Tình hình biển Đông: Nhật lên tiếng ủng hộ Việt Nam

author 19:07 31/05/2014

(VietQ.vn) -Tối 30/5, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết, Nhật Bản ủng hộ Việt Nam trong nỗ lực giải quyết các vấn đề thông qua đối thoại.

Tối qua, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có bài phát biểu khai mạc Đối thoại Shangri-La 2014, trong đó nhấn mạnh rằng, các quốc gia cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế, làm nền tảng để xây dựng hòa bình và phát triển ở châu Á.

Nhật Bản cũng khẳng định cam kết tham gia chủ động tích cực vào hoạt động gìn giữ hòa bình, an ninh ở khu vực thông qua xây dựng hình ảnh một Nhật Bản mới.

Mở đầu bài phát biểu, Thủ tướng Shinzo Abe nhấn mạnh: Châu Á - Thái Bình Dương đã và đang là khu vực có tiềm năng, động lực phát triển mạnh của thế giới. Để đạt được hòa bình và phát triển thịnh vượng ở khu vực thì cần phải có hòa bình và sự ổn định. Và để đạt được điều này, tất cả các nước cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế. 

Thủ tướng Shinzo Abe phát biểu tại Hội nghị Sangri-La. Ảnh ReutersThủ tướng Shinzo Abe phát biểu tại Hội nghị Sangri-La. Ảnh Reuters

Về những tranh chấp trên biển hiện nay, Thủ tướng Nhật Bản nhấn mạnh 3 nguyên tắc: Các bên cần làm rõ yêu cầu của họ dựa trên luật quốc tế. Thứ hai là các bên không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để đạt yêu cầu. Nguyên tắc thứ ba là các bên cần tìm kiếm giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình.

Thủ tướng Abe cho biết, Nhật Bản ủng hộ Việt Nam trong nỗ lực giải quyết các vấn đề thông qua đối thoại.

Để tránh những sự cố không mong muốn ở Biển Đông, Thủ tướng Nhật Bản ủng hộ việc ASEAN và Trung Quốc sớm đạt được một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông - COC.

Thủ tướng Nhật Bản cũng thông báo về hình thức hỗ trợ các nước ASEAN trong việc duy trì an ninh hàng hải, trong đó có việc cung cấp các tàu tuần tra mới cho một số nước ASEAN.

Theo diễn biến mới nhất được cập nhật tình hình ở khu vực giàn khoan Hải Dương 981, ngày 30/5. Mặc dù đã di chuyển giàn khoan Hải Dương 981 ra xa thêm 23 hải lý theo hướng đông đông bắc so với vị trí ban đầu, nhưng tàu hộ vệ tên lửa Trung Quốc vẫn bám vị trí cũ và tỏ ra sẵn sàng tấn công tàu Việt Nam tại vị trí này.

Trưa 30/5, tàu cảnh sát biển 2016 đã nhận được lệnh cơ động di chuyển đến vị trí cũ nơi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 để quan sát, nắm tình hình. Suốt dọc đường đến khu vực này, tàu 2016 ghi nhận có rất nhiều tàu cá vỏ sắt của Trung Quốc đang hoạt động, ngăn cản các tàu cá và quấy nhiễu các tàu chấp pháp của Việt Nam. Mục đích của việc quay lại vị trí này nhằm tìm kiếm các vết dầu loang, vật thể từ vị trí hạ đặt của giàn khoan Hải Dương 981. Khi đến gần vị trí này, tàu 2016 đã phát hiện hai tàu hộ vệ tên lửa của Trung Quốc vẫn án ngữ tại đây. Khi phát hiện tàu 2016, một trong hai tàu hộ vệ tên lửa này đã lao ra đe dọa. Đến 15g, tàu 2016 đã được lệnh rời vị trí để trở về gia nhập lại biên đội tàu của Việt Nam đang hoạt động tại khu vực gần vị trí mới của giàn khoan Hải Dương 981.

Cũng trong ngày 30/5, máy bay Trung Quốc đã nhiều lần xuất hiện, bay ở độ cao thấp, đe dọa các tàu Việt Nam. Từ tàu cảnh sát biển 2015, PV báo Tuổi Trẻ cho biết lúc 13g, Trung Quốc đã điều máy bay quân sự số hiệu 3843 áp sát trên nóc tàu cảnh sát biển 8003 và 2015, bay vòng ở độ cao 700-800m. Trước đó từ 11g30-11g50, máy bay 3843 bay trên các tàu kiểm ngư và cảnh sát biển Việt Nam sáu vòng liên tiếp ở độ cao rất thấp 250-300m.

Đáng lưu ý, vào 8g sáng, ở khu vực quanh các tàu cảnh sát biển Việt Nam, rađa ghi nhận có 80 tàu Trung Quốc, trong đó có hai tàu quân sự. Nhưng đến 17g chỉ ghi nhận được 45 tàu, điều này được các sĩ quan trên tàu cảnh sát biển giải thích có thể các tàu Trung Quốc đã lắp thiết bị nhận dạng mục tiêu nên trên màn hình rađa không xuất hiện tín hiệu của các tàu này. Đánh giá về tình hình tàu Trung Quốc bố trí đội hình, trung tá Phan Duy Cường - trợ lý tác chiến Bộ tư lệnh Cảnh sát biển - cho biết Trung Quốc vẫn bố trí tàu gồm ba lớp, lớp thứ nhất canh giàn khoan, lớp thứ hai cách 3 hải lý, lớp thứ ba cách 8 hải lý.

H. Thanh (tổng hợp)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang