TP.HCM phát hiện và tạm giữ trên 4 tấn vải và các loại quần áo không rõ nguồn gốc xuất xứ

author 19:55 23/02/2024

(VietQ.vn) - Kiểm tra ngay sau kỳ nghỉ tết, lực lượng Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đã phát hiện và tạm giữ trên 4 tấn vải và các loại quần áo không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Mới đây Đội Quản lý thị trường số 4, Cục Quản lý thị trường TP.HCM phối hợp với Công an và Uỷ ban nhân dân phường Bến Nghé, Quận 1 tiến hành kiểm tra tại Công ty TNHH B.Y.F.A.S trên đường Ngô Đức Kế và Điểm chứa trữ hàng hoá của Công ty TNHH B.Y.F.A.S tại một căn hộ thuộc Chung cư 40E đường Ngô Đức Kế.

Qua kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện số lượng lớn hàng hóa gồm 93 đơn vị sản phẩm là váy đầm, áo may sẵn các loại, không ghi xuất xứ, không dán tem CR, chưa qua sử dụng, tổng trị giá hàng hóa là: 920.170.000 đồng; vải cây các loại có lõi nhựa, giấy, gỗ không ghi xuất xứ, khổ từ 1,1 mét đến 1,6 mét, chưa qua sử dụng, số lượng: 4.348 kg = 605 cây được đựng trong 101 bao nylon PP, tổng giá trị hàng hoá là: 652.200.000 đồng.

 Lượng lớn hàng hóa không rõ nguồn gốc bị phát hiện. Ảnh: Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh

Toàn bộ hàng hóa nêu trên chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa, có nhãn không ghi đủ các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa theo quy định (cụ thể không ghi: tên hàng hóa, tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa, xuất xứ hàng hóa, thành phần hoặc thành phần định lượng, thông số kỹ thuật, thông tin cảnh báo, hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản, năm sản xuất). Đội Quản lý thị trường số 4 đã tạm giữ toàn bộ hàng hóa nêu trên để tiếp tục xác minh, làm rõ xử lý theo quy định.

Theo thông tin Cục Quản lý thị trường TP.HCM, trong dịp trước, trong và sau tết trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường được lực lượng Quản lý thị trường đã thực hiện tăng cường và xuyên suốt. Đặc biệt, đơn vị đã chỉ đạo và triển khai đến các Đội Quản lý thị trường tập trung đảm bảo thường xuyên giám sát chặt chẽ tình hình địa bàn, xử lý nghiêm và kịp thời các hành vi vi phạm; đẩy mạnh phối hợp với các lực lượng chức năng địa phương trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Nhờ đó đã đạt được những kết quả bước đầu trong công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả ngay dịp đầu năm 2024.

Liên quan tới nhãn hàng hóa, nếu tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm về nhãn hàng hóa thì theo quy định mới tại Nghị định số 126/2021/NĐ-CP sẽ bị xử phạt tiền từ 500.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với hàng hóa có giá trị từ 5 triệu đồng đến trên 100 triệu đồng. Trong một số trường hợp vi phạm cụ thể còn bị tịch thu hàng hóa có nhãn vi phạm có liên quan đến chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị, thuần phong mỹ tục, bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề; ngoài ra còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc buộc tái xuất đối với hàng hóa nhập khẩu; buộc thu hồi hàng hóa và buộc ghi nhãn hàng hóa đúng quy định trước khi tiếp tục lưu thông; buộc thu hồi và tiêu hủy nhãn hàng hóa vi phạm …

 An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang