Tồn tại nhiều bất cập trong quản lý bán thuốc theo hình thức kinh doanh trực tuyến
Bộ Y tế cảnh báo: Bếp ăn tập thể quy mô hàng nghìn suất nguy cơ ngộ độc
Cảnh báo tổn thương gan do dùng thuốc không rõ nguồn gốc
Nhiều ngân hàng tiếp tục cảnh báo về lừa đảo
Liên quan đến một số quy định trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, giải trình trước Quốc hội tại kỳ họp tứ 7, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, cho biết cùng với sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, trải qua dịch COVID-19… việc kinh doanh, mua sắm trên internet, giao dịch điện tử ngày càng phổ biến.
Để kiểm soát được chất lượng thuốc, dự thảo Luật quy định, chỉ cho phép các cơ sở đủ điều kiện kinh doanh thuốc theo phương thức truyền thống, được phép kinh doanh thêm trên thương mại điện tử. Đặc biệt, dự thảo Luật quy định, chỉ cho phép các thuốc không kê đơn được phép kinh doanh trên thương mại điện tử.
Đối với loại hình kinh doanh chuỗi nhà thuốc, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, đây không phải quy định mới trong dự thảo Luật lần này mà đã được quy định trong Luật Dược năm 2016. Tuy nhiên, trong Luật Dược năm 2016 chưa có điều khoản quy định cụ thể loại hình kinh doanh này.
Vì vậy, trong lần sửa đổi Luật Dược này, Ban soạn thảo mong muốn quy định cụ thể về cơ cấu, tổ chức, điều kiện kinh doanh; phát huy tính ưu việt của chuỗi nhà thuốc; kiểm soát chất lượng thuốc, giá thuốc, dịch vụ đi cùng…
Dù việc luật hoá bán thuốc online vẫn còn đang bàn thảo, nhưng trên thực tế câu chuyện bán thuốc online đã trở nên hết sức nóng bỏng, tình trạng bán thuốc online ngày càng phổ biến trên không gian mạng. Thực tế trên các nền tảng mạng xã hội, nhiều loại thuốc nằm trong danh mục bắt buộc phải kê đơn vẫn đang được mua, bán một cách công khai, dễ dàng mà không cần bất kỳ đơn thuốc nào. Chỉ cần gõ từ khóa “mua bán thuốc tây” tại thanh công cụ tìm kiếm của mạng xã hội Facebook, kết quả có hàng loạt hội nhóm buôn bán, trao đổi thuốc có tên gọi na ná nhau kiểu “Hội nhà thuốc tây” có số thành viên lên tới hàng trăm ngàn…
Không chỉ được bao phủ bởi những lời quảng cáo “có cánh”, các loại thuốc này cũng được nhiều người lựa chọn bởi chỉ cần một vài thao tác đơn giản trên điện thoại, sản phẩm sẽ được giao tận nhà trong vài ngày với những lời hứa hẹn đầy sức hấp dẫn: “Cam kết rẻ hơn thị trường”, “Vận chuyển tận nhà sau khi chốt đơn”...
Ảnh minh họa
Có thể thấy chưa bao giờ một loại hàng hóa có điều kiện kinh doanh khắt khe lại mua bán dễ dàng đến vậy. Với người tiêu dùng, không khó để có thể mua được thuốc, thậm chí chỉ cần 1 click chuột trên máy tính hay trên chiếc điện thoại thông minh, họ đã có ngay sản phẩm để sử dụng. Cùng với sự dễ dãi trong mua bán và sử dụng tuỳ ý, khó kiểm soát, câu chuyện về mua bán thuốc online đang trở thành vấn đề cần phải được xem xét nghiêm túc, nếu không nó có thể trở thành “bóng ma” ám ảnh nhiều người, kéo theo nhiều hệ luỵ đối với sức khoẻ người tiêu dùng.
Đáng nói hơn là phần lớn người mua lựa chọn mà không tìm hiểu kỹ về sản phẩm và tin tưởng vào công dụng của thuốc qua lời giới thiệu của người bán hàng, không ít người dù đã sử dụng sản phẩm nhưng không biết rõ về thành phần, xuất xứ của loại thuốc mình mua.
Phản ánh tại nghị trường Quốc hội mới đây, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Kiều (đoàn Đắk Nông), cho rằng tình trạng "bùng nổ" việc bán thuốc, quảng cáo thuốc trên các nền tảng mạng xã hội, với việc quảng cáo không đúng sự thật về công dụng, "thổi phồng" tác dụng của thuốc, bán thuốc giả, đánh đồng giữa thuốc chữa bệnh và thực phẩm chức năng… làm nguy hại đến sức khỏe của người dân, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng và một mức độ nào đó đã ảnh hưởng đến uy tín của ngành Y tế. Để giải quyết vấn đề này, theo đại biểu, cần nghiên cứu, xây dựng các quy phạm chặt chẽ hơn trong kinh doanh dược.
Theo các chuyên gia, việc người dân tự ý mua thuốc trên mạng, nếu không có sự tư vấn của bác sĩ sẽ rất nguy hiểm, nguy cơ dùng sai liều hoặc không đúng chỉ định dẫn đến nhiều hệ luỵ khôn lường. Trước vấn đề này, nhiều y bác sĩ cũng ví von, rằng “tử thần nấp trong những viên thuốc kê đơn online mua dễ hơn mua mớ rau ngoài chợ” là vì vậy.
Tháng 8 vừa qua, các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã thảo luận dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Trong đó, về kinh doanh thuốc theo phương thức thương mại điện tử (TMĐT), một số đại biểu cho biết, nếu bán lẻ thuốc theo phương thức thương mại điện tử thì sẽ thực hiện danh mục thuốc không kê đơn. Tuy nhiên, trong dự thảo quy định một hình thức nữa là bán buôn theo phương thức thương mại điện tử, tức là bán cả thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn, các thuốc quản lý đặc biệt và nguyên liệu làm thuốc. Như vậy, việc triển khai hình thức này sẽ gặp vướng mắc trong thực tiễn, vì nếu kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử có thể khó phân biệt được hình thức bán buôn hay bán lẻ.
Cùng vấn đề này, đại biểu Nguyễn Anh Trí đến từ Hà Nội, cho rằng việc khám, chữa bệnh từ xa đang phát triển, việc kê đơn phải là kê đơn điện tử, bệnh án điện tử; đưa thuốc đến tận nhà cho người bệnh. Đây chính là thương mại điện tử. Vì vậy, đại biểu đề nghị ban soạn thảo cân nhắc có thêm quy định cho phép bán thuốc qua mạng cho những trường hợp thực hiện khám, chữa bệnh từ xa. Trong đó, điều kiện đề ra là thuốc phải do một nhà thuốc có uy tín, được cho phép mới được cung cấp thuốc ra ngoài. Người giao hàng là người có đăng ký và do nhà thuốc đó có danh sách quản lý.
Các đại biểu Quốc hội cũng hết sức quan tâm đến việc quản lý giá thuốc, một số đại biểu cho rằng việc kê khai giá thuốc là một cơ sở pháp lý để tổ chức đấu thầu thuốc. Ngoài ra, khi thực hiện kê khai giá bán lẻ mà không có quy định về giá thặng dư với giá bán lẻ, sẽ gây ra tình trạng độc quyền trong thị trường thuốc hoặc gây khó cho những nhà thuốc không phải là cơ sở tổ chức chuỗi nhà thuốc.
Trước đó, hồi cuối tháng 6/2024, tại kỳ họp thứ 7 khoá XV, nhiều luồng ý kiến tranh luận trên Nghị trường Quốc hội cũng như trên báo chí liên quan đến việc Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược có nội dung cho phép bán thuốc kê đơn online.
Đảm bảo an toàn sức khỏe khi đặt niềm tin vào mua sắm trực tuyến
Người tiêu dùng hết sức thận trọng trước những quảng cáo trực tuyến để bán thuốc thông qua các trang web internet, sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội hoặc sử dụng nhiều ứng dụng điện thoại thông minh khác nhau. Việc mua bán thuốc trực tuyến có thể khiến cộng đồng phải đối mặt với tình trạng bán thuốc trái phép, hoặc cơ sở bán thuốc không đủ điều kiện; Tình trạng bán thuốc giả hoặc thuốc chưa đăng ký có thể gây nguy hiểm đến tính mạng; và vấn nạn quảng cáo, giới thiệu thuốc khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.
Trước thực trạng này cũng như trước khi luật hoá vấn đề mua bán thuốc online, các chuyên gia khuyến nghị các cơ sở sản xuất kinh doanh dược nên đảm bảo việc bán và quảng cáo thuốc tuân thủ đúng các yêu cầu pháp lý hiện hành và không lợi dụng hoặc gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.
Ở phía cơ quan chức năng có chuyên môn, điều cần thiết nhất là cần nâng cao nhận thức của người bán và người tiêu dùng nói chung về những nguy cơ và rủi ro khi mua thuốc trực tuyến. Đặc biệt, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng để họ không dễ bị đánh lừa bởi bất kỳ quảng cáo nào có tuyên bố y tế được công bố mà không có sự chấp thuận của cơ quan chuyên môn có thẩm quyền.
Khánh Mai (t/h)