TP. Hồ Chí Minh: Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường bánh trung thu

author 09:22 12/09/2023

(VietQ.vn) - Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP. Hồ Chí Minh vừa tiến hành kiểm tra và tạm giữ hơn 600 bánh trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Cụ thể, ngày 08/09/2023, Đội QLTT số 4 (Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh) phối hợp với Công an Phường 7, quận Phú Nhuận (TP. Hồ Chí Minh) đã tiến hành kiểm tra điểm kinh doanh thực phẩm trên đường Hoa Sứ, Phường 7, quận Phú Nhuận.

Qua kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện hơn 400 bánh trung thu trứng chảy (loại 6 cái/hộp 330g), nhãn hiệu Bei Yue Wan, không ghi xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ. 

Theo chủ hộ kinh doanh, toàn bộ số hàng hóa mua trôi nổi trên thị trường, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa. Đội trưởng Đội QLTT số 4 đã ban hành Quyết định tạm giữ toàn bộ số hàng hóa nêu trên để xử lý theo quy định.

 Số bánh trung thu không rõ nguồn gốc bị thu giữ

Trước đó, ngày 06/9/2023, Đội QLTT số 17 (Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh) đã thực hiện kiểm tra đột xuất điểm kinh doanh thực phẩm bánh kẹo trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 21, quận Bình Thạnh (TP. Hồ Chí Minh).

Đoàn kiểm tra phát hiện nơi đây đang bày bán, kinh doanh hàng nhập lậu gồm có 216 bánh trung thu hiệu Pamiriter, loại 50g/cái (6 cái/hộp); ngày sản xuất 04/8/2023.

Toàn bộ hàng hóa là thực phẩm bao gói sẵn, không có hóa đơn chứng từ, trên sản phẩm có chữ nước ngoài, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, không có hồ sơ công bố an toàn thực phẩm. Đội trưởng Đội QLTT số 17 đã ban hành Quyết định tạm giữ số bánh trên để xử lý theo quy định.

Theo Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh, đơn vị đang tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường mặt hàng bánh trung thu dịp Tết Trung năm thu năm nay. Trước đó, Tổng Cục QLTT đã yêu cầu Cục QLTT tỉnh, thành tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường trong dịp Tết Trung thu.

Cơ quan chức năng sẽ tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất bánh trung thu về nguyên liệu sản xuất, sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất lượng sản phẩm, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm.

Các cơ sở kinh doanh, các đại lý, cửa hàng bán bánh trung thu, cơ quan chức năng sẽ kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong mùa cao điểm của thị trường bánh trung thu…    

Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) đối với bánh trung thu bao gồm bánh dẻo (TCVN 12941:2020) và bánh nướng (TCVN 12940:2020).

Theo đó, đối với bánh nướng và bánh dẻo, việc sử dụng đường phải đáp ứng các yêu cầu quy định trong TCVN 6958 hoặc TCVN 7968 (CODEX STAN 212); bột mì phải đáp ứng quy định trong TCVN 4359 (CODEX STAN 152); dầu ăn phải đáp ứng quy định trong TCVN 7597:2018.

Ngoài ra, các nguyên liệu có nguồn gốc từ động vật và thực vật được sử dụng để làm nhân bánh (đậu, hạt sen, nấm, mỡ lợn, thịt, thủy sản, trứng, mật ong...) phải đáp ứng các yêu cầu về chất lượng và an toàn để dùng làm thực phẩm.

Bộ tiêu chuẩn này cũng áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp nhập khẩu bánh nướng, bánh dẻo. Theo đó, không chỉ bánh trung thu, mà các loại bánh như: bánh nếp, bánh pía, bánh bột ngũ cốc… cũng có thể áp dụng các TCVN này.

Trước đây, do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể áp dụng cho sản phẩm bánh nướng, bánh dẻo, nên việc quản lý chất lượng được vận dụng từ các văn bản của các bộ chuyên ngành. Với hai TCVN này, các doanh nghiệp sẽ đồng loạt áp dụng tiêu chuẩn hóa cho sản phẩm bánh nướng và bánh dẻo, giúp sản phẩm của doanh nghiệp tuân thủ các chỉ tiêu an toàn một cách đồng nhất, hoàn toàn tuân theo tiêu chuẩn chất lượng quốc gia. Giúp cơ quan chức năng thuận lợi trong hoạt động quản lý.

Với tiêu chuẩn quốc gia đối với bánh nướng, bánh dẻo sẽ giúp người tiêu dùng có cơ sở để lựa chọn sản phẩm có chất lượng, đồng thời tiêu dùng an toàn hơn khi sử dụng các sản phẩm tuân thủ theo các tiêu chuẩn này.

Bảo Linh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang