Tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP) áp dụng cho các nhà xưởng

author 07:29 05/04/2025

(VietQ.vn) - GMP là tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt nhằm đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn cho sản xuất. GMP là một phần cơ bản trong hệ thống quản lý an toàn thực phẩm, là điều kiện tiên quyết cho việc phát triển hệ thống HACCP và các tiêu chuẩn quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000.

GMP đưa ra các yêu cầu về nhà xưởng và trang thiết bị: khu vực nhà xưởng, khu vực chế biến, xử lý thực phẩm, phương tiện vệ sinh, phương tiện chiếu sáng, thông gió, thiết bị và dụng cụ, hệ thống an toàn trong trường hợp khẩn cấp. Kiểm soát vệ sinh nhà xưởng, làm vệ sinh nhà xưởng, xử lý chất thải, bảo quản hóa chất nguy hại, đồ dùng cá nhân. Kiểm soát quá trình chế biến: đối với nguyên vật liệu, hoạt động sản xuất.

Kiểm soát về con người: yêu cầu về sức khỏe, cách ly nguồn lây nhiễm, vệ sinh cá nhân, giáo dục, kiểm soát; Vận chuyển và bảo quản thành phẩm.

Tiêu chuẩn Thực hành sản xuất tốt áp dụng cho các nhà xưởng.

GMP được áp dụng trong lĩnh vực sản xuất, chế biến các sản phẩm yêu cầu điều kiện vệ sinh cao như: Thực phẩm; Dược phẩm; Mỹ phẩm; Thiết bị y tế. Trong lĩnh vực thực phẩm, nhà hàng, khách sạn cũng rất thích hợp cho việc áp dụng GMP. Ở Việt Nam, theo quyết định của Bộ Y tế, tiêu chuẩn GMP là tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng đối với tất cả cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm.

Một doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn GMP sẽ cải thiện cơ bản và toàn diện điều kiện vệ sinh an toàn của cơ sở sản xuất cũng như các hoạt động sản xuất và đáp ứng yêu cầu của pháp luật về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó các lợi ích theo sau mà GMP đem lại là: Đáp ứng các yêu cầu của thị trường, luật định. Tiêu chuẩn hóa điều kiện vệ sinh và hoạt động kiểm soát vệ sinh nhà xưởng, con người, sản xuất nhằm bảo đảm chất lượng và sự an toàn của sản phẩm. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai HACCP, IS022000 - Giảm phần lớn nguy cơ ngộ độc, kiện cáo, phàn nàn của khách hàng; Tăng cường uy tín, sự tin cậy, hài lòng của nhà phân phối, khách hàng; Cải thiện hoạt động tổng thể của doanh nghiệp.

Ảnh minh hoạ.

Khi áp dụng tiêu chuẩn này doanh nghiệp cần xác định phạm vi áp dụng GMP; Xác định các yêu cầu luật định và quy chuẩn sản phẩm: các quy định của pháp luật hiện hành; Tiêu chuẩn nguyên liệu, sản phẩm; Yêu cầu thao tác kỹ thuật; Các yêu cầu, phản hồi của khách hàng; Kết quả thử nghiệm mẫu...

Khảo sát hiện trạng, so sánh với các yêu cầu của luật định và GMP. Lập kế hoạch triển khai GMP. Thiết lập các thủ tục, quy định, tiêu chuẩn cho từng công đoạn; Đào tạo và huấn luyện kiến thức về GMP; Triển khai áp dụng hệ thống GMP và chỉnh sửa nhà xưởng, trang thiết bị (nếu cần); Đánh giá và cải tiến: Cá nhân tự kiểm tra để đảm bảo tuân thủ theo đúng tiêu chuẩn đề ra; Đánh giá nội bộ nhằm đáp ứng yêu cầu của hệ thống GMP; Đánh giá bên ngoài nhằm kiểm tra việc tuân thủ của doanh nghiệp, hoặc việc tiến hành đánh giá nhà cung ứng của doanh nghiệp.

Nam Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot