Mua 7 chỉ vàng nhận 6 chỉ: Bảo Tín Minh Châu nhầm hay cố ý?

authorDương Phương Ngọc 18:11 31/08/2016

(VietQ.vn) - Việc trao nhầm kiềng vàng của Bảo Tín Minh Châu chỉ đơn thuần là nhầm lẫn của nhân viên hay là “mánh lới” gian lận của cửa hàng?

Sự kiện: GIÁ VÀNG HÔM NAY

Vừa qua, liên quan tới việc trao nhầm kiềng vàng giữa 2 khách hàng (anh Phạm Vinh và bà Đào Thanh Hằng) xảy ra tại cửa hàng Bảo Tín Minh Châu ở Hà Nội, bà Nguyễn Thị Thu Hiên – Phó giám đốc công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu đã giải thích: “Sản phẩm kiềng vàng không như các sản phẩm 100% từ vàng khác. Bên trong nó là lõi xi, bên ngoài dát vàng kiềng mới to thế được nên nếu đem cân sẽ không đúng trọng lượng vàng. Muốn biết trọng lượng vàng có thực trên sản phẩm chỉ có thể dựa vào các thông số được đóng dấu lên sản phẩm và tem sản phẩm”.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: Việc không cân lại trọng lượng vàng trước mặt khách mà chỉ dựa vào các thông số kỹ thuật trên sản phẩm, liệu có dễ dàng dẫn tới khả năng nhầm lẫn trong quá trình xuất hàng hay không, nhất là khi nhân viên của cửa hàng chưa cẩn thận, không chuyên nghiệp, bỏ qua khâu đối chiếu, cân kiểm tra trọng lượng với giấy đảm bảo vàng?

Thêm vào đó, khách hàng chỉ phát hiện ra sau khi có nhu cầu về tiền mặt, quay lại “chính chủ” cửa hàng để bán lại, nhiều người tiêu dùng băn khoăn: Liệu còn bao nhiêu khách hàng nữa của Bảo Tín Minh Châu đang giữ vàng trong tay và không ngoại trừ trường hợp họ cũng có thể là “nạn nhân” của việc nhầm lẫn giống như trường hợp của anh Vinh và bà Hằng mà báo chí đã phản ánh những ngày gần đây?

Ngoài ra, cũng không ít người dùng đặt dấu chấm hỏi về việc: Có hay không chiêu “cố tình bán điêu” trong quá trình giao dịch của Bảo Tín Minh Châu? Liệu có hay không trường hợp, công ty kinh doanh vàng “găm” vàng để nhằm thao túng thị trường, tức ghi trên giấy tờ sản phẩm kiềng vàng 7 chỉ nhưng chỉ giao sản phẩm thực với trọng lượng 6 chỉ, “ăn bớt” 1 chỉ vàng để tích trữ trong kho?

Bảo Tín Minh Châu thừa nhận nhầm lẫn trong việc bán thiếu 1 chỉ vàng(VietQ.vn) - Mua chiếc kiềng vàng với giá 7 chỉ tại cửa hàng Bảo Tín Minh Châu nhưng khách hàng chỉ nhận được thực tế trọng lượng 6 chỉ vàng.

Trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam, một chuyên gia trong ngành vàng, ông Nguyễn Quang Lực, cửa hàng trưởng công ty CP Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam chia sẻ: Ông cũng theo dõi thông tin trên báo chí về vụ việc này những ngày qua. Ông Lực nhận định: Công ty Bảo Tín Minh Châu có sự nhầm lẫn chứ không phải là gian lận. Nguyên nhân ở đây là do khâu tổ chức của đội ngũ nhân viên không chặt chẽ dẫn tới sự việc đáng tiếc như vừa rồi.

“Giả sử trên chiếc kiềng mà khách hàng Vinh mua có đóng dấu “7 chỉ” nhưng khi cân lên trọng lượng lại chỉ được “6 chỉ” thì đây lại là một vấn đề khác về chất lượng của vàng và họ sẽ sai ở khâu sản xuất, theo đó, người dùng có thể đặt dấu chấm hỏi về chiêu “găm” vàng của công ty.

Nhưng ở đây, trên sản phẩm vẫn ghi “6 chỉ” (cân lên được đúng 6 chỉ) nên khả năng “găm vàng” ở đây là rất khó nói. Cái sai của Bảo Tín Minh Châu trong vụ việc lần này là người bán không đối chiếu mã trên sản phẩm với hóa đơn bán hàng” – ông Lực nhấn mạnh.

 Các ký hiệu trên sản phẩm vàng, các khách hàng khi mua cần chú ý tránh nhầm lẫn về trọng lượng . 

Còn chuyên gia tài chính – ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cũng đánh giá: Trên thị trường kinh doanh – giao dịch vàng nói chung, có thể xảy ra tình trạng “găm vàng” hoặc gian dối về trọng lượng trong việc mua – bán vàng nhưng về nguyên tắc, theo hợp đồng mua – bán, khách hàng bỏ tiền ra mua bao nhiêu vàng thì người bán phải trả đúng số lượng vàng như thế, không thể giao thiếu được!

Bàn luận xung quanh câu chuyện trao nhầm kiềng vàng đang gây xôn xao dư luận mấy ngày gần đây, chia sẻ với PV Chất lượng Việt Nam, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nói: Sản phẩm mà gia đình khách hàng Vinh mua là vòng kiềng trang sức nên không thể cho lên bàn cân để cân đúng trọng lượng vì có sự chênh lệch nhất định về tỷ trọng do có sự gia công thêm trong quá trình chế tác sản phẩm. Tại nhiều thương hiệu khác như SJC, khi khách hàng mua các sản phẩm kiềng vàng, nhân viên cũng không cân lại trước mặt khách khi bàn giao sản phẩm.

Tuy nhiên, ông Phong lưu ý: “Về nguyên tắc, cùng một thương hiệu, khi khách có đầy đủ giấy tờ chứng minh, cũng như đã được kiểm tra về kỹ thuật, thừa nhận không có sự can thiệp từ bên ngoài, hãng phải mua lại theo đúng trọng lượng ghi trên giấy tờ mà không cân lại mới đúng. Vì khi Bảo Tín Minh Châu bán ra, họ có cân lại cho khách đâu nên khi mua về, họ cũng không được phép cân hoặc chỉ xem xét tình trạng cũ – mới của sản phẩm, chứ không được “bắt bẻ” theo kiểu đó”.

Về phần mình, phía công ty Bảo Tín Minh Châu, Phó GĐ Nguyễn Thị Thu Hiên luôn khẳng định: Sự cố đáng tiếc vừa qua la do việc giao nhầm hàng, không làm đúng quy trình của nhân viên bán hàng dẫn đến trường hợp một khách nhận thừa, một khách nhận thiếu vàng.

Việc trao nhầm kiềng vàng của Bảo Tín Minh Châu chỉ đơn thuần là nhầm lẫn của nhân viên?! 

Bà Hiên cho rằng: Việc nhầm lẫn giữa hai giao dịch trên trong một thời gian ngắn, xuất phát từ nhân viên bán hàng trực tiếp đã không tuân thủ đúng quy trình bán hàng mà công ty đã đề ra. Cụ thể là nhân viên này bỏ qua khâu đối chiếu và cân kiểm tra trọng lượng sản phẩm với giấy đảm bảo vàng nên dẫn đến việc giao nhầm hàng.

Đây là một trong những khâu vô cùng quan trọng, được thao tác với các cân chuyên dụng, được Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thuộc Sở khoa học và Công nghệ Hà Nội kiểm định và hiệu chuẩn, giúp nhân viên bán hàng và khách chủ động cân để kiểm tra trọng lượng vàng khi giao dịch.

Vì vậy, theo lời khuyên của các chuyên gia trong lĩnh vực vàng, đối với những sản phẩm không cân lại khi mua – bán, khách hàng cần có sự so sáng và kiểm tra kỹ thông tin về mã tem, dấu, ký hiệu của đơn vị sản xuất, hàm lượng vàng, trọng lượng vàng được ghi trên sản phẩm. Bởi lẽ, tất cả các dấu được đóng trên sản phẩm, khi sản xuất, các công ty sản xuất đều đã có những công đoạn kiểm tra rất chặt chẽ, kỹ càng và nghiêm ngặt trước khi đóng dấu.

“Người tiêu dùng có thể không nắm bắt được các thông số kỹ thuật trên sản phẩm nhưng trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh vàng là phải đào tạo được nhân viên, người bán hàng phải chỉ được cho khách thấy: Đây là mã tem, đây là dấu, ký hiệu của đơn vị sản xuất, hàm lượng vàng, trọng lượng vàng… Ví dụ, khi mua chiếc kiềng 7 chỉ phải kiểm tra dấu trên sản phẩm có đúng 7 chỉ hay không…” – ông Nguyễn Quang Lực (CP Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam) nhắn nhủ.

Mặc dù vậy, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, trên thị trường vàng hiện nay vẫn có nhiều trường hợp “cân gian”, “cân điêu” gây thiệt thòi lớn cho khách hàng. Đơn cử như trường hợp: Khi bán, họ cân theo kiểu mã cân bán nhưng khi mua vào thì họ lại cân theo kiểu mã cân mua vào. “Chiêu trò” này không phải là hiếm, nhất là doanh nghiệp nhỏ lẻ, không có uy tín hay tên tuổi trên thị trường.

Như chúng tôi đã đưa tin: Ngày 24/3/2016, gia đình anh Vinh đã mua 01 sản phẩm kiềng vòng 999.9 trọng lượng vàng 7.040 chỉ tại cửa hàng của Bảo Tín Minh Châu tại Hà Nội, giấy đảm bảo vàng  số 0050555. Nhân viên bán hàng trực tiếp là Nguyễn Diệu Anh. Do làm thiếu quy trình bán hàng trước khi giao cho khách, nhân viên Nguyễn Diệu Anh đã giao nhầm cho anh Vinh 01 sản phẩm kiềng vòng 999.9 trọng lượng vàng 6.23 chỉ.

Sau đó 2 ngày, vào 26/3/2016 khách hàng Đào Thanh Hằng (Tân Mai – Hoàng Mai - Hà Nội) đã mua 01 sản phẩm kiềng vòng 999.9 trọng lượng vàng 6.23 chỉ, giấy đảm bảo vàng số 0050259. Nhân viên bán hàng Nguyễn Diệu Anh tiếp tục giao nhầm cho bà Hằng 01 sản phẩm kiềng vòng 999.9 trên đó ghi trọng lượng vàng 7.040 chỉ.

Sau khi sự việc được phanh phui, ngày 28/8/2016, Bảo Tín Minh Châu đã mua lại kiềng vòng của anh Vinh theo trọng lượng 7.04 chỉ vàng 999.9 như trên giấy đảm bảo vàng đã xuất ra. Đồng thời, sáng 29/8/2016, đại diện Ban lãnh đạo Công ty đã gặp trực tiếp khách hàng và đặc biệt gửi lời xin lỗi đến gia đình.

Công ty cũng tiến hành xử lý kỷ luật nghiêm khắc nhân viên bán hàng Nguyễn Diệu Anh và học việc cửa hàng phó Vũ Thị Duyên.

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang