Giàn khoan Hải Dương 981 Trung Quốc đang di chuyển trên Biển Đông

author 19:22 05/04/2016

(VietQ.vn) - Tình hình Biển Đông mới nhất cho thấy, Cảnh sát biển Việt Nam đang theo dõi lộ trình di chuyển của giàn khoan Hải Dương 981 trên Biển Đông.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những tin tức mới nhất về tình hình Biển Đông hiện nay trên Zing News, vào lúc 0h13 ngày 3/4, giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc bắt đầu rời Tây Tây Nam Tam Á 3 hải lý, di chuyển về hướng Đông Nam với vận tốc 3 hải lý/giờ. Đến 5h45 cùng ngày 3/4, giàn khoan Trung Quốc nằm tại vị trí cách Tam Á 20 hải lý về phía Nam Đông Nam. Nó tiếp tục di chuyển theo hướng Nam Đông Nam với vận tốc 3,6 hải lý/giờ.

Giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đã không ít lần khiến tình hình Biển Đông dậy sóng

Giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đã không ít lần khiến tình hình Biển Đông dậy sóng. Ảnh Xinhua

Cụ thể, giàn khoan Hải Dương 981 sẽ hoạt động tại hai giếng Lăng Thủy 31-1-1 có tọa độ (17o03’03’’Bắc/110o04’49’’Đông) và Lăng Thủy 25-2-1 có tọa độ (17o05’38’’Bắc/110o00’36’’Đông). Trao đổi với với Zing News về việc giàn khoan Hải Dương 981 di chuyển trên Biển Đông, nguồn tin từ Cảnh sát biển Việt Nam, cho biết, lực lượng chức năng Việt Nam đang theo dõi các hoạt động của giàn khoan Trung Quốc.

Nguồn tin cho biết thêm, vị trí giàn khoan Hải Dương 981 đang di chuyển nằm ở ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ. Nó thuộc khu vực chồng lấn mà phía Việt Nam và Trung Quốc đang đàm phán. Những thông tin cụ thể hơn về hoạt động của giàn khoan Trung Quốc vẫn đang được phía Việt Nam theo dõi.

Được biết Trung Quốc đã nhiều lần đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào Biển Đông kèm theo lệnh cấm tàu thuyền tiếp cận, gây cản trở cho giao thông trên biển. Trung Quốc cũng từng hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào năm 2014. Các hoạt động phi pháp này diễn ra trong suốt 75 ngày bất chấp các hoạt động xua đuổi của tàu công vụ Việt Nam.

Cảnh sát biển Việt Nam đang theo dõi sát hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981 trên Biển Đông

Cảnh sát biển Việt Nam đang theo dõi sát hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981 trên Biển Đông. Ảnh WSJ

Hải Dương 981 là giàn khoan nửa nổi nửa chìm, có chiều dài 114 m, chiều rộng 90 m, chiều cao 137 m và khối lượng 31.000 tấn. Diện tích mặt sàn của nó bằng một sân bóng đá tiêu chuẩn. Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) hạ thủy giàn khoan này vào giữa năm 2012. Hiện tại, giàn khoan Hải Dương 981 thuộc quyền quản lý của công ty dịch vụ Bãi dầu Trung Quốc (COSL), đơn vị trực thuộc CNOOC.

Trong một diễn biến khác liên quan đến tình hình Biển Đông hiện nay trên báo Người Lao Động, Nhật Bản đang phối hợp với các quốc gia khác trong nhóm G-7 để đưa các vấn đề liên quan đến Biển Đông, biển Hoa Đông cũng như tình hình Triều Tiên vào chương trình nghị sự tháng 5 tới.

Theo đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh G-7 ở Ise-Shima thuộc tỉnh Mie trong ngày 26 và 27/5. Các nguồn tin cho biết ông Abe muốn các nhà lãnh đạo thể hiện sự đoàn kết, thống nhất trong lập trường đối phó với các vấn đề ở châu Á.

Bất chấp Trung Quốc, Nhật Bản vẫn quyết đưa tình hình Biển Đông và Hoa Đông đến hội nghị G-7

Bất chấp Trung Quốc, Nhật Bản vẫn quyết đưa tình hình Biển Đông và Hoa Đông đến hội nghị G-7. Ảnh Zee News

Không chỉ có vậy, Tokyo cũng đề nghị các thành viên G-7 ra tuyên bố chung sau kỳ họp ngoại trưởng ở Hiroshima trong ngày 10 và 11/4. Tuyên bố chung sẽ phản ánh những lo ngại về thực trạng tình hình Biển Đông và Hoa Đông đang gia tăng căng thẳng, mặc dù có thể không chỉ đích danh Trung Quốc là thủ phạm.

Đồng thời, các nguồn tin khẳng định rằng tuyên bố sẽ làm nổi bật tầm quan trọng của tự do hàng hải, giải quyết hòa bình các tranh chấp, cảnh báo chống lại các hành động như bồi đắp đảo nhân tạo quy mô lớn, làm xói mòn sự ổn định trong khu vực.

Thông tin về việc Nhật Bản quyết đưa vấn đề Biển Đông đến hội nghị G-7 diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang tăng cường đẩy mạnh quân sự hóa trên các đảo nhân tạo được xây dựng trái phép ở Biển Đông, đồng thời nhiều lần cho tàu cảnh sát biển xâm nhập vào vùng biển của Nhật Bản gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tại biển Hoa Đông.

Vân Anh (T/h)

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang