Toyota ngừng sản xuất xe tại Việt Nam: Người đến kẻ đi là bình thường!

author 06:15 13/04/2015

(VietQ.vn) - Toyota đã tuyên bố ngừng sản xuất, thay vào đó là nhập khẩu xe hơi để hưởng thuế ưu đãi của Bộ Tài chính. Nhiều người cho rằng, đó là "chiêu" của doanh nghiệp này để gây áp lực với cơ quan chức năng bởi chuyện đến rồi đi đâu có dễ dàng.

Mới đây, lãnh đạo Công ty Toyota Việt Nam đưa ra tuyên bố có thể doanh nghiệp (DN) này sẽ phải ngừng sản xuất, thay vào đó nhập khẩu hoàn toàn để được hưởng lợi từ lộ trình giảm thuế ASEAN về 0% từ 2018 khiến dư luận được phen sôi sục.

Tuy nhiên, trong một Tọa đàm về các DN đầu tư nước ngoài, GS.TS. Nguyễn Mãi - Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhận định: chuyện dời bỏ một hay nhiều nhà máy của doanh nghiệp từ quốc gia này sang quốc gia khác không hề dễ dàng, không phải nói là làm được ngay. Đặc biệt, đối với Toyota - một DN có 20 năm đầu tư trường kỳ tại Việt Nam đã dành được thị phần khá lớn tại quốc gia này với tổng số vốn đầu tư tới thời điểm hiện tại khoảng 154 triệu USD. 

Toyota ngừng sản xuất xe: Người đến kẻ đi là bình thường

Chưa dám chắc Toyota có rời bỏ Việt Nam hay không

Toyota hiện là DN có tỷ lệ nội địa hóa lớn nhất trong ngành ô tô, khoảng 40% với 18 nhà cung cấp là DN trong nước. Song, theo Tổng giám đốc Toyota Việt Nam, việc họ kinh doanh tốt, dẫn đầu về doanh số bán hàng hay tỷ lệ nội địa hóa… sẽ chẳng có chút ý nghĩa nào khi mà tới đây rất có thể doanh nghiệp sẽ ngừng sản xuất, lắp ráp và thay vào đó là chuyển sang nhập khẩu hoàn toàn để được hưởng lợi về thuế quan.

Tuy nhiên, chia sẻ bên lề cuộc họp ngành mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, đúng là tới năm 2018  thuế nhập  khẩu ô tô từ ASEAN về 0%, nhưng cũng theo các cam kết về hội nhập mà Việt Nam đã ký thì thuế suất linh kiện nhập khẩu cũng về 0% từ trước thời điểm này, cộng với giá nhân công ở Việt Nam rẻ hơn các nước trong khu vực… thì việc đầu tư sản xuất kinh doanh tại Việt Nam rõ ràng vẫn có lợi hơn và việc DN ở hay đi là quyền của họ.

Cũng nói về thông điệp sẽ ngừng sản xuất và nhập khẩu hoàn toàn của Toyota, TS. Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng, thông điệp này đưa ra không hẳn là sự đe dọa bởi trong nền kinh tế thị trường với môi trường pháp lý và cam kết hội nhập, DN hoàn toàn có thể bày tỏ chính kiến của mình một cách rõ ràng. Họ cũng có quyền lựa chọn nơi đầu tư, sản xuất kinh doanh và làm ăn nếu thấy có lợi cho mình. 

“Hội nhập và cạnh tranh chúng ta phải chấp nhận thực tế có người đến, người đi”- ông Thành nói.

Xét rộng hơn, Phó Viện trưởng CIEM nhận định, đây không chỉ là chuyện của riêng một DN, mà là chuyện của cả ngành  công nghiệp ô tô Việt Nam sau 20 năm phát triển.

“Sau chừng ấy năm phát triển ngành công nghiệp ô tô có gì ngoài việc lắp ráp và nội địa hóa thì cũng đếm trên đầu ngón tay DN nội địa đáp ứng được?”- ông đặt câu hỏi và tiếp lời, rõ ràng chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô đã ngay từ đầu bộc lộ những sai lầm về cách thức phát triển (về thị trường, chuyển giao công nghệ, bảo hộ…). Ở đây cũng có “lỗi” của các nhà đầu tư vì họ có quyền lựa chọn đầu tư hay là không.

Vấn đề sâu xa hơn mà ông Thành muốn nhấn mạnh, đó là đã tới lúc chúng ta phải nhìn lại chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô bấy lâu theo đuổi - nên nhìn nhận đây là câu chuyện hoàn toàn bình thường của thị trường.

Ở khía cạnh này, TS. Nguyễn Mại nói thẳng, thời gian vừa qua Chính phủ đã quá dung dưỡng cho các nhà sản xuất ô tô, kể cả Honda, Toyota về bảo hộ sản xuất và đã tới lúc cần xem lại, loại bỏ chính sách bảo hộ. 

“Tôi không tin họ sẽ rời bỏ Việt Nam, vì việc dịch chuyển nhà máy từ quốc gia này sang quốc gia khác là không hề dễ dàng. Cái chính là khi họ đã  lên tiếng thì chúng ta phải xem lại chính sách của mình sai ở đâu, để sửa” – ông Mại lên tiếng trước mối lo ngại, "hoc" Toyota, sẽ có thêm nhiều DN trong ngành công nghiệp ô tô sẽ có những động thái tương tự.

Theo GS. Nguyễn Mại, Việt Nam có 2 điều kiện để phát triển ngành công nghiệp ô tô, là dân số và thu nhập đầu người trong tương lai. Dự kiến năm 2020, dân số Việt Nam sẽ là 100 triệu người và có thu nhập bình quân khoảng 2.500 – 4.000 USD/người. Như vậy, sẽ có khoảng 15% những người thu nhập trung lưu có mức gấp 2,5 thu nhập bình quân, tức là 15 triệu người có thể mua ô tô. Nhưng khi thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc giữa các nước ASEAN về 0% vào năm 2018 thì chẳng dại gì các doanh nghiệp đổ vốn vào đầu tư, sản xuất, bởi nhập khẩu nguyên chiếc đương nhiên doanh nghiệp được hưởng lợi hơn rất nhiều.

Trà Phương

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang