Việt – Lào chung vai sát cánh, tìm ra tiếng nói chung về Biển Đông

author 19:03 09/06/2016

(VietQ.vn) - Bộ trưởng Ngoại giao hai nước Việt Nam và Lào đã nhất trí phối hợp để đảm bảo đoàn kết và duy trì lập trường chung về tình hình Biển Đông hiện nay.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những tin tức mới nhất trên báo Zing News, thông cáo từ Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 8 tới 10/6, chiều nay 9/6, tại Nhà khách Chính phủ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith bàn về vấn đề quan trọng, trong đó có tình hình Biển Đông hiện nay.

Việt Nam và Lào nhất trí duy trì lập trường của ASEAN về tình hình Biển Đông hiện nay.

Việt Nam và Lào nhất trí duy trì lập trường của ASEAN về tình hình Biển Đông hiện nay. Ảnh VGP

Tại cuộc hội đàm, hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ để đảm bảo đoàn kết và duy trì lập trường chung của ASEAN trên các vấn đề khu vực và quốc tế, trong đó có vấn đề Biển Đông; góp phần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không; thúc đẩy giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở các nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Tại cuộc gặp, hai Bộ trưởng cũng nhất trí tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn cấp cao cùng một số vấn đề song phương khác. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chân thành cảm ơn và đề nghị chính phủ Lào tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt làm ăn, sinh sống và học tập tại Lào; đề nghị phía Lào xem xét miễn giảm thuế cho các hộ kinh doanh người Việt bị thiệt hại do vụ cháy chợ Đào Hương tại tỉnh Champasak hồi tháng 5.

Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng cảm ơn Lào đã tăng mức xả nước trên các đập thủy điện trên dòng nhánh sông Mekong, cũng như đã hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn kéo dài tại các tỉnh miền Nam Việt Nam. Hai bên nhất trí sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với nhau và với các nước, các tổ chức quốc tế trong việc quản lý, sử dụng bền vững và có hiệu quả nguồn nước sông Mekong.

Trung Quốc bồi đắp phi pháp ở dá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Biển Đông Việt Nam

Trung Quốc bồi đắp phi pháp ở dá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Biển Đông Việt Nam. Ảnh EPA

Trong một diễn biến khác liên quan đến tình hình Biển Đông hiện nay, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 8/6 đã ngang nhiên kêu gọi Philippines dừng vụ kiện về vấn đề Biển Đông mà Manila đã khởi xướng tại Tòa trọng tài quốc tế (PCA) ở La Hay, Hà Lan, đồng thời đề nghị Philippines giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại song phương, báo Dân Trí đưa theo tờ SCMP.

“Trung Quốc kêu gọi Philippines ngay lập tức dừng các hoạt động thúc đẩy tiến trình kiện Bắc Kinh lên Tòa trọng tài quốc tế, và quay trở lại con đường đúng đắn, đó là giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán song phương”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra lời kêu gọi ngang ngược trong thông cáo ngày 8/6.

Tuyên bố còn nói, trong các vấn đề liên quan đến phân định lãnh thổ và lãnh hải, Trung Quốc không công nhận các biện pháp giải quyết tranh chấp mang tính áp đặt và nước này cũng không chấp nhận phán quyết của bên thứ 3.

Trung Quốc ngang ngược yêu cầu Philippines dừng ngay vụ kiện Biển Đông

Trung Quốc ngang ngược yêu cầu Philippines dừng ngay vụ kiện Biển Đông. Ảnh minh họa

Bắc Kinh nói Manila đã đơn phương khép cánh cửa đàm phán giữa hai nước, tìm cách khước từ các cuộc đàm phán song phương mà Bắc Kinh đề nghị, đồng thời có những động thái khiến quan hệ hai nước xấu đi. Theo đó, Trung Quốc khẳng định, “cánh cửa đàm phán song phương giữa Trung Quốc và Philippines luôn rộng mở”.

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc được đưa ra khi chỉ vài tuần tới, Tòa PCA sẽ ra phán quyết về vấn đề Biển Đông và phán quyết này được cho là sẽ bất lợi cho Bắc Kinh. Trong khi đó, Tổng thống mới đắc cử của Philippines, Rodrigo Duterte, trước đó đã đề xuất hội đàm đa phương với Mỹ, Nhật Bản, Australia và các nước có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Ông Duterte từng nói sẵn sàng đối thoại với Trung Quốc nhưng không nhượng bộ Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông.

‘Giặc lửa’ bủa vây trường mầm non Hà Nội: 30 năm lịch sử hóa tro tàn(VietQ.vn) - Sau vụ cháy lớn, vữa trần, tường vôi bong tróc gần như toàn bộ do ngôi trường mầm non gần 30 năm tuổi ở Hà Nội đã xuống cấp trầm trọng.

Minh Thùy (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang