Cảnh báo: Hàng giả bán trên thương mại điện tử rẻ gấp nhiều lần hàng thật

author 11:33 19/12/2022

(VietQ.vn) - Hiện nay tình trạng hàng giả, nhái thương hiệu bán tràn lan trên các trang thương mại điện tử với giá rẻ gấp nhiều lần so với hàng thật khiến cho người tiêu dùng hoang mang.

Hàng giả bán rẻ hơn hàng thật gấp nhiều lần trên các sàn thương mại điện tử

Ghi nhận của Vietnamnet trên Shopee, một người bán rao chiếc tai nghe JBL Tune 220 với giá 245 ngàn đồng, trong khi các đại lý chính thức của JBL bán mẫu tai nghe này ở mức 2,45 triệu đồng.

Tương tự, chiếc tai nghe JBL Live Pro+ TWS đang niêm yết chính hãng 2,69 triệu đồng, thì gian hàng này bán với giá rẻ hơn 10 lần, ở mức 279 ngàn đồng.

Chủ gian hàng có tên taingheloabluetooth…, trụ sở tại Tân Phú (TP.HCM). Không chỉ hai mẫu nói trên, người này còn bán chiếc tai nghe JBL Wave300 với giá 279 ngàn đồng, trong khi các trang web nước ngoài đang bán giá gần 1 triệu đồng, chưa tính phí vận chuyển về Việt Nam.

Nhiều người sau khi mua các sản phẩm này không hài lòng về chất lượng. Người dùng hari… bình luận: Sản phẩm đúng như mô tả của người bán “tuy nhiên không như tưởng tượng vì nhẹ như đồ chơi. Tai nghe to nên nhét tai khá đau, với giá tiền này thì không đáng mua! Chất lượng nhạc phát không hay!”

Hàng giả bán tràn lan trên sàn thương mại điện tử với giá rẻ gấp nhiều lần hàng thật. Ảnh: Vietnamnet 

Không chỉ trên Shopee, tất cả các mẫu tai nghe nói trên cũng được bán ở Lazada, với mức giá vài trăm ngàn đồng. Một số mẫu cũng được rao trên Chợ Tốt và những website do cửa hàng tự vận hành.

Ngoài JBL, nhiều thương hiệu khác như Sony, Marshall, Bose,... cũng bị làm giả. Những chiếc tai nghe cao cấp của Marshall thường có giá từ hơn 2 triệu đồng nhưng bán trên các trang thương mại điện tử với giá vài trăm ngàn đồng. Hay mẫu Bose QC35 II có giá chính hãng hơn 7 triệu đồng nhưng đang bán trên Shopee với giá chưa tới 500 ngàn đồng.

Không chỉ mặt hàng tai nghe, nhiều món đồ công nghệ, quần áo, phụ kiện,... cũng bị làm giả và bán nhiều trên mạng. Trên thực tế, câu chuyện hàng giả, hàng nhái không chỉ diễn ra tại Việt Nam mà trên toàn cầu.

Theo Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO), 7-9% thương mại toàn cầu bao gồm hàng giả. Một bản ghi nhớ do cựu tổng thống Donald Trump ký năm 2019 cho biết giá trị buôn bán hàng giả và hàng nhái trên toàn thế giới có thể tăng lên 500 nghìn tỷ USD mỗi năm, với khoảng 20% thương mại này vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của Hoa Kỳ.

Tại Ấn Độ, buôn bán hàng giả năm 2019 gia tăng 24% so với 2018, gây thiệt hại kinh tế lên đến 1 ngàn tỷ rupee (hơn 314 ngàn tỷ đồng).

Trả lời về tình trạng trên các sàn như Shopee, Lazada, Tiki cho biết đều có đội ngũ nhân viên rà soát hàng hoá, có hệ thống lọc hình ảnh và từ khoá vi phạm. Tuy nhiên, các gian hàng có mục đích xấu vẫn dùng nhiều cách để vượt qua các tường rào bảo vệ này.

Đẩy mạnh đấu tranh và xử nghiêm hành vi kinh doanh hàng giả

Một thống kê của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho thấy, mỗi năm cơ quan này nhận được khoảng 1.500 đơn khiếu nại của người tiêu dùng. Trong đó, 50% số khiếu nại liên quan tới các giao dịch mua bán trên các nền tảng trực tuyến, gồm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ và mua bán không có hóa đơn chứng từ.

Trước những thực trạng này, thời gian qua, Tổng cục Quản lý thị trường đã đẩy mạnh công tác đấu tranh chống hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, kém chất lượng trên nền tảng thương mại điện tử.

Theo Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) Nguyễn Đức Lê, để công tác đấu tranh chống hàng giả, buôn lậu trên các nền tảng thương mại điện tử đạt được hiệu quả cao cần rất nhiều yếu tố.

Với riêng lực lượng quản lý thị trường, cần được đào tạo thêm để có thể phát hiện, nhận diện được ngay các sản phẩm vi phạm trên nền tảng thương mại điện tử. Bên cạnh đó, vai trò của các chủ sàn thương mại điện tử, nhà cung cấp nền tảng kinh doanh cần được thể hiện rõ hơn, còn hiện nay chủ yếu mới chỉ là theo dõi đơn hàng.

Một vấn đề bức xúc cho người tiêu dùng nữa là việc khiếu nại với sàn thương mại điện tử cũng còn bất cập, do khi xảy ra khiếu nại khách hàng thường không được sàn giải quyết hoặc nếu có giải quyết thì rất chậm. Do đó, nếu các sàn thương mại điện tử làm tốt hơn khâu này thì không chỉ vừa bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng mà còn góp phần vào công tác chống hàng hóa nhập lậu, hàng kém chất lượng...

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, trước đó luật sư Nguyễn Hữu Toại - Giám đốc Công ty Luật Hừng Đông cho hay, tình trạng hàng gian, hàng giả tràn ngập trên mạng trong thời gian qua thực sự đang báo động. Để từng bước đẩy lùi tình trạng hàng gian, hàng giả trên mạng cần có giải pháp đồng bộ của cơ quan quản lý Nhà nước và từ người tiêu dùng.

Các cơ quan quản lý phải tiến hành thanh tra, kiểm tra các cá nhân, công ty bán hàng trên mạng, nếu phát hiện có dấu hiệu bán hàng giả, hàng nhái cần xử lý nghiêm, thậm chí xử lý hình sự đối với những trường hợp đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Đối với người tiêu dùng, cần thay đổi việc sử dụng hàng giả, hàng kém chất lượng, bởi đây là hành vi tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật, cũng như làm giàu cho những người kinh doanh bất chính.

Đồng quan điểm, theo luật sư Nguyễn Hồng Quang (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), các doanh nghiệp cần bảo vệ chính mình, hãy là doanh nghiệp thông minh và có trách nhiệm, không nên coi việc chống hàng giả chỉ là của các cơ quan thực thi pháp luật. Cùng đó, doanh nghiệp phải chú ý thực hiện việc bảo hộ thương hiệu, bảo hộ sở hữu trí tuệ, bảo hộ các sáng chế của mình. Còn đối với người tiêu dùng, hãy là người tiêu dùng thông thái trong việc đánh giá và lựa chọn sản phẩm chất lượng.

 An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang