Giấm vải thiều Bắc Giang thành công xuất khẩu sang thị trường châu Âu

author 07:59 08/08/2021

(VietQ.vn) - Hơn 5 nghìn hộp giấm ngâm tỏi ớt của thương hiệu giấm Kim Ngân (Lục Ngạn, Bắc Giang) vừa được xuất khẩu sang Cộng hòa Séc. Đây là kết quả của nhiều lần đàm phán, kết nối với công ty phân phối nông sản Việt Nam tại thị trường châu Âu.

Công ty TNHH Thương mại Ngân Giang cho biết, Công ty vừa xuất khẩu hơn 5000 hộp tỏi ngâm giấm ớt bằng đường biển sang Cộng hòa Séc. Việc xuất khẩu chính ngạch vào thị trường châu Âu giúp doanh nghiệp khẳng định uy tín của hàng Việt Nam chất lượng cao. Ngoài ra, đây cũng là động lực lớn để công ty từng bước mở rộng thị trường, đưa sản phẩm của Việt Nam ngày một tiến xa hơn tại thị trường quốc tế. Sau chuyến đầu thuận lợi, thời gian tới, Công ty dự kiến tiếp tục xuất khẩu khoảng một vạn chai sang thị trường này. 

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 quay trở lại, thời điểm tỉnh Bắc Giang vẫn là tâm dịch lớn nhất cả nước, Công ty cũng xuất khẩu thành công chính ngạch một container giấm táo, giấm vải thiều sang thị trường Trung Quốc. Mặc dù gặp không ít khó khăn trong quá trình thông quan hàng hóa, song sự kiện 02 lô hàng xuất ngoại thành công một lần nữa cho thấy nỗ lực không ngừng của người dân tại vùng đất vải thiều.

 Hơn 5 nghìn hộp tỏi ngâm giấm ớt của Công ty TNHH Thương mại Ngân Giang được xuất khẩu chính ngạch bằng đường biển sang Cộng hòa Séc. Ảnh: Báo Bắc Giang

Theo bà Bạch Kim Ngân, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Ngân Giang, giấm trái cây bán tại Việt Nam chủ yếu là hàng nhập khẩu với giá thành đắt đỏ. Cũng có nhiều gia đình tự làm giấm, song đều ở mức độ sơ đẳng, không thể thành thương phẩm. Bởi vậy, sau một năm nghiên cứu, tháng 09/2014, bà Ngân thành lập Công ty TNHH Thương mại Ngân Giang Lục Ngạn để có đủ điều kiện pháp lý đưa sản phẩm ra thị trường. Nhờ những lợi thế về chất lượng, giấm vải Kim Ngân được rất nhiều người tiêu dùng đón nhận và ưa thích.

Năm 2015, sản phẩm giấm vải của Công ty TNHH Thương mại Ngân Giang chính thức ra mắt thị trường. Từ đó cho đến nay, Công ty TNHH Thương mại Kim Ngân mỗi tháng sản xuất từ 20 đến 30.000 lít giấm tiêu thụ ra thị trường. Mỗi năm, công ty còn có những hoạt động hỗ trợ bà con nông dân Bắc Giang tiêu thụ trung bình 50 đến 60 tấn cùi vải để sản xuất giấm.

Để đạt số lượng lớn, đảm bảo chất lượng đòi hỏi phải tập trung nghiên cứu, tìm tòi, rút kinh nghiệm trong thời gian dài. "Một khi sản phẩm được đối tác nước ngoài đón nhận, đồng nghĩa với việc phải đáp ứng số lượng rất lớn. Nếu không đáp ứng kịp số lượng hàng trong thời gian ngắn, họ sẽ tìm đối tác khác. Bởi vậy, chúng tôi cũng phải cân đối phương án sản xuất phù hợp tình hình thực tế", bà Ngân giải thích.

Cho đến nay, công ty đã phát triển 5 dòng sản phẩm bao gồm giấm vải, giấm táo xanh, táo mèo, giấm mơ và giấm tỏi ớt chuyên để trộn rau, salat. Hàng năm, công ty tiến hàng thu mua khoảng 20 tấn cùi vải, 20 tấn táo xanh, 30 tấn táo mèo và 5 tấn mơ, sản xuất ra khoảng 500.000 lít giấm các loại. Các sản phẩm của Công ty TNHH Thương mại Kim Ngân đã xuất hiện trên kệ hàng các siêu thị lớn như Vinmart, Aeon, Fivimart… và nhiều chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch trên toàn quốc cũng như các sàn thương mại điện tử.

Liên quan tới vấn đề trên, trước đó,  1 tấn vải thiều được nhập khẩu chính ngạch vào Pháp qua đường hàng không. Lô hàng này đã tận dụng lợi thế về ưu đãi thuế quan từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA). Điều đáng nói, đây là lô hàng đặc sản vải thiều đầu tiên gắn tem truy xuất nguồn gốc itrace247 do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phát triển. Với tem itrace247, người tiêu dùng tại Pháp có thể ngay lập tức tiếp cận thông tin sơ bộ về nhà xuất khẩu, quy trình chế biến hay các chứng nhận chất lượng của nhà xuất khẩu. Không những thế, toàn bộ lịch trình chi tiết từ quá trình nuôi trồng, chăm sóc thu hoạch hay đóng gói đều được hiển thị rõ ràng theo trình tự thời gian.

Ông Vũ Anh Sơn, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Pháp cho biết, quá trình phối hợp với cơ quan, doanh nghiệp của Việt Nam và nhà nhập khẩu Pháp để đưa vải thiều Việt Nam sang Pháp gặp khá nhiều khó khăn. Do dịch Covid-19, khâu kết nối doanh nghiệp vướng một số vấn đề như: không có hàng mẫu để chào hàng tới nhà nhập khẩu, khách hàng Pháp không trực tiếp sang được Việt Nam để kiểm tra vùng trồng và chất lượng quả vải…

Tuy nhiên, sau nhiều nỗ lực kiên trì quảng bá, kết nối bằng phương pháp trực tuyến, cũng như uy tín của Thương vụ Việt Nam tại Pháp, trên cơ sở phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại tuyển lựa doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu có năng lực, đơn hàng vải thiều Việt Nam, xuất xứ Thanh Hà (Hải Dương) đã được Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Rồng Đỏ đưa sang Pháp thành công. Lô vải thiều Thanh Hà có mặt trên kệ hàng của hệ thống siêu thị Á Châu tại Paris.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Pháp, tổng dung lượng thị trường châu Âu đối với trái vải nhập khẩu được ước tính vào khoảng 20.000 đến 25.000 tấn mỗi năm. Madagascar là nhà cung cấp vải lớn nhất cho châu Âu, với nguồn cung các loại trái cây ngoại lai (chủ yếu là vải) là hơn 15,5 nghìn tấn, phần lớn dành cho thị trường Pháp. Hiện nay, Pháp là thị trường nhập khẩu vải lớn thứ hai sau Hà Lan và là thị trường đầu vào cho châu Âu. Một phần không nhỏ vải nhập khẩu vào Pháp thông qua đường hàng không.

Như vậy, tiềm năng cho trái vải Việt Nam tại thị trường Pháp rất lớn. Cho tới nay, vải Việt Nam mặc dù vẫn đang được nhập vào Pháp nhưng đều qua các kênh nhập khẩu số lượng nhỏ, nhập khẩu chung với các loại trái cây khác hoặc đưa vào Pháp từ các nước châu Âu khác có điều kiện nhập khẩu ít ngặt nghèo hơn và gần như chưa được phân phối tại các hệ thống siêu thị lớn tại Pháp.

Thời gian tới, Thương vụ Việt Nam tại Pháp sẽ phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại đẩy mạnh tìm kiếm, kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với các nhà nhập khẩu tại Pháp và EU để đưa nhiều hơn nữa các mặt hàng chất lượng cao của Việt Nam hiện diện tại thị trường rộng lớn này.

Diệu Hương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang