Tranh cãi về đề xuất tăng gấp đôi mức phạt vi phạm giao thông

author 07:45 12/12/2017

(VietQ.vn) - Đề xuất tăng mức phạt vi phạm giao thông ở khu vực nội thành TP HCM đang nhận được nhiều sự quan tâm và tranh luận.

Theo báo Vnexpress, dừng xe không đúng vị trí; đi vào đường cấm, ngược chiều, lấn làn... là những lỗi Sở GTVT TP HCM đề xuất tăng mức phạt lên gấp đôi. "Đây là một trong những giải pháp lập lại trật tự an toàn giao thông, kéo giảm ùn tắc khu vực trung tâm mà TP HCM sẽ triển khai", Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Bùi Xuân Cường nói về đề xuất tăng mức phạt vi phạm giao thông ở khu vực nội thành, tại kỳ họp thứ 6 HĐND TP HCM khóa IX vừa qua.

Căn cứ đề xuất là theo Luật xử phạt vi phạm hành chính 2012. Trong đó, khoản 1 Điều 23 cho phép nâng mức phạt tối đa hai lần với các vi phạm lĩnh vực giao thông đường bộ, an ninh trật tự, an toàn xã hội ở khu vực nội thành của thành phố trực thuộc trung ương.

Sở GTVT TP.HCM vừa trình lên HĐND TP đề xuất tăng mức phạt vi phạm giao thông ở nội thành lên gấp đôi. 

Ba nhóm hành vi bị tăng mức xử phạt: Vi phạm về quy tắc giao thông: dừng xe không đúng vị trí quy định; đi vào đường cấm, ngược chiều, lấn làn; không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của CSGT…; Thi công công trình trên đường bộ: không bố trí người hướng dẫn, điều khiển giao thông tại nơi thi công; không thu dọn biển hiệu, rào chắn, không hoàn trả mặt đường sau khi thi công xong…; Vi phạm về vệ sinh môi trường: để dầu nhờn, hóa chất rơi vãi xuống đường; chở hàng rời, chất thải không có bạt che đậy; phương tiện giao thông rơi kéo bùn đất ra đường…

Theo ông Cường, trước khi thực hiện, Sở sẽ đánh giá tác động, thăm dò hiệu quả quy định trên tinh thần "tăng mức xử phạt nhưng không phải là chăm chăm đi phạt", mà sẽ tăng lực lượng túc trực hướng dẫn.

"Không phải chờ đến lúc người dân vi phạm để xử lý mà mục đích là để hạn chế tối đa hành vi vi phạm. Muốn vậy phải tuyên truyền tốt, nhắc nhở kịp thời, lực lượng chức năng cũng phải nghiêm minh khi thực hiện để tránh tình trạng bất bình đẳng, đồng thời ứng dụng thêm công nghệ trong kiểm soát xử phạt", ông Cường nói.

Dẫn số liệu thống kê từ đầu năm đến nay TP HCM có 97 người chết từ các vụ lưu thông không đúng phần đường, 33 người thiệt mạng vì vi phạm tốc độ... ông Cường cho rằng, những hành vi này cần tăng nặng mức xử phạt để răn đe, giảm thiểu thiệt hại về người.

"Tuy nhiên, tăng mức phạt không phải để tạo nguồn thu, mà để nâng cao tính phòng ngừa, răn đe, gián tiếp nâng cao ý thức chấp hành Luật giao thông đường bộ của người dân", ông Cường nói và khẳng định quy định này chỉ ảnh hưởng đến người sai phạm chứ không tác động trực tiếp lên toàn bộ người tham gia giao thông.

Thuốc làm liệt điều tiết mắt có thể gây ngộ độc, lú lẫn và hoang tưởng(VietQ.vn) - Dùng thuốc làm liệt điều tiết mắt, nhất là ở trẻ em có thể gây ra ngộ độc toàn thân hoặc dùng nhỏ mắt kéo dài có thể gây kích ứng tại chỗ...

Khoản thu từ tiền xử phạt được dùng vào việc: bồi dưỡng cho lực lượng chuyên ngành triển khai quy định, phục vụ công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông theo hướng dẫn của Bộ Tài chính như lâu nay... "Khoản tiền tăng thêm từ xử phạt nếu được áp dụng cũng được dùng vào mục đích đó, tất cả đều có kiểm tra, kiểm toán đầy đủ", ông Cường khẳng định.

Trao đổi trên báo Pháp Luật TP HCM, Luật sư Đặng Thành Trí (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho hay, theo quy định tại Điều 23 Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành, đối với khu vực nội thành của TP trực thuộc trung ương thì mức phạt tiền có thể cao hơn nhưng tối đa không quá hai lần mức phạt chung áp dụng đối với cùng hành vi vi phạm trong các lĩnh vực giao thông đường bộ; bảo vệ môi trường; an ninh trật tự, an toàn xã hội. Như vậy TP.HCM có quyền tăng mức xử phạt như đề xuất của Sở GTVT căn cứ vào hành vi, khung tiền phạt hoặc mức tiền phạt được quy định tại nghị định của Chính phủ và yêu cầu quản lý kinh tế-xã hội đặc thù của địa phương.

Tuy nhiên, mức xử phạt cao hơn quy định phải được HĐND TP quyết định. Việc tăng mức phạt tiền trong lĩnh vực giao thông đường bộ (nếu có) được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính chứ không phải trong cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 54 của Quốc hội.

 Minh Châu (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang