Tổng Cục QLTT: Trách nhiệm xử lý vụ Khaisilk thuộc công an Hà Nội

author 09:41 12/05/2019

(VietQ.vn) - Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, vụ việc Khaisilk đã được chuyển sang cơ quan công an, trách nhiệm xử lý thuộc cơ quan công an.

Vụ Khaisilk bán lụa Trung Quốc gắn mác hàng Việt vì sau gần 2 năm chưa có kết quả xử lý. Ảnh minh họa 

Nếu tính từ tháng 11/2017 – Thời điểm hồ sơ vụ việc liên quan Công ty TNHH Khải Đức, đơn vị sở hữu thương hiệu Khaisilk được chuyển Phòng kinh tế công an TP Hà Nội đến nay đã gần 2 năm. Tuy nhiên những sai phạm của Khaisilk trong việc bán khăn lụa Trung Quốc gắn mác hàng Việt sẽ bị xử lý ra sao vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp.

Dư luận lo ngại vụ việc sẽ bị “chìm xuồng”, doanh nghiệp thoát nạn, người tiêu dùng chịu thiệt vì muốn mua hàng Việt Nam nhưng bị lừa mua phải hàng Trung Quốc. Quan trọng hơn khi sai phạm doanh nghiệp không bị xử lý sẽ dẫn đến nhờn luật, bất công, phân biệt đối xử trong thực thi pháp luật giữa các doanh nghiệp.

Trước lo ngại dư luận về vụ việc Khaisilk, trao đổi với phóng viên ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, ngày thời điểm xảy ra vụ việc (cuối năm 2017 – PV) cơ quan quản lý thị trường đã chuyển hồ sơ sang cơ quan công an.

Theo ông Trần Hữu Linh khi hồ sơ nằm bên cơ quan công an, cơ quan công an sẽ có trách nhiệm. Cơ quan quản lý thị trường không thể giục cơ quan công an bởi công an có nghiệp vụ riêng.

“Về trình tự thủ tục khi chuyển cơ quan công an thì trách nhiệm bên kia, nếu không xử lý hình sự cơ quan công an sẽ chuyển lại hồ sơ, đến thời điểm này chưa thấy họ chuyển lại”, ông Linh cho biết.

Một số mẫu sản phẩm của Khaisilk bị thu giữ vì có hiện tương cắt nhãn mác. 

Trước đó cuối tháng 10/2017, kết quả kiểm tra, giám định chất lượng sản phẩm dệt may đối với một số mẫu sản phẩm của Công ty TNHH Khải Đức, đơn vị sở hữu thương hiệu Khaisilk, cho thấy không có thành phần silk như công bố trên nhãn hàng hoá về thành phần nguyên liệu trong sản phẩm là 100% silk.

"Doanh nghiệp này đã vi phạm loạt dấu hiệu liên quan tới bán hàng giả, hàng kém chất lượng", báo cáo kết luận của Bộ Công Thương nêu.

Với kết quả này, Bộ Công Thương cho biết đã chuyển hồ sơ, vật chứng cho cơ quan cảnh sát điều tra xử lý theo quy định đối với các dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Bộ này đồng thời theo dõi, tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định đối với các sai phạm của doanh nghiệp theo thẩm quyền.

Ngoài ra, Khaisilk cũng có dấu hiệu vi phạm luật về quản lý thuế, hóa đơn. Cụ thể một số hóa đơn do công ty xuất trình không hợp lệ, không phải do Chi cục Thuế phát hành, quản lý; số khác kê khai không đúng tên hàng hóa.

Một số lượng lớn sản phẩm chênh lệch giữa số liệu chứng từ kế toán và số liệu kiểm tra thực tế tại một chi nhánh công ty, trong khi đơn vị không giải trình được nguyên nhân, đầy đủ hóa đơn cho số sản phẩm này.

Đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương cũng cho biết, quá trình kiểm tra tại Khaisilk phát hiện một số sản phẩm không gắn nhãn hàng hoá theo quy định, hoặc có gắn nhãn nhưng không ghi đầy đủ nội dung bắt buộc.

Công ty này cũng có dấu hiệu che giấu thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng và bán nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Sai phạm của Khaisilk đã được chỉ rõ, có thể khẳng định đây là hoạt động gian lận thương mại, cố tình gian dối trong kinh doanh. Có thể vì việc quản lý của nhà nước chưa chặt chẽ nên tình trạng này vẫn diễn ra. Nhưng với thương hiệu lớn thì điều này cần phải được xử lý nghiêm minh.

Hành vi bán khăn lụa Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt của Khaisilk là lợi dụng lòng yêu nước của người tiêu dùng. Trong khi Chính phủ kêu gọi người dân có tinh thần dân tộc để ủng hộ hàng Việt thì chiêu gian lận này đã lợi dụng lòng yêu nước của nhiều người dùng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng vào thương hiệu hàng hóa “Made in Vietnam”.

Nhìn rộng hơn, không chỉ bị mất niềm tin của người tiêu dùng trong nước mà khách nước ngoài cũng sẽ có tâm lý nghi ngờ phải chăng hàng Việt Nam đều có xuất xứ Trung Quốc? Vấn đề này rất quan trọng đối với thương hiệu Việt Nam nói chung.

Phát hiện hơn 2.792 sản phẩm nhãn hiệu Khải Silk tại cửa hàng ở TP HCM vi phạm về nhãn hàng hóa(VietQ.vn) - Lực lượng chức năng đã phát hiện hơn 2.792 sản phẩm mang nhãn hiệu Khaisilk có dấu hiệu vi phạm pháp luật về nhãn hàng hóa tại một cửa hàng tại TP HCM.

Theo Sức khỏe cộng đồng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang