Mỹ không thể thuyết thục Campuchia thay đổi lập trường về Biển Đông

author 17:46 27/01/2016

(VietQ.vn) - Bất chấp mọi nỗ lực của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong nhấn mạnh ASEAN không nên can dự vào tình hình Biển Đông.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Những tin tức mới nhất về tình hình Biển Đông hiện nay trên báo Dân Trí cho hay, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 26/1 đã hội đàm với lãnh đạo Campuchia nhưng không thể thuyết phục Campuchia đưa ra cam kết mạnh mẽ hơn nhằm ủng hộ các nước Đông Nam Á lên án hành động tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã không thể thuyết phục được giới chức Campuchia thay đổi lập trường về tình hình Biển Đông

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã không thể thuyết phục được giới chức Campuchia thay đổi lập trường về tình hình Biển Đông. Ảnh Reuters

Theo đó kết thúc chuyến thăm Lào, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tiếp tục tới Campuchia hôm qua nhằm kêu gọi đoàn kết giữa giới chức các nước ASEAN trước cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại California vào tháng tới. Tại thủ đô Phnom Penh, ông Kerry đã có cuộc hội đàm mà ông cho là “thẳng thắn và mang tính xây dựng” với Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Ngoại trưởng Hor Namhong.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong nhấn mạnh, lập trường của Campuchia về vấn đề Biển Đông không thay đổi. Campuchia cho rằng các nước nên có tranh chấp chủ quyền nên tự giải quyết với nhau mà không kéo sự can dự của ASEAN. “Chúng tôi muốn có các cuộc đàm phán trong tương lai giữa các nước có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Campuchia không phải là tòa án để có thể ra phán quyết đảo này thuộc nước này hay nước kia”, ông Hor Namhong nói.

Trước đó vào nằm 2012, khi Campuchia là nước nắm giữ vị trí Chủ tịch luân phiên, khối ASEAN đã không đạt được sự đồng thuận về vấn đề Biển Đông. Sau đó, Phnom Penh cũng nhiều lần tuyên bố Biển Đông "không phải là vấn đề của ASEAN".

Về phần mình, trả lời phỏng vấn sau cuộc hội đàm, ông Kerry không đề cập đến vấn đề Biển Đông nhưng nhấn mạnh Mỹ và ASEAN có quan hệ chiến lược và “Campuchia có vai trò quan trọng trong việc xây dựng mối quan hệ đó”. Ngoài ra, ông cũng cho biết, Campuchia tuyên bố sẽ hợp tác với Mỹ trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (khủng bố IS).

Trước đó, ông Kerry đã có chuyến thăm và làm việc ở Lào. Nhân dịp này, Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong tuyên bố, Lào sẽ tận dụng vị thế Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2016 để kêu gọi Đông Nam Á trở thành đối trọng với Trung Quốc trong khu vực.

So với quan điểm của giới chức Campuchia, Thủ tướng Lào đã có tuyên bố cứng rắn về tình hình Biển Đông hiện nay

So với quan điểm của giới chức Campuchia, Thủ tướng Lào tỏ ra cứng rắn hơn về tình hình Biển Đông hiện nay. Ảnh nationmultimedia.com

Ông Kerry cũng nhấn mạnh, Lào mong muốn quyền tự do hàng hải được tôn trọng và không để xảy ra tình trạng quân sự hóa trên Biển Đông. Phát biểu của Thủ tướng Thongsing được xem là quan điểm chính thống của Lào lần đầu tiên xuất hiện trên báo nước ngoài liên quan đến Biển Đông.

Theo lịch trình, sau khi tới thăm Lào và Campuchia, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ tới Trung Quốc vào hôm nay ngày 27/1 để thuyết phục Trung Quốc gây sức ép hơn nữa với Triều Tiên sau khi nước này thử hạt nhân lần 4, cũng như bày tỏ quan ngại của Washington về các hoạt động của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Liên quan đến cuộc gặp gỡ giữa Bộ trưởng Ngoại giao hai nước Trung Quốc – Mỹ , báo VnExpress dẫn nguồn tin từ Reuters cho biết, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Vương Nghị hôm nay một lần nữa bao biện về yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông, đề nghị Washington cùng hợp tác để kiểm soát tình hình theo cách "xây dựng".

Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cũng nhắc lại quan điểm muốn giải quyết tranh chấp bằng đàm phán song phương và tuyên bố Bắc Kinh sẽ giữ cam kết không quân sự hóa Biển Đông. Trong khi đó, ông Kerry cho rằng Mỹ và Trung Quốc cần đạt được bước tiến trước "những quan ngại và hoạt động ở Biển Đông". Hai nước nên tìm ra giải pháp để tình hình Biển Đông giảm căng thẳng.

Tuy nhiên, giới quan sát quốc tế cho rằng những tuyên bố trên của Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị chỉ mang tính ‘xoa dịu và qua mặt dư luận’, đúng như truyền thống ‘nói một đằng, làm một nẻo’ trước đó của Bắc Kinh. Sở dĩ giới quan sát quốc tế nhận định như vậy bởi chỉ mới đầu tháng này, Bắc Kinh đã liên tục điều ba chuyến bay dân sự ra Chữ Thập, đá thuộc chủ quyền của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép và biến thành đảo nhân tạo.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương nghị tuyên bố Bắc Kinh ‘có quyền bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông’

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương nghị tuyên bố Bắc Kinh ‘có quyền bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông’. Ảnh Reuters

Đồng thời, Trung Quốc đang tăng cường việc bồi đắp và xây dựng phi pháp ở nhiều đá khác thuộc quần đảo Trường Sa của Biển Đông Việt Nam, khiến nhiều chuyên gia lo ngại nước này có thể lập các căn cứ quân sự trái phép, đe dọa tình hình ổn định hòa bình trong khu vực. Cũng vì lý do này mà cả Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei đều ủng hộ việc đàm phán đa phương và theo luật pháp quốc tế để tìm ra giải pháp cho tranh chấp Biển Đông.

Được biết, những tuyên bố trên được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra trong bối cảnh Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đang có chuyến công du tới ba nước Lào, Campuchia và Trung Quốc nhằm thảo luận nhiều vấn đề trước khi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo ASEAN và Tổng thống Mỹ Barack Obama tại California tháng tới. Chuyến đi này của ông Kerry được không ít ý kiến đánh giá là nhằm tạo sức ép ngầm với Bắc Kinh từ vấn đề hạt nhân Triều Tiên đến tình hình Biển Đông hiện nay.

Lan Anh (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang