Tiêu dùng thông thái trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái
![author](https://vietq.vn/templates/themes/images/icontacgia.png)
(VietQ.vn) - Nhu cầu mua sắm cận Tết của người tiêu dùng tăng mạnh, nhiều tiểu thương đã nhân cơ hội “tuồn” hàng giả, hàng nhái vào thị trường nhằm thu lợi nhuận cao.
Bắt buộc định danh tài khoản Facebook từ hôm nay
Ký số từ xa (Remote Signing) – Tương lai ký số
Vinamilk: “Logo Halal” trên hộp sữa là lời cam kết với người tiêu dùng
Còn hơn 1 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán 2025 nhưng thị trường bánh kẹo đã xuất hiện một loạt sản phẩm nhái thương hiệu nổi tiếng, nếu không để ý kỹ người tiêu dùng rất khó phân biệt.
Cùng với sự phát triển của công nghệ, các thủ đoạn làm giả, làm nhái ngày càng tinh vi, gây khó khăn trong phát hiện và xử lý. Những hộp bánh nhái thương hiệu nổi tiếng được làm rất giống hàng thật, có màu sắc bắt mắt tương tự, rất khó để có thể phân biệt với hàng chính hãng.
Các thương hiệu uy tín liên tục cảnh báo người tiêu dùng để tránh tình trạng mua phải hàng kém chất lượng. Tuy nhiên, nạn hàng giả, hàng nhái, sao chép nhãn hiệu, thương hiệu vẫn diễn ra ngày càng tinh vi. Hầu hết sản phẩm làm giả đều không đáp ứng yêu cầu về quy trình sản xuất và an toàn thực phẩm (ATVSTP). Chính vì vậy, người tiêu dùng cần hết sức cẩn trọng trong mua sắm dịp Tết để đảm bảo sức khỏe cho gia đình và người thân.
Theo đó, cuộc đấu tranh đối với vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là công việc không chỉ của riêng một tổ chức hay cá nhân mà phải là công việc của toàn xã hội. Bên cạnh việc hoàn thiện các quy định của pháp luật, sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan nhà nước, doanh nghiệp cần bảo vệ chính mình, người tiêu dùng cần thông thái hơn trong đánh giá và lựa chọn sản phẩm, có động thái phù hợp.
Nên mua sản phẩm của các thương hiệu uy tín và tại điểm bán tin cậy.
Các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường giám sát thị trường, kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh để phát hiện và ngăn chặn hàng giả, hàng nhái. Đồng thời, cần tăng cường hình thức giám sát trực tuyến để phát hiện và xử lý các hoạt động trên mạng liên quan đến hàng giả, hàng nhái. Bên cạnh đó, chống lại vấn nạn hàng giả, hàng nhái là một cuộc chiến toàn cầu. Chính phủ và các cơ quan chức năng cần hợp tác với các quốc gia khác để truy tìm nguồn gốc và chặn đứng chuỗi cung ứng sản xuất hàng giả, hàng nhái nhập lậu vào Việt Nam.
Đối với người tiêu dùng, để đấu tranh chống hàng giả cũng là để tự bảo vệ mình, người tiêu dùng trước hết cần nâng cao nhận thức để có được thông tin chính xác về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hoá; hoá đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng.
Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho rằng, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang làm xói mòn sức sản xuất của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải cạnh tranh ngay với chính sản phẩm giả thương hiệu của mình nhưng lại có giá rẻ hơn nhiều lần. Nguy hiểm hơn, hàng giả còn làm mất lòng tin và uy tín đối tác, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Khi hàng giả quá nhiều trong nội địa, khiến các nhà đầu tư cảm thấy không yên tâm với môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam.
Cũng theo đại diện Tổng cục Quản lý thị trường, hiện nay hàng giả bày ở ngoài đường, ngoài phố, cửa hàng phát hiện rất dễ, nhưng hàng giả bán trên Internet đang là mặt trận mới, nóng bỏng vì có đến 80%-90% hàng giả được mua - bán trên mạng. Đây là mặt trận vô cùng khó khăn, bởi xử lý ở ngoài thực tế đã khó, phát hiện và xử lý vi phạm trên không gian mạng còn khó hơn rất nhiều. Do vậy theo Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, để xử lý vấn nạn hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ điều trước tiên cần thay đổi thói quen tiêu dùng. Người dân không mua hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở trí tuệ vì giá rẻ, vì tâm lý sính hàng ngoại, sính hàng thương hiệu.
Cũng bàn về vấn đề này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, người tiêu dùng là mắt xích quan trọng nhất. Khi người tiêu dùng kiên quyết tẩy chay thì hàng giả, hàng gian lận thương mại… sẽ bị ngăn chặn đầu ra. Hơn thế, nếu phát hiện hàng giả, hàng nhái, người tiêu dùng nên phản hồi ngay với cơ sở sản xuất, doanh nghiệp hoặc cơ quan chức năng để các đơn vị liên quan nhận biết và đưa ra biện pháp xử lý kịp thời, thì hàng gian, hàng giả cũng sẽ không có đất sống và việc này cũng bảo vệ quyền lợi của chính người tiêu dùng, góp phần để thị trường hàng hóa lưu thông lành mạnh.
Thanh Hiền (t/h)