Phát huy thế mạnh chất lượng để thanh long giữ vững thị phần số 1 tại Nhật Bản

author 07:10 10/11/2021

(VietQ.vn) - Mỗi năm Nhật Bản nhập khẩu khoảng 2.000 tấn thanh long của Việt Nam, chiếm khoảng hơn 80% thị phần tại thị trường này, cho thấy quả thanh long Việt Nam đang được người tiêu dùng Nhật Bản ưa chuộng.

Theo ông Tạ Đức Minh, Tham tán thương mại Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, thanh long là loại quả đang ngày càng trở nên quen thuộc với người dân Nhật Bản.

Năm 2009 Việt Nam bắt đầu xuất khẩu thanh long tươi ruột trắng sang Nhật Bản. Đến năm 2017, thanh long ruột đỏ của Việt Nam bắt đầu thâm nhập vào thị trường này.

Khi quả thanh long Việt Nam lần đầu vào Nhật Bản năm 2009, được đưa vào phân khúc cao cấp, chỉ bán tại các cửa hàng bách hóa. Những năm gần đây, quả thanh long được nhập khẩu với khối lượng nhiều hơn và đi bằng đường biển, giá cả cũng rẻ hơn và bán khắp siêu thị trên toàn Nhật Bản.

 Thanh long Việt Nam đang ngày càng chiếm được cảm tình của người tiêu dùng Nhật Bản

Mỗi năm Nhật Bản nhập khẩu khoảng 2.000 tấn thanh long của Việt Nam. Thanh long Việt Nam hiện chiếm khoảng hơn 80% thị phần thanh long bán tại thị trường Nhật Bản. Điều này cho thấy quả thanh long của Việt Nam đang được người tiêu dùng Nhật Bản ưa chuộng.

Ông Tạ Đức Minh cho biết, Nhật Bản cũng trồng một số ít thanh long tại các tỉnh như Okinawa, Kagoshima, nhưng sản lượng không nhiều. Thanh long Nhật Bản quả nhỏ, chua và giá đắt. Giá thành thanh long ruột đỏ tại Nhật Bản khoảng 400 - 500 Yên/quả (tương đương 80.000 - 100.000 VND).

Như vậy, có thể thấy, với việc chiếm thị phần áp đảo trong tổng lượng thanh long nhập khẩu, lại vượt trội thanh long Nhật Bản cả về sản lượng, chất lượng và giá cả, thanh long Việt Nam đang có cơ hội lớn để thâm nhập sâu hơn nữa vào thị trường đầy tiềm năng này.

Theo ông Nguyễn Tuấn Thanh, Giám đốc Sở Công Thương Long An, thanh long Châu Thành của Long An đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Nhãn hiệu thanh long Tầm Vu cũng được bảo hộ tại 5 quốc gia: Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Singapore và Trung Quốc. Đặc biệt, đầu tháng 10/2021, Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Nhật Bản đã chính thức cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với thanh long Bình Thuận. Đây là sản phẩm nông sản thứ 2 của Việt Nam sau vải thiều Lục Ngạn được cấp bằng chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.

Người tiêu dùng Nhật Bản vốn rất tin tưởng vào các loại nông sản mang chỉ dẫn địa lý được Chính phủ bảo hộ. Chính vì vậy, đây là cơ hội lớn cho thanh long Bình Thuận nói riêng, thanh long Việt Nam nói chung tăng cường xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản trong những tháng cuối năm nay và những năm tới

Tuy nhiên, theo Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, Nhật Bản là thị trường rất khó tính, việc đưa thanh long vào nước này còn khó khăn hơn cả vào Mỹ hay Úc. Người tiêu dùng luôn có sự nhạy cảm cao với sự thay đổi liên tục về giá bán của sản phẩm nào đó. Vì vậy, các nhà nhập khẩu Nhật Bản luôn mong muốn sự ổn định của giá cả và lượng cung từ phía đối tác Việt Nam.

Do đó, để thanh long Việt Nam mở rộng và tiếp tục đứng vững ở thị trường Nhật Bản, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản lưu ý doanh nghiệp và nông dân cần thực hiện liên kết đồng bộ từ khâu trồng trọt, xử lý, bảo quản, vận chuyển và xuất khẩu để đảm bảo quả tươi ngon, giữ chất lượng, thương hiệu và thị trường.

Nguyễn Hương (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang