Tiêu chuẩn Halal - Cánh cửa mở rộng cho xuất khẩu doanh nghiệp Việt

author 06:19 19/09/2024

(VietQ.vn) - Hồi giáo hiện là tôn giáo lớn thứ hai trên thế giới với hơn 2,2 tỷ tín đồ. Điều này tạo nên một thị trường tiêu thụ sản phẩm Halal vô cùng tiềm năng, doanh nghiệp Việt cần tuân thủ tiêu chuẩn Halal để xâm nhập vào thị trường tỷ đô này.

Đáp ứng tiêu chuẩn Halal để thực phẩm Việt đủ điều kiện xâm nhập vào thị trường tỷ đô. Ảnh minh họa

Việt Nam được đánh giá có tiềm năng sản xuất các sản phẩm Halal trị giá khoảng 34 tỷ USD cho các quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) nhờ cơ sở nông nghiệp đa dạng và ngành công nghiệp chế biến thực phẩm đang phát triển.

Theo ông Lê Châu Hải Vũ - Chuyên gia tư vấn xây dựng chất lượng thực phẩm Halal, Giám đốc Công ty CP Consultech: "Đây thực sự là thị trường tiềm năng cho nông sản Việt Nam." Tuy nhiên, để tiếp cận được thị trường này, các doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn Halal. Tiêu chuẩn này không chỉ quy định về thành phần thực phẩm mà còn đòi hỏi quy trình sản xuất, đóng gói phải đảm bảo tính toàn vẹn, vệ sinh an toàn thực phẩm và tuân thủ nghiêm ngặt luật Hồi giáo.

Theo đó, chứng nhận Halal đóng vai trò quan trọng. Đây là minh chứng giúp doanh nghiệp chứng tỏ sản phẩm của mình đã đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, đảm bảo sự tin tưởng của người tiêu dùng Hồi giáo. Đặc biệt, trong ngành thực phẩm, Halal không chỉ là thước đo chất lượng, mà còn là cam kết về sức khỏe và an toàn cho người tiêu dùng.

Trên thế giới hiện nay chưa có hệ thống tiêu chuẩn Halal thống nhất, hiện có 04 hệ thống tiêu chuẩn Halal đại diện cho 04 quốc gia/khu vực phổ biến hơn cả gồm:

Tiêu chuẩn GSO 993:2015 (cho các quốc gia Trung Đông như Saudi Arabia, Quatar, UAE,...).

Tiêu chuẩn MS 1500:2019 (Malaysia).

Tiêu chuẩn HAS 23103:2012 (Indonesia).

Tiêu chuẩn OIC/SMIIC 1:2019 (dành cho nhiều quốc gia Hồi giáo khác như Iran, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ,...).

Trước nhu cầu đẩy mạnh tiếp cận thị trường Halal quốc tế, đồng thời đáp ứng các hoạt động về chứng nhận cũng như hỗ trợ về các cuộc đối thoại, đào tạo và hợp tác quốc tế trong ngành Halal, Chính phủ Việt Nam đã chấp thuận thành lập Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia. Trung tâm này có chức năng quản lý nhà nước về chứng nhận Halal tại Việt Nam, có nhiệm vụ chứng nhận sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đáp ứng tiêu chuẩn Halal, qua đó bảo đảm niềm tin của người tiêu dùng về tính an toàn và được phép của sản phẩm.

Việc thành lập Trung tâm Chứng nhận Halal Quốc gia là kịp thời để Việt Nam thực hiện hóa mục tiêu tiếp cận thị trường Halal một cách hiệu quả nhất. Hiện có khoảng 50 công ty tại Việt Nam đã nhận được chứng nhận Halal, với các sản phẩm chính là thủy sản, đồ uống và bánh kẹo.

Việt Nam đang thúc đẩy hợp tác với các cơ quan chứng nhận Halal quốc tế và các nước OIC để đảm bảo các sản phẩm Halal của mình đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu. Vừa qua, Việt Nam đã ký kết các thỏa thuận với các cơ quan Halal của Malaysia và Indonesia về công nhận lẫn nhau tiêu chuẩn chứng nhận Halal, giúp tăng cường khả năng tiếp cận thị trường.

Các chuyên gia khuyến nghị, muốn xuất khẩu vào thị trường Halal, trước tiên, doanh nghiệp phải có chứng nhận Halal được xác thực bởi các cơ quan có thẩm quyền. Để đạt được chứng nhận này không phải dễ, các tiêu chuẩn và quy định về thẩm tra, cấp chứng nhận rất nghiêm ngặt lại không có giá trị vĩnh viễn, không được công nhận như nhau ở các quốc gia và với tất cả các mặt hàng. Vì vậy, bắt buộc doanh nghiệp phải tái chứng nhận nhiều lần và phải căn cứ vào từng thị trường xuất khẩu để đăng ký chứng nhận phù hợp.

Là một trong những doanh nghiệp chăn nuôi đạt chứng nhận chuẩn Halal quốc tế, ông Nguyễn Văn Cảm - Công ty CPV Food Bình Phước bày tỏ, thị trường Halal rất lớn nhưng doanh nghiệp Việt Nam chưa khai thác được nhiều. Đối với động vật, người Hồi giáo sử dụng rất nhiều thịt gà, nhu cầu thịt gà với người Hồi giáo chỉ sau thủy sản. 

Khi đạt được chứng nhận Halal đã chứng tỏ sản phẩm của doanh nghiệp đã đạt được tiêu chuẩn quốc tế, đủ điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng nghĩa không có động vật bệnh và chết, không sử dụng hóa chất độc hại, giết mổ nhân đạo... nên sản phẩm cũng dễ dàng tiếp cận với thị trường tiêu chuẩn cao như châu Âu, dù không phải là Hồi giáo.

Đại diện một số hợp tác xã chia sẻ, qua tìm hiểu cho thấy sản phẩm có thể đáp ứng được tiêu chuẩn của người Hồi giáo nhưng khó khăn của hợp tác xã hiện nay chưa có chứng nhận Halal nên chưa thể thâm nhập vào thị trường này. Chẳng hạn như với thị trường Malaysia, chủ yếu mới chỉ có gạo, ớt nhưng vẫn còn xuất thô và qua một số đầu mối của Thái Lan nên giá trị không cao.

Ngoài ra có thanh long, cà rốt, khoai lang, hạt điều nhưng xuất khẩu thô, còn những quả có múi vốn là lợi thế của Việt Nam lại chưa thâm nhập được.

Đây cũng là nguyên nhân khiến khoảng 41% địa phương Việt Nam chưa có sản phẩm xuất khẩu có chứng nhận Halal. Sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường Halal truyền thống tại Đông Nam Á, Nam Á và Trung Đông, Bắc Phi chủ yếu là nông, thủy sản nhưng ở dạng thô, sơ chế và chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng cơ cấu mặt hàng xuất khẩu.

Chia sẻ từ một số doanh nghiệp đã chinh phục thành công thị trường Halal, doanh nghiệp cần cam kết đảm bảo nguyên liệu đầu vào đạt chuẩn Halal, đồng thời duy trì sự đảm bảo tinh khiết của sản phẩm theo yêu cầu của các quốc gia Hồi giáo. Để thuận lợi khi chinh phục thị trường Halal, doanh nghiệp nên tham khảo ý kiến, xin tư vấn từ chuyên gia tư vấn, đào tạo tiêu chuẩn về Halal của Việt Nam.

Điều này giúp doanh nghiệp thực hiện đầy đủ yêu cầu khắt khe của Halal theo tiêu chuẩn quốc tế. Do vậy, đa số doanh nghiệp đề xuất Chính phủ và địa phương cần tạo nhiều cơ hội cho doanh nghiệp sản xuất thực phẩm Halal tại Việt Nam; chú trọng phát triển ngành công nghiệp Halal và tích cực khai thác thị trường Halal đầy tiềm năng.

Lưu ý với các doanh nghiệp, ông Đào Minh Chánh - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, các doanh nghiệp và nhà sản xuất cần đưa ra các tiêu chí cụ thể trong quá trình sản xuất Halal bao gồm các yếu tố về số lượng khiếu nại, sự cố Halal, tần suất kiểm tra, tỷ lệ nhân viên được đào tạo mức độ trưởng thành của Halal, niềm tin Halal, chỉ số danh tiếng Halal, giấy phép hoạt động và xếp hạng Halal…

Tiêu chuẩn Halal không chỉ là cánh cửa mở ra thị trường Hồi giáo rộng lớn mà còn là yếu tố then chốt giúp nâng cao chất lượng và giá trị cho sản phẩm nông sản Việt Nam. Doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động thích nghi và đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe này để có thể tận dụng triệt để cơ hội từ thị trường Halal toàn cầu, đồng thời đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế đất nước.

Duy Trinh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang