. Di chứng để lại có thể là sẹo, rối loạn sắc tố da…

ThS.BS Lê Thảo Hiền, Khoa Thẩm mỹ da Bệnh viện Da liễu TP. HCM cho biết, mặt bên trái của bệnh nhân L.N.L.K. có triệu chứng viêm, phù nề và nhiễm trùng do biến chứng của việc tiêm chất làm đầy. Bệnh nhân có hiện tượng tắc mạch do tiêm không đúng kỹ thuật dẫn đến vùng da quanh miệng và nếp mũi, má tím tái, hoại tử và nhiễm trùng... Việc tiêm thuốc giải nếu thực hiện sai kỹ thuật sẽ càng làm tai biến trầm trọng hơn.

Nhiều rủi ro khi tiêm chất làm đầy filler làm đẹp mũi

Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Da liễu TPHCM, trung bình mỗi tháng Khoa Thẩm mỹ da – Bệnh viện Da liễu TPHCM tiếp nhận vài trường hợp tai biến chất làm đầy. Nhiều trường hợp tai biến nặng phải phẫu thuật để lấy hết chất làm đầy ra, chi phí khá tốn kém và mất nhiều thời gian để phục hồi. Di chứng sau phẫu thuật có thể tạo sẹo xấu và mất mô da gây ảnh hưởng thẩm mỹ.

Theo các bác sĩ, trong nhiều năm trở lại đây, chất làm đầy được sử dụng phổ biến trong chuyên ngành da liễu thẩm mỹ. Tuy nhiên, tiêm chất làm đầy là một kỹ thuật khó. Nếu tiêm sai kỹ thuật, sử dụng chất làm đầy không rõ nguồn gốc và chất lượng… sẽ gây hậu quả nghiêm trọng.

Để đảm bảo an toàn, những người đang có ý định tiêm chất làm đầy để làm đẹp nên đến các cơ sở y tế hợp pháp, được phép triển khai kỹ thuật tiêm chất làm đầy. Cùng với đó là lựa chọn sản phẩm rõ nguồn gốc, được kiểm chứng an toàn tuyệt đối, kiểm tra hạn sử dụng, không lẫn tạp chất, được FDA cho phép sử dụng, được Bộ Y tế, cơ quan quản lý dược tại Việt Nam chấp nhận và kỹ thuật tiêm bảo đảm. Người thực hiện thủ thuật bắt buộc phải là bác sĩ chuyên ngành da liễu hoặc phẫu thuật thẩm mỹ và đã được đào tạo về kỹ thuật tiêm chất làm đầy. Sau khi tiêm chất làm đầy nếu có dấu hiệu bất thường (đau, sưng, rỉ dịch, mờ mắt, da tím tái...) thì hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ thăm khám và xử trí kịp thời.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang