Tình hình Biển Đông 'tăng nhiệt', Australia bàn kế ngăn Trung Quốc

author 06:38 06/03/2016

(VietQ.vn) - Tình hình Biển Đông mới nhất cho hay Australia đang cân nhắc thành lập một liên minh hải quân không chính thức với Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những tin tức mới nhất về tình hình Biển Đông hiện nay trên TTXVN, Australia ngày 4/3 thông báo sẽ cân nhắc lời kêu gọi mới được nhắc lại về việc thành lập một liên minh hải quân không chính thức với Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ, trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng hung hăng hiếu chiến ở Biển Đông.

Australia cân nhắc chiến lược ‘4 nước đối phó Trung Quốc’ trong bối cảnh tình hình Biển Đông hiện nay

Australia cân nhắc chiến lược ‘4 nước đối phó Trung Quốc’ trong bối cảnh tình hình Biển Đông hiện nay. Ảnh minh họa

Trước đó hôm 2/3 tại New Dehli, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris một lần nữa kêu gọi thực hiện “đối thoại 4 bên” giữa những nền dân chủ lớn trong khu vực - khái niệm từng được nêu ra cách đây một thập niên rồi bị bỏ ngang khi có những phản đối ngoại giao của Trung Quốc.

Khi được hỏi về lời phát biểu trên của ông Harris, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne cho hay vẫn để ngỏ cánh cửa với việc khôi phục đối thoại 4 bên. Bà Payne nói: “Chính phủ Australia có nhiều cơ chế chính thức và phi chính thức để tham vấn với các đối tác thân thiết, và chúng tôi có đầu óc cởi mở về những cuộc gặp tham vấn mới có thể diễn ra”.

Đô đốc Harris từng nhấn mạnh rằng Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản cần phải “có tham vọng” bằng cách sẵn sàng thực hiện hoạt động “ở bất cứ nơi nào ngoài biển khơi và ở vùng trời phía trên đó” - một lối nói rõ ràng đề cập đến các nỗ lực mới đây của Trung Quốc nhằm nắm quyền thống trị ở Biển Đông.

Một liên minh như vậy nếu được lập ra sẽ có thể bắt đầu với đối thoại về an ninh hàng hải nhưng đương nhiên sẽ mở rộng thành các cuộc diễn tập và hành quân của hải quân. Đây là vấn đề hết sức nhạy cảm với Bắc Kinh vì nó gửi đi tín hiệu rằng các nước dân chủ liên kết với nhau thành một vành đai quanh Trung Quốc giữa lúc tình hình Biển Đông căng thẳng như hiện nay.

Nhật Bản mới đây cũng tuyên bố sẽ cho Philippines thuê máy bay giám sát Biển Đông

Nhật Bản mới đây cũng tuyên bố sẽ cho Philippines thuê máy bay giám sát Biển Đông. Ảnh abc.net.au

Cũng trong thời gian này, Nhật Bản ngày 4/3 thông báo sẽ cho Philippines thuê 5 chiếc máy bay huấn luyện TC-90 để Hải quân Philippines thực hiện tuần tiễu và do thám ở Biển Đông. Tuy nhiên, vì các máy bay huấn luyện này không trang bị rađa tân tiến và các thiết bị khác, nên chúng chỉ có thể được sử dụng để do thám, trinh sát bằng mắt thường.

Trong một diễn biến khác liên quan đến tình hình Biển Đông hiện nay trên báo Thanh Niên, người phát ngôn Quốc hội Trung Quốc, bà Phó Oánh ngày 4/3 tố Mỹ quân sự hóa Biển Đông thông qua các hoạt động tuần tra ở gần những đảo Trung Quốc đang kiểm soát (trái phép).

Phát biểu của người phát ngôn Quốc hội Trung Quốc đưa ra trong cuộc họp báo cung cấp thông tin về chương trình nghị sự của kỳ họp Quốc hội Trung Quốc sẽ khai mạc vào ngày 5/3, theo tờ South China Morning Post.

“Việc cáo buộc (Trung Quốc quân sự hóa) có thể dẫn đến hiểu sai tình hình”, bà Phó Oánh biện bạch. “Nếu nhìn gần hơn vào vấn đề: Mỹ gửi máy bay hiện đại nhất và tàu chiến đến Biển Đông, tăng cường liên minh và hiện diện ở châu Á-Thái Bình Dương. Đó không phải là quân sự hóa sao?”, người phát ngôn Quốc hội Trung Quốc cáo buộc.

Phát ngôn viên Quốc hội Trung Quốc cáo buộc Mỹ đang khiến tình hình Biển Đông thêm căng thẳng, phức tạp

Phát ngôn viên Quốc hội Trung Quốc cáo buộc Mỹ đang khiến tình hình Biển Đông thêm căng thẳng, phức tạp. Ảnh Giáo Dục Việt Nam

Bà Oánh còn chỉ trích chiến lược xoay trục về châu Á của Mỹ và ngang ngược tuyên bố Trung Quốc có quyền xây dựng đảo nhân tạo phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Cáo buộc của người phát ngôn của Quốc hội Trung Quốc đưa ra sau khi có thông tin từ truyền thông Mỹ nói rằng hải quân nước này đã điều nhiều tàu chiến và máy bay đến Biển Đông trong mấy ngày qua.

Theo đó, Mỹ liên tục cáo buộc hoạt động gia tăng quân sự của Trung Quốc là nhằm quân sự hóa Biển Đông. Mới đây nhất, tháng 2/2016, Trung Quốc triển khai hệ thống tên lửa phòng không, radar và chiến đấu cơ ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Bắc Kinh chiếm đóng phi pháp.

Đồng thời, tờ The Washington Post cho biết hàng không mẫu hạm USS John C. Stennis đã đến Biển Đông hôm 1/3 qua. Hộ tống tàu sân bay này là tuần dương hạm USS Mobile Bay, khu trục hạm USS Stockdale và USS Chung-Hoon, theo ông Clay Doss, người phát ngôn Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ.

Nguyễn Yên (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang