Sạc điện thoại giả, kém chất lượng không chỉ nhanh hỏng còn gây ra nhiều rủi ro cho người dùng

(VietQ.vn) - Theo các chuyên gia, sạc điện thoại giả, nhái, kém chất lượng được các đối tượng được sản xuất một cách tinh vi nhằm đánh lừa người tiêu dùng. Những bộ sạc này không chỉ nhanh hỏng mà còn gây ra nhiều rủi ro cho người sử dụng.
Điện thoại vừa sạc, vừa dùng, bé gái bị điện giật tử vong
Dự án điện gió đầu tiên của T&T Group tại Lào sẽ xuất khẩu điện về Việt Nam từ cuối năm 2025
Việt Nam áp dụng biện pháp chống bán phá giá với sản phẩm tháp điện gió từ Trung Quốc
Sạc điện thoại là thiết bị không thể thiếu đối với người dùng điện thoại tuy nhiên mối nguy hiểm của việc không thực hiện đúng các biện pháp an toàn khi sạc pin điện thoại, đặc biệt khi sử dụng bộ sạc kém chất lượng được bán trôi nổi trên thị trường. Các chuyên gia ghi nhận các nhóm tội phạm đang ngày càng tinh vi trong việc sản xuất sản phẩm nhái để bán cả trực tuyến lẫn tại các cửa hàng.
Nghiên cứu từ Electrical Safety First, một tổ chức an toàn tiêu dùng của Anh, cho biết, những kẻ làm bộ sạc nhái đang sử dụng các chiến thuật mới để lừa người tiêu dùng. Trong một số trường hợp, bộ sạc nhái thậm chí thiếu hoàn toàn các thành phần bên trong, thường được chào bán với giá rẻ hơn và khiến người mua lầm tưởng rằng họ đã "mua được một món hời".
Thực tế, nhiều bộ sạc kém chất lượng hiện nay có hình dáng giống hệt bộ sạc USB-C 20W chính hãng của Apple, nhưng bên trong lại chứa các linh kiện kém chất lượng, bất chấp sự an toàn của người mua. Để đánh lừa, những kẻ làm bộ sạc nhái đã thêm vật nặng bằng kim loại vào sản phẩm, khiến chúng nặng gần bằng hàng thật. Điều này có thể gây nguy hiểm cho người sử dụng, đặc biệt là những ai không có kinh nghiệm trong việc nhận biết sản phẩm chính hãng.

Sạc giả, nhái, kém chất lượng tiềm ẩn nhiều rủi ro cần tránh dùng. Ảnh minh họa
Một vụ việc sản xuất sạc điện thoại giả điển hình tại Việt Nam, theo đó lực lượng quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã phát hiện và triệt phá thành công cơ sở sản xuất hàng chục nghìn bo mạch sạc điện thoại giả. Trong đó có đủ các bo mạch, linh kiện được thu mua từ phế liệu và tập kết về để phù phép để trở thành các sạc điện thoại chính hãng. Cụ thể, các bo mạch linh kiện cũ, kém chất lượng được chủ cơ sở cho vào vỏ sạc mới, sau đó dùng máy ép nắp vỏ nhựa bên ngoài khiến người dùng khó phân biệt được hàng thật giả. Sau khi phù phép thành sạc chính hãng, chủ cơ sở sản xuất hàng giả này thu được lợi nhuận không hề nhỏ.
Từ việc sản xuất sạc điện thoại giả tinh vi trên đã khiến nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra trong những năm gần đây. Mới đây em V.C.H (15 tuổi, ngụ ấp An Thủy, xã An Ninh Tây, huyện Đức Hòa, Long An) đang là học sinh lớp 9, Trường THCS An Ninh, vừa tắm xong chuẩn bị thay quần áo để đến trường. Do điện thoại đang sạc pin, tay em H còn ướt nhưng vẫn cầm rút dây ra khỏi ổ cắm điện, bất ngờ bị điện giật té xuống nền gạch, sau đó đã tử vong.
Trước đó, Trung tâm Y tế huyện Phù Ninh, Phú Thọ đã cấp cứu kịp thời cho trường hợp bé N.H.B.V. (10 tuổi, trú tại thị xã Phú Thọ) bị điện giật từ dây sạc điện thoại. Sau khi phát hiện, người nhà đã nhanh chóng gọi cấp cứu đến Trung tâm Y tế huyện Phù Ninh. Bệnh nhi đến viện trong tình trạng lơ mơ, khó thở, kích thích, đau ngực trái, run tay chân 2 bên. Kip hồi sức cấp cứu nhanh chóng xử trí bệnh nhi thở oxy, truyền dịch và làm các cận lâm sàng cần thiết. Sau 30 phút hồi sức tích cực, sức khỏe bệnh nhi ổn định, tỉnh táo, không khó thở, không đau ngực, các chỉ số sinh tồn về mức bình thường.
Trường hợp tương tự xảy ra tại tỉnh Lâm Đồng, cháu L.T.T (11 tuổi, học sinh lớp 5 một trường tiểu học tại thành phố Bảo Lộc) đang chơi game trên điện thoại thì máy hết pin. Sau đó, cháu T. vừa dùng điện thoại vừa cắm sạc pin thì xảy ra vụ điện giật. Phát hiện vụ việc, người nhà đã nhanh chóng cúp điện, tiến hành sơ cứu tại chỗ rồi đưa cháu T. đến Bệnh viện II Lâm Đồng cấp cứu. Tuy nhiên, cháu T. không qua khỏi, tử vong tại bệnh viện.
Vào năm 2024, một thiếu nữ ở Massachusetts (Mỹ) đã bị thiêu cháy khi chiếc iPhone của cô phát nổ trong khi đang sạc. Một vụ việc tương tự đã xảy ra vào năm 2023, tàn phá một ngôi nhà ở Worcestershire (Anh). Mới đây, hôm 7/3/2025, một thiếu nữ 15 tuổi đã bị điện giật tử vong xảy ra tại một khu dân cư ở huyện Sikhoraphum (Surin, Thái Lan) khi nằm trên giường chơi điện thoại, sau đó ngủ quên và đang sạc pin.
Theo đó để giúp người dùng phân biệt sạc chính hãng với sản phẩm nhái kém chất lượng, Apple đã cung cấp trang tư vấn. Công ty khuyến cáo người dùng nên cẩn trọng khi mua sạc, đặc biệt từ các nguồn không rõ ràng. Với bộ sạc chính hãng, lớp cách điện được trang bị bên trong nhằm đảm bảo người sạc thiết bị không tiếp xúc với mức điện áp của nguồn điện chính có thể gây ra điện giật nghiêm trọng.
Các chuyên gia cũng cho biết thêm, bộ sạc giả thường có logo không rõ ràng và có thể chứa các lỗi chính tả. Tốt hơn hết, người dùng nên mua sản phẩm từ các cửa hàng Apple chính thức, nhà bán lẻ được ủy quyền hoặc các nhà bán lẻ uy tín để đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình.
An Dương (T/h)