Tinh dầu thảo dược Baby Plus Hapi quảng cáo ‘nổ’ chất lượng, người tiêu dùng cẩn trọng

author 06:45 18/11/2022

(VietQ.vn) - Sản phẩm Tinh dầu thảo dược Baby Plus Hapi do Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ Hapi Việt Nam phân phối đang quảng cáo sai công dụng như thuốc trị ho, sổ mũi, viêm phế quản... cho trẻ nhỏ. Trước thực trạng này, cơ quan chức năng cần vào cuộc xác minh thông tin và làm rõ.

Loạt sản phẩm bị “tuýt còi”

Thời gian qua, các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, mỹ phẩm cho trẻ nhỏ được nhiều tổ chức, cá nhân đăng bán tràn lan trên mạng xã hội với nhiều lời quảng cáo “có cánh”, ví sản phẩm có công dụng như thuốc chữa bệnh ho, tiêu hóa, táo bón... với lời hứa sẽ khỏi dứt điểm bệnh và an toàn tuyệt đối cho trẻ. Bởi vậy, nhiều người đã không chút nghi ngờ mua sản phẩm cho con mình sử dụng. Thế nhưng, chỉ khi xảy ra hậu quả, hay đọc tin từ cơ quan chức năng cảnh báo thì mới rõ thực hư về chất lượng không được như quảng cáo.

Mới đây, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã phát đi các cảnh báo về sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe như Siro tiêu hóa Fibo Kidy, Siro tiêu hóa Gấu, Siro ăn ngủ ngon Yến sào sữa non do vi phạm quy định pháp luật. Cục An toàn thực phẩm cho biết đang phối hợp các cơ quan chức năng xác minh, xử lý theo quy định hiện hành. Trong quá trình cơ quan chức năng xử lý, Cục An toàn thực phẩm đề nghị người tiêu dùng không căn cứ vào nội dung quảng cáo sai về các sản phẩm nêu trên để quyết định mua và sử dụng vì có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế.

Người tiêu dùng cần thận trọng

Thời gian qua, Chất lượng Việt Nam nhận được thông tin phản ánh từ độc giả về sản phẩm “Tinh dầu thảo dược trị ho Baby Plus Hapi” do Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ Hapi Việt Nam (địa chỉ: Tầng 4, số 10 Sông Thao, P. 2, Q. Tân Bình, TP.HCM) chịu trách nhiệm phân phối, chất lượng sản phẩm có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Cụ thể, tại trang https://hapivietnam.com/, sản phẩm Tinh dầu thảo dược trị ho Baby Plus Hapi được giới thiệu là tinh dầu thảo dược trị ho, chỉ cần thoa không cần uống bé sẽ long đờm, hết ho, hết sổ mũi. Theo quảng cáo, sản phẩm này có thành phần gồm: trầu không, hương nhu, tràm gió, bạch đàn chanh... có nhiều công dụng như đánh tan đờm, hỗ trợ điều trị và phòng chống cảm lạnh, long đờm, trị ho, trị sổ mũi, ho đờm, ho gió, ho khan, viêm phế quản, viêm phổi...

Tinh dầu thảo dược Baby Plus Hapi quảng cáo sai, người tiêu dùng cẩn trọng?

Nếu chỉ nghe vào những quảng cáo này đa số các mẹ sẽ tin tưởng và mua cho bé sử dụng. Nhưng với những người hiểu biết, có kiến thức thì những quảng cáo trên khiến họ hoang mang, lo lắng về chất lượng sản phẩm và bức xúc tại sao quảng cáo trên vẫn chưa bị cơ quan chức năng “tuýt còi”? Bởi theo phiếu công bố sản phẩm do Sở Y tế TP.Hà Nội cấp thì Tinh dầu thảo dược trị ho Baby Plus Hapi chỉ là mỹ phẩm có tác dụng giúp làm ấm da, góp phần đem lại cảm giác thỏa mái, dễ chịu khi sử dụng chứ không có tác dụng điều trị bệnh.

Việc quảng cáo mỹ phẩm có công dụng như thuốc chữa bệnh là hành vi gian dối, khiến người tiêu dùng lầm tưởng mỹ phẩm là thuốc chữa bệnh. Dù vậy, tại trang https://hapivietnam.com/ vẫn bất chấp quy định quảng cáo sản phẩm sai công dụng khiến người tiêu dùng hoang mang.

Để kiểm soát hiệu quả việc quảng cáo mỹ phẩm, nhiều ý kiến cho rằng cần rà soát lại quy trình cấp phép quảng cáo sản phẩm loại này. Cùng với đó là đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, công khai cơ sở vi phạm, thậm chí là trang điện tử vi phạm trong hoạt động quảng cáo.

Đặc biệt, trong công cuộc chống vi phạm hoạt động quảng cáo mỹ phẩm dành cho trẻ nhỏ rất cần sự phối hợp của người dân, không mua sản phẩm dành cho trẻ nhỏ khi không thật sự cần thiết (có sự tham khảo, khuyến cáo của người thực sự có chuyên môn) và không mua sản phẩm quảng cáo qua truyền miệng. Chủ động tìm hiểu về sản phẩm trên các trang thông tin của ngành y tế để bảo đảm sản phẩm đã được cấp phép hoặc sản phẩm không thuộc diện bị thu hồi do phát hiện các lỗi về chất lượng sau khi đưa ra thị trường, tránh “tiền mất tật mang”.

Về hệ thống pháp luật, theo Thông tư 06/2011/TT- BYT, ngày 25/01/2011 về quản lý mỹ phẩm: Sản phẩm mỹ phẩm là chất hay chế phẩm được sử dụng để tiếp xúc với những bộ phận bên ngoài cơ thể con người hoặc răng và niêm mạc miệng với mục đích chính là để làm sạch, làm thơm, thay đổi diện mạo, hình thức, điều chỉnh mùi cơ thể, bảo vệ cơ thể hoặc giữ cơ thể trong điều kiện tốt. Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo, nêu rõ: “Mỹ phẩm cấp công bố trong nước được quy định rõ ràng về công dụng, không gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng là thuốc chữa bệnh qua việc sử dụng các công dụng “điều trị” để quảng cáo cho người tiêu dùng”.

Việc sử dụng câu từ để quảng cáo tính năng sản phẩm mỹ phẩm phải đáp ứng hướng dẫn của ASEAN về công bố tính năng sản phẩm mỹ phẩm. Theo đó, các sản phẩm chăm sóc không được sử dụng những từ mang ý nghĩa chữa cho khỏi như "trị", "điều trị", "chữa trị" không được chấp nhận trong quảng cáo mỹ phẩm.

Thế nhưng sản phẩm Tinh dầu thảo dược trị ho Baby Plus Hapi sử dụng các cụm từ có dấu hiệu vi phạm trong quảng cáo khiến người tiêu dùng lầm tưởng, ngộ nhận về công năng sản phẩm. Chất lượng Việt Nam đề nghị cơ quan, ban ngành liên quan vào cuộc kiểm tra, xử lý và công khai kết quả tới dư luận.

Trao đổi với báo chí, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) phân tích, về chế tài xử phạt đối với hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng, căn cứ Điều 52 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 29/03/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá và quảng cáo, hành vi không ghi hoặc không nêu rõ nội dung “Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” trên quảng cáo sẽ bị phạt từ 5 đến 10 triệu đồng;

Hành vi quảng cáo sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn, lời cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế; Quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; Quảng cáo thực phẩm có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh sẽ bị phạt từ 20 đến 30 triệu đồng.

Ngoài việc bị phạt tiền, người vi phạm còn có thể bị tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm có thời hạn đến 24 tháng; Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc cải chính thông tin; Buộc tháo gỡ, tháo dỡ, sản phẩm quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm in, tạp chí in quảng cáo; hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm. Trường hợp quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về hàng hoá, dịch vụ, công dụng, xuất xứ,… có thể bị phạt từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng theo quy định tại Khoản 5 Điều 34 Nghị định này.

Việc quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm sẽ bị xử lý hình sự về “Tội quảng cáo gian dối” theo Điều 197 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, mức phạt cao nhất tối đa 03 năm tù giam.

 NPV

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang