Tiêu chuẩn chất lượng là vũ khí sắc bén của doanh nghiệp trên thị trường cạnh tranh

authorKhánh Mai 13:40 12/03/2023

(VietQ.vn) - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao, bà Vũ Kim Hạnh cho rằng, tiêu chuẩn chất lượng chính là vũ khí sắc bén trong cuộc cạnh tranh trên thị trường của các doanh nghiệp.

Trong buổi họp báo Lễ công bố Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao (HVNCLC) năm 2023 do Hội Doanh nghiệp HVNCLC tổ chức, các đại biểu đã cung cấp nhiều thông tin khảo sát thú vị. Theo Hội Doanh nghiệp HVNCLC, qua các cuộc khảo sát, đơn vị này nhận thấy thị trường hàng tiêu dùng Việt Nam đang dần phát triển về chiều sâu. Người tiêu dùng không chỉ coi trọng các yếu tố cơ bản như độ bền, giá cả, mà còn rất quan tâm đến các yếu tố như an toàn sử dụng, độ tươi ngon, thành phần dinh dưỡng, nguồn gốc, xuất xứ hay công dụng tính năng, đặc biệt là đối với sản phẩm nhóm ngành thực phẩm, đồ uống

Một số người tiêu dùng sẵn sàng chi trả thêm tiền cho sản phẩm có các ưu điểm vượt trội như truy xuất được nguồn gốc, đạt các tiêu chuẩn chất lượng hay thân thiện môitrường (nhãn xanh)... Nhu cầu sử dụng các sản phẩm vì sức khỏe, sản phẩm xanh, sạch và có tính bền vững ít tác động tới môi trường là một xu hướng nổi bật hiện nay. Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp HVNCLC cho biết, hiện nay, tiêu chuẩn chất lượng chính là vũ khí sắc bén trong cuộc cạnh tranh trên thị trường của các doanh nghiệp. Cuộc cạnh tranh này không chỉ ở thị trường nội địa, mà còn diễn ra ở thị trường xuất khẩu.

 Họp báo: Lễ công bố hàng Việt Nam chất lượng cao 2023

“Trong một cuộc tham khảo từ 197 công ty mới đây thì hầu hết doanh nghiệp đều nêu lên 2 nhu cầu bức bách nhất của họ. Cụ thể, họ muốn chúng tôi tư vấn giúp họ chọn tiêuchuẩn phù hợp để được chứng nhận và giúp doanh nghiệp bán hàng tốt ở thị trường trong và ngoài nước”, bà Hạnh nói.

Cũng theo Hội Doanh nghiệp HVNCLC, các cuộc khảo sát của Hội cho thấy, kênh bán lẻ truyền thống vẫn chiếm ưu thế, đặc biệt là cửa hàng, đại lý cung ứng các loại sản phẩm tiêu dùng nhờ lợi thế về chất lượng, giá cả và sự thuận tiện. Tuy nhiên, vẫn có xu hướng chuyển dịch “cơ học” khách hàng từ chợ truyền thống hay các tiệm tạp hóa nhỏ lẻ sang các kênh bán lẻ hiện đại ở các đô thị. Đặc biệt là đối với nhóm hàng tiêu dùng nhanh (FMCG).

Hội Doanh nghiệp HVNCLC đánh giá, mua sắm đa kênh đang là xu hướng thịnh hành hiện nay cũng như trong tương lai. Người tiêu dùng hiện nay lựa chọn mua sắm thông qua sự kết hợp giữa phương thức truyền thống và kỹ thuật số. Người mua tham khảo thông tin sản phẩm qua các kênh trực tuyến nhưng lại muốn trải nghiệm mua sắm trực tiếp tại các siêu thị hay cửa hàng. Xu hướng mua online không còn “bùng nổ” mang tính độc tôn như thời điểm dịch Covid-19 bùng phát nhưng vẫn cho thấy mức độ rất phổ biến, đặc biệt với người tiêu dùng trẻ. Cùng với sự thâm nhập ngày càng tăng của điện thoại thông minh, thiết bị di động và sự phát triển của thương mại điện tử, bán hàng online vẫn sẽ là một xu hướng tất yếu.

Trong bối cảnh thế giới với nguồn tài nguyên cạn kiệt, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu thì phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là xu hướng tất yếu trong thời gian tới. Các xu hướng này sẽ chi phối và thúc đẩy việc phát triển kinh tế phải đảm bảo cho các nguồn lực tự nhiên được tiết kiệm, phát huy hiệu quả, đủ khả năng đáp ứng nhu cầu cả về số lượng và môi trường sống trong tương lai.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao

Trước đây, chia sẻ riêng về tiêu chuẩn của nông sản, hàng hóa Việt để xuất khẩu, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam, cho rằng: Mình vào nhà ai thì cũng phải được phép của người ta. Mình đi ra thế giới cũng phải có passport, giấy thông hành. Hàng hóa cũng vậy. Người ta muốn đón nhận hàng hóa của mình thì người ta phải biết được mình đã có những nỗ lực gì để đạt được tiêu chuẩn hàng hóa lên kệ siêu thị, có thể sánh vai với hàng hóa của họ trên những không gian phục vụ cho người tiêu dùng.

Rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam nghĩ rằng, mình có hàng hóa tốt, tìm được một nhà phân phối là có thể bước vào thị trường thế giới. Tuy nhiên, “đến cửa không qua được vòng gửi xe” mới thấy sự đời không phải đơn giản như vậy. Trong khi đó, tìm kiếm các chứng nhận theo kiểu đối phó vẫn đang phổ biến. Gần đây, câu chuyện rau VietGAP giả vào các hệ thống phân phối lớn. Khi người ta đi mua giấy chứng nhận để vào được các hệ thống phân phối, bán lẻ, người ta không hiểu rằng, bản thân những chứng nhận đó là con đường cần thiết buộc mỗi cá nhân, doanh nghiệp phải trải qua.

Tất cả những việc mình học, thực hành, tất cả những quy trình, kỷ luật giúp cho mình đảm bảo ổn định trong sản xuất, ổn định về chất lượng, tạo được niềm tin vững chắc với nhà phân phối, người tiêu dùng. Nhà sản xuất, cung ứng cần phải hiểu rằng, thế nào là sản xuất an toàn, thế nào là sản phẩm đảm bảo được an toàn và sức khỏe người tiêu dùng. Khi ấy, họ sẽ thực hiện nghiêm túc các yêu cầu kỹ thuật để được cấp chứng nhận.

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang