Tiềm năng xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Halal

author 14:57 27/06/2024

(VietQ.vn) - Việt Nam được biết đến là quốc gia có nhiều tiềm năng xuất khẩu sản phẩm ngành Halal. Trong đó, sản phẩm Halal không chỉ là thực phẩm như chúng ta thường hay nghĩ tới, mà sản phẩm Halal rất rộng bao gồm cả ngành dược mỹ phẩm, thời trang, dịch vụ du lịch, tài chính ngân hàng, logistics,...

Hiện nay, với hơn 1,9 tỷ người tiêu dùng Hồi giáo, tương đương 1/4 dân số thế giới, thị trường sản phẩm Halal ngày càng phát triển nhanh chóng. Halal có nguồn gốc từ tiếng Ả Rập nghĩa là “hợp pháp” và các sản phẩm Halal chính là sản phẩm phù hợp quy định của pháp luật Hồi giáo. Đối với người Hồi giáo, sản phẩm Halal không chỉ là lựa chọn ưu tiên mà còn là nghĩa vụ tôn giáo. Người Hồi giáo chỉ tiêu thụ sản phẩm Halal.

Sản phẩm Halal không chỉ là thực phẩm như chúng ta thường hay nghĩ tới mà bao gồm cả ngành dược mỹ phẩm, thời trang, dịch vụ du lịch, tài chính ngân hàng, logistics,...

Đáp ứng tiêu chuẩn Halal mở rộng cánh cửa xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Thời gian qua, Việt Nam được biết đến là quốc gia có nhiều tiềm năng xuất khẩu sản phẩm ngành Halal, với các lý do như vị trí địa lý thuận lợi, gần thị trường Halal lớn tại Đông Nam Á, châu Á... có nhiều thế mạnh về thực phẩm, du lịch, dịch vụ, đặc biệt là có nền nông nghiệp phát triển, với nhiều loại nông sản chất lượng cao. Việt Nam cũng có nền công nghiệp chế biến thực phẩm hiện đại, có thể đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt về sản phẩm ngành Halal.

Việt Nam là quốc gia hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, toàn diện khi tham gia nhiều liên kết kinh tế hàng đầu khu vực, trong đó có các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Có thể nói, Việt Nam hiện là mắt xích quan trọng trong nhiều liên kết kinh tế hàng đầu khu vực và liên khu vực: Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)... Đây là cơ sở quan trọng giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường, kể cả các thị trường khó tính, tiêu chuẩn cao như EU, thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm của Việt Nam, trong đó có sản phẩm Halal.

Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm tới việc khai mở và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hiệu quả vào thị trường Halal toàn cầu. Những năm gần đây, Chính phủ đã huy động các nguồn lực và đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam.

Halal không còn đơn thuần là tiêu chuẩn dành riêng cho người theo đạo Hồi mà đang dần trở thành tiêu chuẩn mới về bảo đảm an toàn, vệ sinh và chất lượng sản phẩm. Hiện nay, ngày càng nhiều người tiêu dùng, quốc gia không theo đạo Hồi quan tâm và lựa chọn sử dụng các sản phẩm, dịch vụ Halal.

Theo ông Nguyễn Văn Khôi - Vụ trưởng Vụ tiêu chuẩn - Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia, đến nay, Việt Nam đã ban hành 5 tiêu chuẩn quốc gia TCVN lĩnh vực Halal, bao gồm: TCVN 12944:2020 Thực phẩm Halal - Yêu cầu chung; TCVN 13708:2023 Thực hành nông nghiệp tốt - Nhà sản xuất Halal; TCVN 13709:2023 - Thức ăn chăn nuôi Halal; TCVN 13710:2023 Thực phẩm Halal - Giết mổ gia súc và TCVN 13888:2023 Yêu cầu chung - Tổ chức đánh giá sự phù hợp Halal.

Vào ngày 24/4/2024 vừa qua, Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (QUACERT) đã công bố thành lập Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia – HALCERT, đơn vị trực thuộc Trung tâm Chứng nhận Phù hợp, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia.

Ông Bùi Hà Nam - Vụ trưởng Vụ Trung Đông – châu Phi, Bộ Ngoại giao cho biết, việc thành lập Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia – HALCERT là dấu mốc quan trọng trong chặng đường xây dựng và phát triển ngành Halal của Việt Nam một cách toàn diện, bài bản, chuyên nghiệp và cũng là bước triển khai quan trọng Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 14/2/2023.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang