Tiêu thụ vải thiều năm 2022 chủ lực vào thị trường khó tính Hoa Kỳ và EU

author 06:28 04/04/2022

(VietQ.vn) - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang – Ông Phan Thế Tuấn cho biết, ngoài thị trường nội địa, tỉnh đẩy mạnh hỗ trợ, khuyến khích, thúc đẩy xuất khẩu vải thiều và nông sản vào các thị trường đã hợp tác những năm qua như: Hoa Kỳ, EU, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan...

Thông tin từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, bà Jolie Nguyen - đại diện Nhà nhập khẩu từ Hoa Kỳ - chia sẻ: Năm 2021, Hoa Kỳ nhập 15,1 tỷ USD trái cây tươi; trong đó nhu cầu tiêu dùng trái cây nhiệt đới từ Việt Nam ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, thị trường này có tiêu chuẩn cao, yêu cầu doanh nghiệp phải làm ăn lâu dài, bài bản, đặt cam kết chất lượng lên hàng đầu. Việc xuất trái cây Việt Nam sang Hoa Kỳ chịu sự kiểm soát chặt chẽ của nhiều quy định và đạo luật khác nhau như: Chương trình bảo vệ thực vật và kiểm dịch (PPQ); Đạo luật bảo vệ thực vật (PPA); Đạo luật hiện đại hóa an toàn thực phẩm (FSMA); Đạo luật bảo vệ chất lượng thực phẩm (FQPA)…

Đối với thị trường Hoa Kỳ, tỉnh Bắc Giang xác định là thị trường tiềm năng, có sức mua lớn, tuy nhiên đây lại là thị trường "khó tính", đòi hỏi chất lượng cao, với các yêu cầu về kiểm dịch, an toàn thực phẩm nghiêm ngặt. Hiện nay, vải thiều và các sản phẩm nông sản của tỉnh khi xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ đang gặp phải một số khó khăn. Do đó, tại hội nghị này, Bắc Giang kỳ vọng sẽ tháo gỡ được những khó khăn cho công tác tiêu thụ vải thiều của tỉnh.

Tiêu thụ vải thiểu năm 2022 chủ lực vào thị trường khó tính Hoa Kỳ và EU

 Tiêu thụ vải thiều năm 2022 chủ lực vào thị trường khó tính Hoa Kỳ và EU.

Ông Bùi Huy Sơn, Tham tán Công sứ Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết: Sự thành công của Bắc Giang trong việc xuất khẩu vải thiều sang Hoa Kỳ sẽ không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho nông dân trồng vải và tỉnh Bắc Giang, mà còn giúp người tiêu dùng Hoa Kỳ thưởng thức những nông sản đặc biệt, chất lượng cao của các địa phương Việt Nam. Sau quả vải, hy vọng rằng bưởi và các các sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp khác của Bắc Giang sẽ dần tiếp cận được thị trường Hoa Kỳ. Chúng tôi cũng mong muốn sẽ có các dự án đầu tư của các doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Bắc Giang. Thành công của Bắc Giang sẽ đóng góp tích cực vào quan hệ đang phát triển rất tích cực giữa Việt Nam – Hoa Kỳ, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư.

Năm 2021, Bộ Công Thương và các Bộ ngành cùng với tỉnh Bắc Giang triển khai nhiều chương trình kết nối tiêu thụ vải thiều trên các kênh truyền thống, thương mại điện tử cũng như hỗ trợ xuất khẩu và đạt được những kết quả hết sức tích cực ngay trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh bùng phát. Năm nay, với sự chuẩn bị sớm nhất là định hướng xuất khẩu ra các thị trường lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU … Hy vọng trái vải Bắc Giang sẽ sớm đến được tay người tiêu dùng ở nhiều thị trường trên thế giới.

Theo ông Nguyễn Đình Phú, Chủ tịch Hội doanh nhân tại Hoa Kỳ cho biết: Quả vải VN được cấp phép nhập vào Hoa Kỳ từ năm 2014, tuy nhiên số lượng rất ít. Từ năm 2020 trở lại đây hầu như vắng bóng quả vải VN tại thị trường này. Có lẽ trở ngại lớn nhất là khoảng cách địa lý và giá cước vận chuyển tăng đột biến. Trái vải tươi từ VN vào Hoa Kỳ phải đi bằng đường hàng không và phải chiếu xạ. Trong khi vùng trồng quả vải tập trung ở miền Bắc thì chỉ duy nhất có 2 cơ sở chiếu xạ và đều ở phía Nam (Sơn Sơn ở HCM và Toàn Phát ở Long An).

Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Giang cũng khuyến khích các doanh nghiệp mở gian hàng vải thiều trên các Sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế như: Amazon, Alibaba, Sendo, Postmart, Voso, ...; thúc đẩy các hoạt động giới thiệu, tiêu thụ vải thiều trên mạng xã hội …

Hoa Kỳ là thị trường tiềm năng, song cũng rất nhiều rào cản phải vượt qua. Với sự nỗ lực quyết tâm của các cấp chính quyền tỉnh Bắc Giang, sự quan tâm hỗ trợ từ các cơ quan Trung ương và đồng hành của các doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương kỳ vọng vụ vải thiều năm 2022 Bắc Giang sẽ vượt qua các rào cản thương mại để đến được nhiều nhất có thể vào thị trường Hoa Kỳ. Qua đó, tiếp tục tạo tiền đề không chỉ riêng với vải thiều Bắc Giang mà còn với các sản phẩm nông sản khác của tỉnh có thể xâm nhập sâu hơn nữa vào thị trường tiềm năng này.

 
Giữa tháng 5 Bắc Giang sẽ tổ chức lễ xuất hành vải thiều sớm xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Nhật Bản. Cùng với đó, tỉnh Bắc Giang cũng tổ chức các chuỗi sự kiện và hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều và nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh Bắc Giang tại TP.HCM và các tỉnh miền Nam trong tháng 5 và 6.
 

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang, năm 2022, tỉnh Bắc Giang tiếp tục duy trì diện tích vùng trồng vải 28.300 ha, sản lượng ước đạt khoảng trên 160.000 tấn, thời gian thu hoạch vải thiều sớm từ 20/5- 20/6, chính vụ dự kiến từ 10/6 - 20/7/2022.

Trong đó, 15.400 ha vải an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP với sản lượng khoảng 112.900 tấn; vải sản xuất đạt tiêu chuẩn GlobalGAP với diện tích 82 ha, sản lượng 1.000 tấn.

Đến nay tỉnh Bắc Giang duy trì sản xuất 18 mã số vùng trồng diện tích 218 ha; sản lượng 1.600 tấn để xuất khẩu sang thị trường EU, Mỹ; tiếp tục chỉ đạo 30 mã số vùng trồng, diện tích 219,45 ha, sản lượng 1.800 tấn để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản; duy trì 149 mã số vùng trồng và 300 cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc với sản lượng khoảng 95.000 tấn.

Nam Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang