TP.HCM: Đào tạo các tiêu chí Giải thưởng Chất lượng Quốc gia

author 15:51 03/02/2016

(VietQ.vn) - Các nội dung và tiêu chí để xét tặng Giải thưởng Chất lượng Quốc gia đã được đào tạo cho các chuyên gia về năng suất.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Thông tin từ Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM cho biết, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức khóa đào tạo “Giải thưởng Chất lượng Quốc gia - Các tiêu chí Giải thưởng Chất lượng Quốc gia”.

Năng suất chất lượng

Các nội dung và tiêu chí để xét tặng Giải thưởng Chất lượng Quốc gia đã được đào tạo cho các chuyên gia về năng suất tại TP.HCM. Ảnh minh họa

Khóa đào tạo nhằm mục tiêu là đào tạo nghiệp vụ đánh giá và cách viết báo cáo cho Chuyên gia đánh giá và doanh nghiệp về Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2015 với nhiều nội dung.

Đó là các nội dung, giới thiệu chung về Giải thưởng Chất lượng Quốc gia. Giải thưởng Chất lượng Quốc gia (GTCLQG) được thiết lập, triển khai trên cơ sở chấp nhận mô hình và 7 tiêu chí của Giải thưởng Malcolm Baldrige (MBA) - Giải thưởng Chất lượng Quốc gia của Hoa Kỳ, đã được nhiều nước trên thế giới coi là mô hình chuẩn để nghiên cứu, học tập và xây dựng thành giải thưởng chất lượng quốc gia của mình.

GTCLQG là một hình thức tôn vinh, khen thưởng hằng năm ở cấp quốc gia của Thủ tướng Chính phủ cho các tổ chức, doanh nghiệp đạt thành tích, thành tựu nổi bật trong việc cải tiến, nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động, đóng góp đáng kể cho phát triển năng suất chất lượng của Việt Nam.

GTCLQG được điều chỉnh trong Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Thông tư số 17/2011/TT-BKHCN ngày 30/6/2011 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về Giải thưởng Chất lượng Quốc gia.

GTCLQG nằm trong hệ thống Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á - Thái Bình Dương (Global Performance Exellence Award - GPEA) do Tổ chức Chất lượng Châu Á - Thái Bình Dương (Asia Pacific Quality Organization - APQO) thiết lập.

Một số nội dung của khóa học được tóm tắt như sau:

1. Báo cáo giới thiệu tổ chức, doanh nghiệp

“Báo cáo giới thiệu tổ chức, doanh nghiệp” là tài liệu mô tả tóm tắt về tổ chức, doanh nghiệp (sau đây gọi tắt là tổ chức) và những tác động, thách thức chính ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh mà tổ chức phải giải quyết.

Nội dung “Báo cáo giới thiệu tổ chức, doanh nghiệp” bao gồm:

Phần 1: Mô tả tổ chức

Phần 2: Bối cảnh của tổ chức

2. Báo cáo tự đánh giá của tổ chức, doanh nghiệp theo 7 tiêu chí của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia

Tiêu chí 1: Vai trò của lãnh đạo tổ chức

Tiêu chí này đề cập cách thức các lãnh đạo cao nhất của tổ chức chỉ đạo và duy trì hoạt động tổ chức cũng như xem xét việc điều hành tổ chức và việc thực hiện các trách nhiệm về pháp lý, đạo đức, xã hội và sự hỗ trợ đối với cộng đồng của tổ chức.

Tiêu chí 2: Chiến lược hoạt động

Tiêu chí này đề cập cách thức tổ chức xây dựng mục tiêu chiến lược và kế hoạch hành động, cách thức triển khai và điều chỉnh (nếu có) mục tiêu chiến lược, kế hoạch hành động đã chọn và đo lường việc thực hiện.

Tiêu chí 3: Chính sách định hướng vào khách hàng và thị trường

Tiêu chí này nêu cách thức tổ chức thực hiện sự gắn bó, cam kết với khách hàng của mình nhằm đạt được thành công dài hạn trên thị trường. Chiến lược gắn kết này cho thấy cách thức tổ chức xây dựng một nền văn hóa định hướng vào khách hàng. Tiêu chí này cũng nêu cách thức tổ chức lắng nghe mong muốn của khách hàng và sử dụng các thông tin này để cải tiến và xác định các cơ hội cải tiến.

Tiêu chí 4: Đo lường, phân tích và quản lý tri thức

Tiêu chí này đề cập đến cách thức tổ chức lựa chọn, thu thập, phân tích, quản lý và cải tiến dữ liệu, thông tin và tài sản tri thức, quản lý công nghệ thông tin. Tiêu chí này cũng đánh giá việc tổ chức thực hiện việc xem xét và sử dụng việc xem xét này để cải tiến hoạt động của mình.

Tiêu chí 5: Quản lý, phát triển nguồn nhân lực

Tiêu chí này xem xét cách thức tổ chức quản lý, xây dựng và gắn kết lực lượng lao động của mình như thế nào để sử dụng hết tiềm năng nhằm thực hiện được nhiệm vụ, chiến lược và kế hoạch hành động tổng thể của tổ chức. Tiêu chí này cũng xem xét đến khả năng đánh giá năng lực và nhu cầu về năng suất của lực lượng lao động, khả năng xây dựng một môi trường cho lực lượng lao động nhằm đạt được hiệu quả cao.

Tiêu chí 6: Quản lý quá trình

Tiêu chí này xem xét cách thức tổ chức thiết kế hệ thống làm việc của mình; cách thức tổ chức thiết kế, quản lý và cải tiến các quá trình chính của mình để thực hiện công việc nhằm đem lại giá trị cho khách hàng, đạt được thành công và sự phát triển bền vững cho tổ chức. Tiêu chí này cũng xem xét sự sẵn sàng của tổ chức đối với các trường hợp khẩn cấp.

Tiêu chí 7: Kết quả hoạt động, kinh doanh

Tiêu chí này xem xét kết quả thực hiện và việc cải tiến của tổ chức trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính như: Các kết quả hoạt động về sản phẩm, sự thỏa mãn của khách hàng, kết quả tài chính và thị trường, nguồn nhân lực, kết quả tác nghiệp, điều hành và trách nhiệm xã hội. Mức độ kết quả này được so sánh với các kết quả tương ứng của đối thủ cạnh tranh và các tổ chức khác cung cấp sản phẩm tương tự.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang