Tiêu dùng xanh tăng mạnh: Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt

author 16:14 27/08/2024

(VietQ.vn) - Trong bối cảnh toàn cầu đang hướng tới phát triển bền vững, Việt Nam không nằm ngoài xu hướng này khi nhu cầu tiêu dùng sản phẩm xanh tăng trưởng mạnh mẽ mang đến nhiều cơ hội những cũng đặt ra không ít thách thức cho doanh nghiệp.

Nhu cầu tiêu dùng xanh tăng mạnh đem đến cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp. Ảnh ST

Tiêu dùng xanh: Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp

Theo Bộ Công Thương, mức tiêu dùng sản phẩm xanh tại Việt Nam đã tăng trung bình 15% mỗi năm trong giai đoạn 2021-2023. Điều này phản ánh nhận thức và sự quan tâm ngày càng cao của người tiêu dùng Việt đối với việc bảo vệ môi trường. Thực tế, khoảng 72% người tiêu dùng sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm xanh, cho thấy tiềm năng lớn cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Một cuộc khảo sát của Công ty Nielsen Việt Nam chỉ ra rằng người tiêu dùng ngày càng đặt niềm tin vào các mặt hàng có nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng rõ ràng. Chất lượng "xanh" trở thành một lợi thế cạnh tranh quan trọng giúp doanh nghiệp chiếm lĩnh thị phần. Nhiều doanh nghiệp đã tận dụng cơ hội này để phát triển thương hiệu và nâng cao hiệu quả kinh doanh thông qua cam kết về trách nhiệm xã hội và môi trường, tập trung vào sức khỏe người tiêu dùng và phát triển sản phẩm bền vững.

Thống kê cũng cho thấy các thương hiệu sản xuất xanh và cam kết cung cấp sản phẩm sạch có tốc độ tăng trưởng cao gấp 4 lần so với các doanh nghiệp cùng ngành. Trong lĩnh vực thực phẩm và nước giải khát, mức tăng trưởng đạt từ 2% đến 11%. Một số thương hiệu Việt Nam như Unilever, Ecopark đã đạt được mức tăng trưởng ấn tượng nhờ vào việc cam kết sản xuất xanh, đặc biệt là Unilever với mức tăng trưởng 30% khi thực hiện cam kết này.

Sản xuất và tiêu dùng bền vững là xu hướng toàn cầu, đòi hỏi sự thay đổi không chỉ từ phía doanh nghiệp mà còn từ chính sách nhà nước. Ông Hồ Tùng Bách - Phó Trưởng ban Bảo vệ người tiêu dùng (Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, Bộ Công Thương) cho biết, Việt Nam đã tham gia vào các cam kết giảm phát thải khí nhà kính đến năm 2050, và Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có những kết quả cụ thể trong việc cắt giảm khí thải carbon. Nhiều quy định pháp luật đã được ban hành để doanh nghiệp thực hiện sản xuất tiêu dùng bền vững, như quy định về dán nhãn năng lượng cho sản phẩm và áp dụng nguồn năng lượng sạch trong sản xuất.

Tuy nhiên, sản xuất xanh đòi hỏi nguồn lực lớn, đặc biệt là trong giai đoạn đầu tư ban đầu, làm tăng chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm, gây khó khăn cho người tiêu dùng khi lựa chọn sản phẩm xanh. Thêm vào đó, một số doanh nghiệp lợi dụng thông tin sản phẩm xanh để bán giá cao, gây nhầm lẫn và thiếu niềm tin cho người tiêu dùng.

Để giải quyết vấn đề này, cơ quan quản lý nhà nước cần hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn và giảm giá thành sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, cần tăng cường tuyên truyền, cung cấp thông tin đáng tin cậy về sản phẩm xanh để người tiêu dùng có thể đưa ra quyết định đúng đắn.

Thách thức và cơ hội từ các quy định mới của EU

Trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn từ các quy định mới của EU, đặc biệt là quy định chống phá rừng (EUDR) sẽ có hiệu lực vào cuối tháng 12/2024. Quy định này yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu phải thẩm định sản phẩm có nguồn gốc từ phá rừng hay không, ảnh hưởng trực tiếp đến các mặt hàng như cà phê, cao su, gỗ, ca cao.

TS Nguyễn Trung Kiên - Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho biết, EUDR yêu cầu 100% sản phẩm phải có định vị GPS/polygon đến từng mảnh vườn. Tuy nhiên, ở Việt Nam, tỉ lệ này còn thấp, trong khi chi phí định vị lại cao. Tiếp đến, EUDR yêu cầu truy xuất vật lý đến vườn trồng nhưng quy mô này ở nước ta lại nhỏ lẻ, manh mún; chuỗi giá trị phức tạp với nhiều lớp trung gian; chi phí phát sinh rất lớn.

Về phía ông Đinh Sỹ Minh Lăng - Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) nhận định, doanh nghiệp đáp ứng EUDR, xây dựng hình ảnh doanh nghiệp xanh sẽ góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính xây dựng môi trường sống xanh, giảm thiểu biến đổi khí hậu, gây tác động không tốt tới hệ sinh thái rừng, xây dựng nền tảng để sẵn sàng đáp ứng cho các quy định xanh khác của EU. Bên cạnh đó, nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và đảm bảo một sân chơi bình đẳng cho các ngành công nghiệp, EU cũng đang từng bước áp dụng Cơ chế CBAM - Cơ chế Điều chỉnh biên giới Carbon, thực hiện đầy đủ từ năm 2026.

Thực tế, việc tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về truy xuất nguồn gốc và chứng nhận EUDR đang đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ và vừa. Quy mô canh tác nhỏ lẻ và chuỗi cung ứng phức tạp khiến việc xác minh nguồn gốc sản phẩm trở nên khó khăn. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp Việt Nam có thể vượt qua được thách thức này, đây sẽ là cơ hội lớn để nâng cao uy tín và cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Trước những thách thức từ quy định mới của EU, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động nắm bắt các quy định và chuẩn bị sớm cho quá trình chuyển đổi xanh. Việc xây dựng hình ảnh doanh nghiệp xanh không chỉ giúp giảm phát thải khí nhà kính mà còn tạo nền tảng vững chắc để đáp ứng các yêu cầu xanh khác của EU trong tương lai. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tích cực sử dụng các công nghệ mới như hình ảnh vệ tinh phân giải cao, hệ thống định vị GPS và máy học để kiểm soát và truy xuất nguồn gốc sản phẩm một cách chính xác.

Về lâu dài, chuyển đổi xanh không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội vàng cho doanh nghiệp Việt Nam trên con đường chinh phục thị trường quốc tế. Việc tuân thủ các quy định xanh và xây dựng thương hiệu bền vững sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam không chỉ tồn tại mà còn phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt.

Duy Trinh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang