Tiền Giang: Xử lý nhiều trường hợp vi phạm kinh doanh trên thương mại điện tử

author 19:02 10/04/2024

(VietQ.vn) - Trong hơn 3 tháng đầu năm Cục Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang đã xử lý 29 trường hợp vi phạm kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, thu phạt lên tới 510 triệu đồng.

Chỉ trong hơn 3 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang đã kiểm tra 46 vụ, phát hiện vi phạm 44 vụ, đã xử lý 29 vụ, thu phạt gần 510 triệu đồng, trị giá tang vật vi phạm gần 1,2 tỷ đồng. Còn 15 vụ tồn đang hoàn chỉnh hồ sơ xử lý, ước thu hơn 330 triệu đồng.

Lực lượng chức năng kiểm tra thực tế tại cơ sở kinh doanh. Ảnh: Cục QLTT Tiền Giang

Các hành vi vi phạm chủ yếu được phát hiện là không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định; kinh doanh hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm nhãn, vi phạm điều kiện kinh doanh. Mặt hàng vi phạm gồm thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc lá điện tử, phân bón, vàng trang sức, xe máy, xe mô tô hai bánh…

Mới đây nhất, Cục Quản lý thị trường Tiền Giang đã chỉ đạo các đội quản lý thị trường theo dõi, thẩm tra, xác minh thông tin đối với hơn 20  website thương mại điện tử về dấu hiệu không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với Bộ Công Thương.

Theo đó, các đội quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra đột xuất, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính đối với 10 trường hợp có hành vi vi phạm nêu trên, tổng số tiền xử phạt hơn 220 triệu đồng.

Website chưa thông báo kinh doanh với Bộ Công Thương. Ảnh chụp màn hình

Đối với các trường hợp còn lại, các đội vẫn đang tiến hành theo dõi, để tiếp tục kiểm tra, xử lý nếu thẩm tra, xác minh xác định có dấu hiệu vi phạm theo quy định.

Về kết quả đạt được, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Tiền Giang Huỳnh Văn Nguyện cho biết, hoạt động kiểm tra, xác định hành vi vi phạm trên nền tảng thương mại điện tử trong giai đoạn hiện nay không phải việc dễ thực hiện nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm của toàn thể công chức cơ bản đã tạo được chuyển biến tích cực.

Với những kết quả nêu trên, đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, kiểm tra, xử lý vi phạm trên nền tảng thương mại điện tử; tạo động lực cho nền kinh tế số phát triển bền vững; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp, người tiêu dùng, tạo niềm tin trong hoạt động giao dịch, mua bán trực tuyến.

Quy định về kinh doanh trên sàn thương mại điện tử

Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 05 năm 2013 của Chính phủ, Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ và Thông tư số 47/2014/TT-BCT ngày 05 tháng 12 năm 2014 của Bộ Công Thương cũng đã nêu rất rõ các quy định, hướng dẫn và xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại; yêu cầu tất cả website/ứng dụng thương mại điện tử bán hàng đều phải thông báo hoặc đăng ký với Bộ Công Thương.

Theo đó, các website/ ứng dụng thương mại điện tử sau khi hoàn thành thủ tục thông báo/ đăng ký sẽ được cung cấp logo gắn lên website của mình, logo này dẫn tới đường link trên trang của Bộ Công Thương xác nhận website đã đăng ký/ thông báo thành công. Đây cũng được coi là cách thức doanh nghiệp đảm bảo chất lượng, an toàn, chịu trách nhiệm trước người tiêu dùng, cơ quan chức năng về sản phẩm đưa ra thị trường.

 Duy Trinh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang