Tìm kiếm giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường khoa học và công nghệ Việt Nam
Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ
Tìm giải pháp thúc đẩy, phát triển thị trường khoa học và công nghệ
Thị trường khoa học và công nghệ non trẻ nhưng đầy triển vọng
Tạo bước đột phá về thị trường khoa học và công nghệ
Hình thành thị trường khoa học công nghệ cho Hà Nội
Hội thảo có sự tham gia, đóng góp của Bộ ban ngành, nhóm nghiên cứu, đại diện các Hiệp hội ngành nghề, các tổ chức trung gian trên thị trường khoa học và công nghệ Việt Nam, Ban lãnh đạo trường Đại học Kinh tế Quốc dân, các doanh nghiệp.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ đề tài khoa học và công nghệ cấp quốc gia “Nghiên cứu đề xuất giải pháp chính sách hỗ trợ phát triển các tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ Việt Nam”, và dự án “Hỗ trợ phát triển tổ chức trung gian của thị trường khoa học công nghệ trong trường đại học khối ngành kinh tế”.
Vai trò quan trọng của tổ chức trung gian
Khoa học & công nghệ (KH&CN) đã trở thành yếu tố cốt lõi đối với bất kì quốc gia nào trên thế giới nếu muốn phát triển nhanh, vững chắc. Không nằm ngoài xu hướng tất yếu đó, Khoa học và Công nghệ đã trở thành quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực của công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại Việt Nam.
Trong thời gian qua, Bộ KH&CN đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trình Chính phủ ban hành các văn bản quy định cơ chế khuyến khích, hỗ trợ hoạt động liên kết công - tư thực hiện các dự án đầu tư đổi mới công nghệ, xác lập quyền sở hữu công nghiệp, công nhận, đăng ký lưu hành sản phẩm mới, công nghệ mới cho tổ chức, cá nhân thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Thị trường KH&CN đã bước đầu phát huy vai trò cầu nối, gắn kết hoạt động KH&CN với sản xuất, kinh doanh. Chưa kể, các hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ, chợ công nghệ và thiết bị, chợ công nghệ và thiết bị trực tuyến, công tác hỗ trợ các địa phương, cơ quan, DN xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu công nghệ tiếp tục được triển khai hiệu quả.
Bên cạnh đó, công tác phát triển thị trường KH&CN vẫn còn gặp những khó khăn. Đó là mối liên kết giữa nghiên cứu với thị trường, nhà khoa học với DN còn yếu. Vai trò của các tổ chức trung gian chưa thể hiện được chức năng kết nối cung cầu, tư vấn chuyển giao công nghệ còn mờ nhạt. Các tổ chức trung gian chưa đủ mạnh có thể thúc đẩy hoạt động sáng tạo, kết nối với các quỹ đầu tư mạo hiểm, các doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tăng trưởng nhanh, các viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức tài chính, nhà sáng tạo, v.v..
Theo thông tư 16/2014/TT/BKH&CN quan niệm “Tổ chức trung gian là tổ chức cung cấp dịch vụ kết nối, hỗ trợ bên cung, bên cầu và các bên khác trong giao dịch liên quan đến công nghệ, tài sản trí tuệ theo quy định pháp luật dân sự, thương mại, đầu tư, doanh nghiệp, khoa học và công nghệ”. Thông tư này cũng chỉ ra 6 loại hình tổ chức trung gian ở thị trường công nghệ Việt Nam gồm: Sàn giao dịch công nghệ; Trung tâm giao dịch công nghệ; Trung tâm xúc tiến và hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ; Trung tâm hỗ trợ định giá tài sản trí tuệ; Trung tâm hỗ trợ đổi mới sáng tạo; Cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
Tổ chức trung gian có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của thị trường khoa học và công nghệ (KH&CN), đặc biệt đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. Phát triển các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN được Đảng, Nhà nước quan tâm và ưu tiên phát triển; tuy nhiên, các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN Việt Nam trong thời gian qua phát triển chưa đồng đều và còn có những hạn chế nhất định.
Tạo sức bật để phát triển thị trường KH&CN
Ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN cho biết: Sau 5 năm thực hiện, đến nay Chương trình Phát triển thị trường Khoa học và Công nghệ đến năm 2020 (Chương trình 2075) có đã hơn 25 sản phẩm được đăng ký quyền sở hữu trí tuệ ( giai đoạn 2016 – 2020); hơn 1200 hợp đồng được ký kết với giá trị gần 1.000 tỷ đồng (giai đoạn 2015 – 2018); tổ chức 1000 phiên kết nối cung cầu, kết nối đầu tư cho hơn 5.000 tổ chức (giai đoạn 2016 – 2018); thực hiện trên 120 lớp đào tạo bồi dưỡng với 3.000 người được tập huấn (giai đoạn 2015 – 2020); thực hiện 8 đoàn ra nước ngoài, hợp tác với các nước Hà Lan, Thụy Sĩ, Pháp, Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc, Lào…
Ông Phạm Đức Nghiệm cho biết thêm: Chương trình đã tạo được môi trường pháp lý về thị trường KH&CN dần được hoàn thiện và thích ứng hơn với kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; hoạt động dịch vụ trung gian của thị trường KH&CN được thúc đẩy và có xu hướng gia tăng; hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu và tài sản trí tuệ được đẩy mạnh, nhận thức của xã hội về thương mại hóa kết quả nghiên cứu được nâng cao.
Mặc dù đã đạt được một số thành tựu, Chương trình 2075 còn một số hạn chế. Nguyên nhân là do các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện nhiệm vụ trong Chương trình chưa bao quát được đầy đủ nội dung và hoạt động của thị trường KH&CN; Mạng lưới tổ chức trung gian thị trường KH&CN đang trong giai đoạn hình thành, còn chưa đồng bộ, năng lực chưa cao; Các cơ chế, chính sách hiện hành chưa thực sự đặt doanh nghiệp ở vị trí trung tâm của hoạt động đổi mới sáng tạo; Quy mô, phạm vi triển khai các nhiệm vụ thuộc Chương trình 2075 còn hạn hẹp, chưa tương xứng với sứ mệnh đặt ra.
Ông Phạm Đức Nghiệm chia sẻ thêm, trong thời gian tới sẽ tập trung phát triển các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và bối cảnh cuộc cách mạng 4.0; Phát triển hạ tầng quốc gia của thị trường KH&CN; Thúc đẩy phát triển nhu cầu hàng hóa KH&CN, nâng cao năng lực hấp thụ, tiếp thu, làm chủ và áp dụng công nghệ mới tại các doanh nghiệp; Thúc đẩy phát triển nguồn cung hàng hóa KH&CN trên thị trường KH&CN; Tăng cường các hoạt động xúc tiến thị trường KH&CN; Tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý, đẩy mạnh nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn cho phát triển thị trường KH&CN.
Theo TS. Tạ Bá Hưng – Chủ nhiệm Ban điều hành Chương trình 2075, các chính sách phát triển tổ chức trung gian của thị trường KH&CN chưa tạo ra động lực thúc đẩy các bên liên quan tham gia phát triển thị trường KH&CN. Trong thời gian tới, để thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN hơn nữa, TS Tạ Bá Hưng cũng bày tỏ mong muốn các tổ chức trung gian không chỉ là do nhà nước tạo ra, mà cần phải có sự vào cuộc của nhiều tổ chức khác và cần phải có các chính sách phù hợp hỗ trợ thúc đẩy phát triển tổ chức trung gian.
Đồng quan điểm này, theo PGS.TS. Lê Trung Thành, Viện trưởng Viện Đào tạo Sau đại học, trường Đại học Kinh tế Quốc dân: Cần thiết phải thực thi hiệu quả, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chính sách để thúc đẩy các tổ chức trung gian phát triển, qua đó hình thành mạng lưới các tổ chức đủ năng lực kết nối các chủ thể trên thị trường KH&CN; đồng thời cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước để xây dựng hạ tầng công nghệ, hỗ trợ hoạt động của các tổ chức trung gian, trụ cột là các sàn giao dịch công nghệ quốc gia, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp quốc gia, tổ chức đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho tổ chức trung gian, hỗ trợ cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở dữ liệu, nâng cao năng lực khai thác thông tin công nghệ, sở hữu trí tuệ, kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ ở trong nước và nước ngoài, thúc đẩy việc thực hiện các dịch vụ tư vấn, môi giới, xúc tiến chuyển giao công nghệ, đánh giá, định giá và giám định công nghệ.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng trao đổi thảo luận về các giải pháp để phát triển thị trường trung gian trong thời gian tới. Đa số ý kiến cho rằng Nhà nước cần hỗ trợ việc xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên gia công nghệ, dữ liệu các tổ chức trung gian chuyên nghiệp trên thị trường KH&CN để có thể tư vấn về công nghệ, pháp lý, hỗ trợ kết nối cung - cầu, hỗ trợ gọi vốn để hoàn thiện công nghệ, hỗ trợ đánh giá, định giá, giám định công nghệ, tư vấn sở hữu trí tuệ, dịch vụ về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, ký kết hợp đồng, đào tạo và các dịch vụ sau giao dịch công nghệ; hoàn thiện các chứng chỉ hành nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để hình thành các tổ chức trung gian công nghệ, cùng với đó là thúc đẩy việc số hóa, liên kết, liên thông các tổ chức trung gian công nghệ ở Việt Nam với các tổ chức trung gian công nghệ ở khu vực và thế giới.
Ngoài ra, cần tiếp tục triển khai các hoạt động xúc tiến phát triển thị trường KH&CN, đánh giá, theo dõi và nâng cao hiệu quả của các sự kiện trình diễn công nghệ, kết nối cung - cầu công nghệ ở phạm vi địa phương và quốc gia sau khi kết thúc. Các hoạt động xúc tiến, kết nối cần được triển khai theo hướng mở rộng hơn, đặc biệt cần liên kết với các đối tác công nghệ quốc tế ở nơi có văn phòng đại diện KH&CN của Việt Nam và các thị trường tiềm năng mà Việt Nam có lợi thế thông qua các Hiệp định thương mại tự do.
Bên cạnh đó, Hội thảo đã chia sẻ về các chủ đề có liên quan như: Vai trò của Nhà nước đối với phát triển thị trường khoa học và công nghệ của Việt Nam; Kinh nghiệm phát triển tổ chức trung gian ở thị trường KH&CN trên thế giới; Báo cáo đánh giá năng lực, kết quả hoạt động và đóng góp của các tổ chức trung gian ở thị trường KH&CN Việt Nam; Giải pháp chính sách thúc đẩy sự phát triển của các tổ chức trung gian ở thị trường KH&CN Việt Nam...
Hội thảo là diễn đàn để các nhà quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các tổ chức trung gian hỗ trợ, các đại diện khối Ban, bộ, ngành học hỏi và trao đổi về các chính sách thúc đẩy sự phát triển của tổ chức trung gian khoa học công nghệ. Đây cũng là cơ hội để các nhà nghiên cứu, giảng viên, cao học viên có thể chia sẻ học thuật, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn, cung cấp thêm bằng chứng khoa học và các giải pháp, kiến nghị tới các cơ quan quản lý nhà nước trong bối cảnh mới của nền kinh tế.
Tiếp nối sự thành công từ hội thảo khoa “Vai trò của các tổ chức trung gian trên thị trường Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tại Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0” được tổ chức vào tháng 6/2020, hội thảo khoa học cấp quốc gia “Giải pháp chính sách hỗ trợ phát triển các tổ chức trung gian trên thị trường khoa học và công nghệ Việt Nam” chính là sự kế thừa những kết quả, nội dung, thành công, từ đó xây dựng được những giải pháp, chính sách thực sự hỗ trợ phát triển các tổ chức trung gian trên thị trường khoa học và công nghệ Việt Nam thông qua lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà quản lý để làm sao đề ra ý tưởng để tháo gỡ khó khăn và phát triển các tổ chức khoa học công nghệ trung gian thật mạnh mẽ, có thể kết nối nhà trường & doanh nghiệp".
Ánh Tuyết