Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật và đánh giá sự phù hợp trong việc nâng cao Chất lượng sản phẩm, hàng hóa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội (Phần 2)

author 09:04 12/11/2020

(VietQ.vn) - Hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật nói chung, và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình đánh giá sự phù hợp nói riêng tồn tại và phát triển rộng khắp trên phạm vi toàn cầu với nhiều mục đích khác nhau, trong đó có mục đích nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Trong bài này xin chỉ đề cập đến nội dung: Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đánh giá sự phù hợp trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội. Bài viết này gồm hai phần chính: 1) Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) là cơ sở nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; 2) Hoạt động đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Trong số 4/2020 đã trình bày phần 1; trong số này xin trình bày phẩn 2.

Phần 2: Hoạt động đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế-xã hội

Để xem xét, đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật thì không thể thiếu hoạt động đánh giá sự phù hợp. Hoạt động đánh giá sự phù hợp (thử nghiệm, giám định, chứng nhận, kiểm định, công nhận) là hạ tầng kỹ thuật cần thiết của mỗi quốc gia, giúp doanh nghiệp khẳng định sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Đây cũng chính là công cụ giúp các sản phẩm, hàng hóa Việt Nam vượt qua các rào cản kỹ thuật trong thương mại, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu hàng hóa; giúp doanh nghiệp có cơ sở để cải tiến kỹ thuật, thay đổi công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa và tiết kiệm chi phí trong sản xuất, kinh doanh.

Hoạt động này cũng giúp cho cơ quan quản lý nhà nước thực hiện hoạt động thanh tra, kiểm tra, quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong nước, kiểm soát hàng hóa nhập khẩu theo các quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam, loại bỏ và xử lý hàng hóa nhập khẩu không đảm bảo an toàn, không đạt chất lượng thâm nhập vào Việt Nam.

Số lượng tổ chức đánh giá sự phù hợp của nước ta đã phát triển vượt bậc so với 10 năm trước đây. Các tổ chức đánh giá sự phù hợp hầu hết đều có năng lực theo chuẩn mực của quốc tế, được công nhận và thừa nhận quốc tế (trong ASEAN, Việt Nam nằm trong Top 3). Đến nay, cả nước đã có 731 tổ chức thử nghiệm, 179 tổ chức chứng nhận (tổ chức chứng nhận sản phẩm, tổ chức chứng nhận hệ thống quản lý), 79 tổ chức giám định và 116 tổ chức kiểm định[1] đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật.

Để có được sự phát triển vượt bậc này là do chúng ta đã có chính sách đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động đánh giá sự phù hợp theo quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Nghị định số 107/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp (Nghị định số 107/2016/NĐ-CP), Nghị định số 154/2018/NĐ-CP ngày 09/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ và một số quy định về kiểm tra chuyên ngành (Nghị định số 154/2018/NĐ-CP). Các tổ chức đánh giá sự phù hợp đáp ứng điều kiện quy định tại các Nghị định này (không phân biệt tổ chức sự nghiệp công lập, tổ chức khoa học và công nghệ, tổ chức được thành lập theo Luật doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài hoạt động theo Luật Đầu tư) đều được tham gia vào hoạt động đánh giá sự phù hợp trên lãnh thổ Việt Nam.

Hoạt động này đã giúp các doanh nghiệp kịp thời kiểm soát chất lượng sản phẩm trong sản xuất, nhập khẩu, biết chính xác mức chất lượng của sản phẩm do mình sản xuất hoặc mua vào. Điều đó giúp cho tổ chức giữ được uy tín và phát triển bền vững sản phẩm do họ cung cấp. Trong xu thế toàn cầu hoá, hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi các quốc gia phải có chính sách thích hợp để tạo ra thương hiệu quốc gia cho sản phẩm hàng hoá của mình. Thuận lợi hoá thủ tục đánh giá sự phù hợp thông qua hoạt động thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp được coi là một trong những biện pháp để xây dựng thương hiệu quốc gia, nâng cao năng lực cạnh tranh. Cụ thể như:

- Đối với hoạt động thử nghiệm:

Hệ thống phòng thử nghiệm đạt chuẩn mực quốc gia, quốc tế là cơ sở kỹ thuật cơ bản để giúp doanh nghiệp thực hiện hoạt động chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy. Bên cạnh đó, hoạt động thử nghiệm phục vụ cho công tác kiểm soát chất lượng thường xuyên của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp không có phòng thử nghiệm riêng hoặc phòng thử nghiệm không thử được đầy đủ các chỉ tiêu chất lượng của sản phẩm. Việc sử dụng các phòng thử nghiệm theo hướng xã hội hóa, đã đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí đầu tư nhưng đồng thời vẫn đảm bảo giám sát được chất lượng sản phẩm của mình.

Hệ thống các phòng thử nghiệm này đã đóng một vai trò nòng cốt trong hoạt động thử nghiệm của quốc gia. Trong những năm qua, các phòng thử nghiệm đã triển khai hàng vạn phép thử nghiệm, là cơ sở kỹ thuật phục vụ hoạt động tự kiểm soát chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp, giúp cơ quan quản lý nhà nước quản lý sản phẩm, hàng hóa xuất nhập khẩu và lưu thông, kịp thời có ý kiến đề xuất đối với các cấp để có biện pháp xử lý đối với một số vấn đề bức xúc của xã hội như vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng hóa không đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, gian lận thương mại. Một số ví dụ điển hình như:

+ Trước sự cố môi trường biển tại Miền Trung, các Trung tâm kỹ thuật TĐC đã chủ động và phối hợp với các đơn vị chức năng lấy mẫu nước biển, cá, trầm tích kiểm tra cung cấp các số liệu thông tin kịp thời cho các đơn vị quản lý để xử lý kịp thời, góp phần giảm tác hại của sự cố;

+ Đóng góp tích cực vào các dự án lớn của thành phố Hồ Chí Minh (dự án Hầm Thủ Thiêm, xa lộ Đông Tây, dự án đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây…) với vai trò hỗ trợ, giúp các Ban QLDA trong công tác giám sát, kiểm soát chất lượng công trình;

+ Thử nghiệm xác định các chất độc hại trong các sản phẩm, hàng hóa như chất Vàng Ô, chất tạo nạc, tinofal (trong bún, phở), dầu nhờn, phtalate; phục vụ kịp thời các yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước như hải quan, quản lý thị trường, công an kinh tế, môi trường; chống hàng giả, hàng nhái, sản phẩm không đảm bảo chất lượng, có nguy cơ gây độc hại (xăng dầu, mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng, các vấn đề về gian lận thép nhập khẩu);

Hệ thống các phòng thử nghiệm này còn thường xuyên được các phòng thử nghiệm của doanh nghiệp sử dụng để làm cơ sở so sánh liên phòng nhằm đảm bảo và nâng cao chất lượng công tác thử nghiệm tại doanh nghiệp.

- Đối với hoạt động chứng nhận, giám định, kiểm định:

Công tác chứng nhận, giám định, kiểm định giúp doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu về an toàn của nhà nước trước khi đưa hàng hóa ra lưu thông trên thị trường; vượt qua các rào cản kỹ thuật, thúc đẩy xuất khẩu, tạo niềm tin, uy tín về chất lượng sản phẩm, hàng hóa của Doanh nghiệp. Một số lợi ích cơ bản mà doanh nghiệp đạt được thông qua hoạt động này:

+ Giúp các doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu của khách hàng, thị trường, tạo lòng tin cho người mua hàng về chất lượng sản phẩm, hàng hóa và các trách nhiệm của doanh nghiệp.

+ Công tác chứng nhận sản phẩm hợp chuẩn giúp doanh nghiệp tiếp cận với tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn nước ngoài và tiêu chuẩn quốc tế, nắm bắt được các yêu cầu của nước nhập khẩu đối với việc đáp ứng tiêu chuẩn.

+ Việc triển khai công tác chứng nhận đã giúp tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam chuẩn bị tốt năng lực về chất lượng để có thể đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của rào kỹ thuật trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa ra các thị trường trên thế giới. Kết quả chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 trở thành yêu cầu phổ biến trong nhiều yêu cầu tham gia đấu thầu và điều kiện chọn lựa nhà cung ứng. Sản phẩm được chứng nhận phù hợp với các tiêu chuẩn nước ngoài, khu vực và quốc tế đã là tấm giấy thông hành hiệu quả để doanh nghiệp xuất khẩu vào các thị trường khó tính của các nước đang phát triển như các nước ASEAN,Nhật Bản, Mỹ,...

+ Tạo ra một môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đều phải đáp ứng các yêu cầu về an toàn được quy định trong các quy chuẩn kỹ thuật góp phần giúp các doanh nghiệp có cơ sở đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa đáp ứng quy định pháp luật, loại bỏ các hàng hóa mất an toàn, không đảm bảo chất lượng.

+ Giúp doanh nghiệp giảm chi phí, rút ngắn thời gian làm các thủ tục xuất nhập khẩu thông qua việc thừa nhận kết quả thử nghiệm của các phòng thử nghiệm ở nước ngoài của các tổ chức đánh giá sự phù hợp trong nước.

- Đối với hoạt động công nhận tổ chức đánh giá sự phù hợp

Hoạt động công nhận là một biện pháp để giúp cho việc thừa nhận lẫn nhau kết quả thử nghiệm/hiệu chuẩn, giám định chất lượng và chứng nhận chất lượng; là tiền đề nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa trên thị trường trong và ngoài nước; là cơ sở để phát triển trao đổi thương mại, giúp cho việc hội nhập kinh tế quốc tế. Ở nước ta, hoạt động công nhận là hoạt động tự nguyện và phù hợp với thông lệ quốc tế. Các tổ chức đánh giá sự phù hợp đã được công nhận sẽ được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ưu tiên xem xét để chỉ định phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước.

Ngày nay, với sự phát triển của thương mại quốc tế, sự gia tăng trao đổi hàng hóa, dịch vụ giữa các quốc gia, các vùng lãnh thổ đã làm cho hoạt động công nhận tổ chức đánh giá sự phù hợp trên phạm vi toàn cầu ngày một phát triển để phục vụ cho việc thừa nhận lẫn nhau kết quả thử nghiệm, chứng nhận và giám định. Hoạt động công nhận cũng góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ công tác quản lý của Nhà nước đối với hoạt động đánh giá sự phù hợp cũng như công tác bảo về quyền lợi người tiêu dùng. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng với quốc tế, doanh nghiệp kết nối làm ăn với nước ngoài ngày càng nhiều thì việc tuân thủ luật chơi chung là vô cùng cần thiết và tránh bị đào thải trong sân chơi chung. Vai trò của hoạt động công nhận cũng được đề cập trong Hiệp định WTO/TBT, Hiệp định CPTPP, các Hiệp định FTA và trong các thỏa thuận của ASEAN và trong các hiệp định song phương hoặc đa phương giữa các Chính phủ khi đề cập đến vấn đề thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp.

Hoạt động công nhận không chỉ bó hẹp ở một bộ ngành mà nó bao phủ rộng rãi tới nhiều lĩnh vực. Hoạt động công nhận ngày càng sát thực hơn, phục vụ quản lý nhiều hơn, thúc đẩy các hoạt động thử nghiệm, chứng nhận, giám định đi đến một kết quả thống nhất. Hiện nay, tại Việt Nam có 03 tổ chức công nhận, đó là Văn phòng Công nhận Chất lượng (BoA); Văn phòng Công nhận năng lực đánh giá sự phù hợp về tiêu chuẩn chất lượng (AOSC); Viện Công nhận Chất lượng Việt Nam (VACI).

Kết luận

Bảo đảm chất lượng sản phẩm, hàng hóa có ý nghĩa rất quan trọng với người tiêu dùng, người sản xuất và nhà nước trong việc duy trì an ninh, trật tự công cộng và lợi ích quốc gia. Việc bảo đảm chất lượng sản phẩm, hàng hóa gắn trực tiếp với trách nhiệmcủa người sản xuất và nhà nước, trong đó người sản xuất chịu trách nhiệm trực tiếp và chủ yếu, Nhà nước có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhưng nhà nước không can thiệp trực tiếp vào quá trình tạo ra sản phẩm, hàng hóa của người sản xuất.

Nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng phải phù hợp với tình hình, cơ chế quản lý kinh tế của nước ta, bảo đảm nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam, thúc đẩy thương mại, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời bảo đảm các yêu cầu về an toàn, vệ sinh, sức khỏe, môi trường và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, phù hợp với các hiệp định mà Việt Nam đã ký kết. Với sự phát triển trong thời gian vừa qua của hoạt động tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đánh giá sự phù hợp đã góp phần không nhỏ nâng cao vai trò, vị thế của ngành Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội./.

[1]Theo số liệu do các Bộ, ngành gửi về Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và số liệu đăng ký hoạt động đánh giá sự phù hợp tại Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (tính đến ngày 30/7/2020).

Thạc sĩ Nguyễn Mai Hương, Vụ trưởng Vụ Đánh giá Hợp chuẩn và Hợp quy (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng)

Theo Chất lượng và Cuộc sống

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang