Tiêu chuẩn quốc gia sửa đổi 1:2024 TCVN I-4:2017 yêu cầu đối với thân rễ trạch tả dược liệu

author 05:34 07/12/2024

(VietQ.vn) - Cây trạch tả hay còn gọi là mã đề nước được sử dụng làm cây dược liệu giúp hỗ trợ giảm mỡ máu, ức chế các loại khuẩn. Tuy nhiên khi làm dược liệu này nên đảm bảo các yêu cầu theo Tiêu chuẩn quốc gia sửa đổi 1:2024 TCVN I-4:2017.

Cây trạch tả là dược liệu quý thuộc họ trạch tả. Đây là một cây thảo, cao trung bình cỡ khoảng 40-50cm. Cây trạch tả (hay còn gọi mã đề nước) mọc ở ao và ruộng, cao 0,3-1m. Thân rễ trắng, hình cầu hay hình con quay, thành cụm, lá mọc ở gốc hình trứng thuôn, hay lưỡi mác, phía cuống hơi hẹp lại hình tim. Hoa họp thành tán có cuống dài đều, lưỡng tính có 3 lá đài màu lục, 3 cánh hoa trắng hay hơi hồng, nhị nhiều lá noãn rời nhau, xếp xoắn ốc. Quả là một đa bế quả.

Theo nghiên cứu của y học hiện đại, trong trạch tả chủ yếu chứa tinh dầu, chất bột. Các nghiên cứu trong phòng thực nghiệm cho thấy trạch tả có tác dụng lợi tiểu, hỗ trợ ức chế hàm lượng cholesterol và mỡ trong máu tăng cao ở thỏ; có tác dụng chống gan nhiễm mỡ và làm tăng lưu lượng mạch vành trên tim thỏ cô lập.

Cao trạch tả có tác dụng hạ áp đối với chó và tác dụng hạ nhẹ đường huyết đối với thỏ. Trạch tả có thể đề phòng xơ hóa động mạch chủ, cải thiện thay đổi lipid và có tác dụng hỗ trợ chống thiếu máu cơ tim, ngăn ngừa bệnh tim mạch. Trạch tả có tác dụng cải thiện gan nhiễm mỡ và chức năng gan suy giảm. Hỗ trợ giảm mỡ máu, ức chế các loại khuẩn như khuẩn viêm phổi, khuẩn lao. Các báo cáo trên lâm sàng dùng độc vị trạch tả từ 12-24g sắc lấy nước uống sáng và chiều chữa di tinh do hỏa vượng.

Cây trạch tả làm dược liệu cần đảm bảo các yêu cầu theo tiêu chuẩn. Ảnh minh họa

Theo các tài liệu về y học cổ truyền, cây trạch tả có tác dụng bổ ngũ tạng, tiêu khát, thông tiểu và lợi nhiệt ở bàng quang, lâm lịch, tam tiêu. Cây trạch tả là dược liệu lành tính không chứa độc. Tuy vậy, khi sử dụng dược liệu này làm thuốc vẫn cần thận trọng dùng đúng liều lượng được khuyến cáo. Nếu không phù hợp cơ địa, cây trạch tả sẽ không mang lại hiệu quả chữa bệnh và có thể gây dị ứng cho một số trường hợp. Đặc biệt khi chế biến và bảo quản dược liệu này nên tuân theo Tiêu chuẩn quốc gia sửa đổi 1:2024 TCVN I-4:2017 Bộ tiêu chuẩn quốc gia về thuốc - Phần 4: Dược liệu và thuốc từ dược liệu- yêu cầu đối với thân rễ trạch tả (còn gọi là củ) đã cạo sạch vỏ ngoài, phơi hay sấy khô của cây trạch tả (Alisma plantago- aquatica L.) họ trạch tả (Alismataceae).

Theo đó, để dùng cây trạch tả làm dược liệu nên thu hoạch vào mùa Đông khi cây bắt đầu có hoa. Đào lấy củ, cắt bỏ phần thân, lá và rễ, rửa sạch, phơi hay sấy đến khi các phần rễ còn lại khô giòn, dễ gãy thì cho vào máy chuyên dụng quay cho gãy hết rễ và bong hầu hết vỏ ngoài chỉ còn lại vỏ trong, sau đó tiếp tục đem phơi hoặc sấy khô.

Thân rễ khô hình trứng hay hình con quay, dài 2cm đến 7cm, đường kính 2cm đến 6cm. Mặt ngoài màu trắng ngà hay ngà vàng, vẫn còn dính phần gốc của rễ chùm màu nâu nhạt cùng với một số vết hình tròn màu trắng là vết tích của gốc các củ nhánh hay củ con đã bị cắt bỏ. Chất cứng chắc, mặt cắt màu trắng hay ngà vàng, có tinh bột, Mùi thơm nhẹ, vị hơi đắng.

Bột của dược liệu có màu nâu hơi vàng hoặc vàng nhạt, mùi thơm nhẹ, vị nhạt. Quan sát trên kính hiển vi thấy có nhiều hạt tinh bột, hạt tinh bột đơn hình trứng dài, hình cầu hoặc hình bầu dục, đường kính 2μm đến 17μm, rốn hạt hình chữ Y, hình khe ngắn hoặc hình chữ V, hạt tinh bột kép gồm 2 đến 3 hạt đơn. Mảnh mô mềm tế bào hình gần tròn hoặc bầu dục, thành mỏng, chứa nhiều hạt tinh bột. Tế bào mô mềm đôi khi có các lỗ hình bầu dục, tập trung thành các vùng rỗ. Tế bào nội bì có thành lồi lên, uốn lượn, tương đối dày, hóa gỗ, có ống lỗ nhỏ, rải rác. Khoang chứa dầu phần lớn bị vỡ, những khoang còn nguyên vẹn có hình gần tròn, đường kính 54μm đến 110μm, đôi khi thấy trong tế bào tiết có giọt dầu. Rải rác có các mảnh mạch xoắn, sợi thành dày.

Để thử nghiệm nên dùng phương pháp sắc ký lớp mỏng đảm bảo ở độ ẩm không được quá 14,0%, tro toàn phần không được quá 5,0%, tro không tan trong acid không được quá 0,5%. Việc bảo quản dược liệu phải để nơi khô, tránh mốc, mọt. Dược liệu thu được phải có vị ngọt, mặn, tính hàn có công dụng lợi tiểu tiện, thanh thấp nhiệt...

ĐỂ BIẾT THÊM NỘI DUNG TOÀN VĂN CỦA TIÊU CHUẨN TCVN SỬA ĐỔI 1:2024 TCVN I-4:2017 VỀ RỄ THÂN CÂY TRẠCH TẢ- MÃ ĐỀ NƯỚC

VUI LÒNG LIÊN HỆ: 

Trung tâm Thông tin – Truyền thông Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Đ/c: Số 8, đường Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Đô, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội

Điện thoại: (024) 37562608/ 37564268

Email: ismq@tcvn.gov.vn

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang