Tọa đàm: 'Chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt'

author 16:01 03/06/2022

(VietQ.vn) - Sáng 3/6, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam tổ chức Tọa đàm với chủ đề: “Chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt”.

Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 được Quốc hội khoá XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 17/11/2020, có hiệu lực ngày 1/1/2022. Ngày 10/1/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (Nghị định 08).

Luật Bảo vệ môi trường cũng như Nghị định 08 có nhiều điểm mới hơn so với Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Trong đó có quy định về chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (ngày 5/6) năm nay với chủ đề Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động với chủ đề “Chỉ một Trái đất” và để làm rõ quy định nói trên, sáng ngày 3/6, Tạp chí Môi trường và Đô thị tổ chức Toạ đàm với chủ đề: “Chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt”.

GS. TSKH Nguyễn Văn Liên, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Môi trường đô thị và khu công nghiệp Việt Nam phát biểu tại tọa đàm. 

Tại buổi tọa đàm, Ban tổ chức và các diễn giả đã phát biểu, làm rõ các vấn đề: Việc tính chi phí dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định mới có gì khác trước đây? Thế nào là tính đúng, tính đủ? Việc tính giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt được thực hiện theo phương pháp nào? Các đơn vị liên quan gặp thuận lợi và khó khăn gì trong công tác xây dựng giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt? Kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc tính phí dịch vụ nói trên...

Báo cáo tham luận của Công ty Môi trường đô thị các tỉnh, thành phố như: Lào Cai, Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh đã đề cập rất nhiều vấn đề xung quanh đến công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải.

Cụ thể, Công ty cổ phần môi trường đô thị Lào Cai đã ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa bản đồ các tuyến thu gom, vận chuyển rác thải; giám sát công tác thu gom, vận chuyển rác thải và công tác phân loại rác tại nguồn; sử dụng phần mềm tin học để thu phí dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt bằng thiết bị di động thông minh theo một quy trình liền mạch, tích hợp hóa đơn điện tử.

Tuy nhiên, tỉnh Lào Cai cũng chưa có chế tài xử lý đối với trường hợp không nộp hoặc nộp không đầy đủ tiền dịch vụ; đơn vị thực hiện công tác thu phí dịch vụ chưa được tính phần trăm từ số tiền thu được.

Đề cập giá dịch vụ, đại diện Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế cho biết, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã có quyết định số 2239/QĐ-UBND quy định: Khi giá đầu vào (như tiền lương, giá xăng, giá dầu) quy định tại quyết định này có biến động liên tục kéo dài trong thời hạn 60 ngày gây chênh lệch giá lớn làm đơn giá (chi phí dịch vụ thu gom vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt) giảm 10% hoặc tăng 20% trở lên hoặc chính sách Nhà nước về tiền lương, quản lý, xây dựng đơn giá dịch vụ công ích thay đổi thì Sở Xây dựng tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh cho phù hợp.

Tuy nhiên nhiều năm nay việc tham mưu điều chỉnh bộ đơn giá chưa được thực hiện gây khó khăn cho đơn vị cung ứng dịch vụ công ích trong việc thương thảo, hợp đồng với cơ quan, tổ chức, khách hàng không sử dụng ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng đến chế độ chính sách cho người lao động.

Ông Hideki Wada (Giám đốc Công ty Quy hoạch chất thải Việt Nam) trình bày tham luận tại Tọa đàm về sơ đồ tác dụng của Hệ thống thu phí theo lượng thải tại Nhật Bản cho thấy: Tổng lượng rác thải tính theo đầu người giảm, rác tái chế được như giấy, chai, lon tăng, tạo ra nguồn đầu vào cho ngành tái chế, tăng nguồn thu cho thu gom, xử lý và tăng thu nhập cho người lao động.

Ông Hideki Wada (Giám đốc Công ty Quy hoạch chất thải Việt Nam) trình bày tham luận tại Tọa đàm. 

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, giá dịch vụ thu gom vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt thiếu đồng bộ và chưa phù hợp. Do phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành mức giá cụ thể dịch vụ thu gom vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt áp dụng cho đối tượng cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải tại địa phương, dẫn đến mỗi địa phương ban hành một mức khác nhau tạo sự thiếu đồng bộ, thống nhất trên toàn thành phố. Giá dịch vụ thu gom thủ công cao gấp 2 lần so với giá thu gom bằng cơ giới đã không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị hiện đại để tăng năng suất, giảm lao động nặng nhọc cho công nhân.

Ông Phạm Văn Đức - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội cho rằng: Tại Hà Nội vẫn còn một số vấn đề bất cập và khó khăn trong đơn giá (theo quyết định 453/QĐ-UBND) đã được trình bày tại Hội thảo, từ đó đề xuất cần ban hành giá (theo tờ trình 399/Ttr-SXD) đảm bảo thu đủ 100% phí dịch vụ duy trì vệ sinh môi trường theo tiêu chí “người gây ô nhiễm phải trả tiền” của Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Khi thực hiện tăng phí dịch vụ môi trường và đơn vị thu gom vận chuyển được phép từ chối cung cấp dịch vụ đối với các trường hợp không chấp hành theo quy định. Khi đó sẽ có trường hợp cá nhân bỏ rác không đúng quy định. Để giải quyết tình trạng này cần tăng cường xử phạt theo quy định tại Nghị định số 55/2021/NĐ-CP.

Ông Phạm Văn Đức - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội.

Sau khi phân tích thực trạng về chi phí thu gom vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt các ý kiến trình bày tại tọa đàm đã đưa ra nhiều kiến nghị cụ thể:

Thứ nhất: Các Bộ ngành có liên quan cần nghiên cứu ban hành phương pháp, quy trình xác định quản lý chi phí dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt để các địa phương xây dựng, điều chỉnh đơn giá nhanh chóng, thuận tiện. Cần có quy định cụ thể về mức thu, tỷ lệ hỗ trợ, bù đắp từ ngân sách địa phương thống nhất trên cả nước với từng loại đô thị. Quy định khoản bù trừ đối với trường hợp thất thu.

Thứ hai: Có chế tài đối với những đối tượng không phân loại rác tại nguồn, không nộp tiền dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Thứ ba: Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan như: Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan chức năng liên quan, tổ trưởng dân phố và đối tượng sử dụng dịch vụ.

Thứ tư: Trong cơ cấu giá chi phí dịch vụ cần có tỷ lệ phần trăm thích hợp để bồi dưỡng cho người công nhân trực tiếp thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đồng thời để các doanh nghiệp có điều kiện đầu tư đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động, giảm lao động nặng nhọc cho người công nhân.

Toạ đàm là cơ hội để Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam dùng làm căn cứ tập hợp ý kiến các đơn vị từ đó văn bản kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét sớm xây dựng, ban hành định mức kinh tế- kỹ thuật, định mức chi phí dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo tinh thần của Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định 08.

Đồng thời là tài liệu cần thiết để đại diện cơ quan quản lý Nhà nước, nhất là các chuyên gia Bộ Tài nguyên và Môi trường dùng làm căn cứ xây dựng hoàn chỉnh quy định về chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo tinh thần Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định 08.

Thông qua toạ đàm, phóng viên các cơ quan báo chí tham dự tọa đàm đã có cái nhìn tổng thể, khách quan về thực trạng chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải rắn sinh hoạt, cũng như kiến nghị từ những người lao động trực tiếp, từ đó sẽ có các bài báo phân tích chuyên sâu, lan toả đến cộng đồng.

Theo Môi trường và Đô thị

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang