Tình hình Biển Đông hôm nay: Trung Quốc tính toán tạo lý do gây hấn

author 21:56 15/06/2014

(VietQ.vn) - Tình hình biển Đông hôm nay chưa hạ nhiệt khi Trung Quốc đang tính toán lý do nhằm sử dụng vũ lực, gây xung đột vũ trang trên Biển Đông khi thời cơ đến.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Trung Quốc tạo lý do sử dụng vũ lực gây tình hình căng thẳng Biển Đông

Tiến sĩ Trần Công Trục nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ trả lời phỏng vấn trên Vnexpress cho biết: Trung Quốc đang tính toán tạo lý do để sử dụng vũ lực, gây xung đột vũ trang khi thời cơ đến, theo chiêu thức cổ truyền: “phản ứng tự vệ”, “dạy cho Việt Nam bài học”. 

trung quốc tính toán lý do sử dụng vũ lực trên biển đông

Ngày 1/5/2014, cơ quan chức năng Việt Nam phát hiện giàn khoan dầu khí Hải Dương 981 và ba tàu dich vụ dầu khí của Trung Quốc di chuyển từ tây bắc đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) xuống phía nam.

Đến 16h ngày 2/5, giàn khoan này neo đậu tại phía nam đảo Tri Tôn cùng khoảng 27 tàu bảo vệ. Trong các ngày tiếp theo, Trung Quốc tiếp tục huy động thêm tàu bảo vệ đến khu vực này.

Ngày 3/5/2014, trang mạng của Cục Hải sự Trung Quốc đăng thông tin thông báo từ ngày 2/5 đến 15/8, giàn khoan Hải Dương 981 sẽ tiến hành khoan thăm dò trong vùng biển có bán kính một hải lý tính từ khu vực trung tâm có tọa độ 15độ 29’58” vĩ Bắc - 111độ 12’06” kinh Đông, cấm mọi phương tiện đi vào khu vực này.

Tiếp đó, ngày 5/5, Cục Hải sự Trung Quốc tiếp tục đăng thông tin trong đó thông báo mở rộng phạm vi khoan thăm dò lên ba hải lý tính từ khu vực trung tâm có tọa độ 15độ 29’58” vĩ Bắc - 111độ 12’06” kinh Đông, cấm mọi phương tiện đi vào khu vực này, đồng thời hủy bỏ cảnh báo đưa ra ngày 3/5. Vị trí tọa độ hoạt động của giàn khoan nêu trong thông báo hàng hải của Cục Hải sự Trung Quốc nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, cách đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) của Việt Nam khoảng 120 hải lý.

Theo Cục Kiểm ngư, đến 10h ngày 27/5, Trung Quốc đã neo giàn khoan tại vị trí có tọa độ 15độ 33’38'' độ vĩ Bắc- 111độ 34’62'' độ kinh Đông, cách đảo Tri Tôn về hướng đông - đông nam 25 hải lý, cách vị trí cũ 23 hải lý theo hướng đông đông bắc, cách đảo Lý Sơn khoảng 150 hải lý.
Cùng ngày, theo TTXVN tàu chiến Trung Quốc đã tăng cường hoạt động, áp sát các tàu kiểm ngư hơn mọi ngày và thường xuyên có hành động mở bạt che súng, chĩa súng vào các tàu kiểm ngư khi tới gần.

Ngày 27/5, Cục Hải sự Trung Quốc cũng ra thông báo về việc di chuyển giàn khoan Hải Dương-981 đến vị trí mới. Trong ngày, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định: Vị trí mới mà giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc di chuyển tới theo thông báo hàng hải của Cục Hải sự Trung Quốc nằm hoàn toàn trên thềm lục địa của Việt Nam. Hoạt động của giàn khoan ở vị trí này vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam".

Ngày 1/6, giàn khoan có sự dịch chuyển nhẹ và ổn định tại tọa độ 15độ 33’21’’N - 111độ 34’35’’E, cách vị trí ngày 27/5 khoảng 140 m về phía tây tây bắc. 
Đến nay vị trí giàn khoan cơ Hải Dương-981 vẫn nằm sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Hiện trong dư luận vẫn tồn tại những nhận thức, nhận định, đánh giá khác nhau về vị trí giàn khoan Hải Dương 981. Dư luận đang cần có câu trả lời chính xác, thật sự khách quan, trung thực và có sức thuyết phục về giàn khoan Hải Dương 981, cùng với một lực lượng lớn tàu thuyền, máy bay, trong đó có cả tàu quân sự, đang ngày đêm ngang nhiên quần đảo ở trong vùng biển nào?

Để biện minh và hợp thức hóa hành động sai trái khi hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 của mình, Trung Quốc ngụy biện rằng vị trí đặt giàn khoan cách đảo “Trung Kiến” (đảo Tri Tôn) 18 hải lý là hoàn toàn nằm trong lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải của quần đảo “Tây Sa”, bởi vì Trung Quốc hoàn toàn có chủ quyền với quần đảo "Tây Sa".

Có thể khẳng định rằng những lập luận để bảo vệ cho cái gọi là “hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981 là hoạt động bình thường trong vùng biển thuộc quần đảo Tây Sa của Trung Quốc…” là thiếu căn cứ và hoàn toàn phi lý; bởi vì quần đảo Hoàng Sa là quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam mà Trung Quốc đã dùng vũ lực để xâm chiếm trái phép. Hơn nữa, vị trí của giàn khoan này hoàn toàn nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, không có liên quan gì đến vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đang cố tình giải thích và áp dụng sai Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 để biện minh cho yêu sách vô lý, đầy tham vọng của mình.

Trung quốc chuyển sang chiến lược “đâm va” trên Biển Đông

Tin tức theo Dân trí cho hay, sau khi tạo một "sự thật" mới bằng cách đưa một giàn khoan dầu vào vùng lãnh hải và đặc quyền kinh tế của Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc đang nhấn mạnh tới thực tế mà nước này đang tạo ra. Đầu tiên là vào tháng trước, Trung Quốc đã đâm chìm một tàu cá Việt Nam.

Gần đây, Việt Nam đã công bố một đoạn video ghi lại một vụ việc khác vào ngày 1/6, khi một tàu Trung Quốc đâm một tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển Việt Nam. 

Khi đưa tin về vụ việc, tờ Wall Street Journal bình luận: "Vụ đâm va mới nhất... cho thấy Trung Quốc sẽ không giảm bớt các hành động tại các khu vực tranh chấp ở Biển Đông, bất chấp sự chỉ trích mạnh từ giới chức cấp cao Úc, Nhật, Mỹ tại đối thoại Shangri-La gần đây, vốn quy tụ các bộ trưởng quốc phòng và các lãnh đạo quân đội". 

Khi nhận định về các quốc gia châu Á, chuyên gia Robert D. Kaplan - trưởng nhóm phân tích địa chính trị của Công ty phân tích thông tin toàn cầu tư nhân Stratfor nói: “ASEAN không thể bỏ rơi Việt Nam giống như cách khối này đã làm đối với Philippines hồi năm ngoái. Chấp nhận rằng đâm va là chính sách chính thức của Trung Quốc, được sự ủng hộ từ lãnh đạo cấp cao nhất, vậy ASEAN có thể làm gì?

Vân Anh (th)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang