Trẻ nhỏ dễ ngộ độc, thậm chí tử vong vì cây cảnh xung quanh nhà

author 06:02 03/10/2016

(VietQ.vn) - Nếu nhà có con trẻ nhất định không được trồng những loại cây cảnh này nếu không sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, thậm chí có thể gây tử vong.

Nhu cầu trồng cây cảnh tạo mảng xanh cho nhà cửa, nơi làm việc ngày càng nhiều trong đời sống người thành thị. Ngôi nhà càng đẹp hơn nếu trồng được những loại cây có hình dáng đẹp, hoa, quả bắt mắt, tuy nhiên họ không biết rằng, các nhà sinh học đã cảnh báo có nhiều loại cây chứa độc tố gây chết người khi hít quá lâu hoặc vô tình ăn phải.

Cây đỗ quyên

Tất cả các bộ phận của cây đỗ quyên đều có chất độc Andromedotoxin và Arbutin glucoside. Người bị ngộ độc do loại cây này thường có triệu chứng buồn nôn, chảy nước dãi, ói mửa, uể oải, chóng mặt, khó thở, mất cân bằng. Một lượng 100 đến 225 gram lá Đỗ Quyên đủ để gây ngộ độc nặng cho trẻ em 25 kg.

Cây trúc đào

Theo ghi nhận từ tờ Phụ nữ TP HCM, trúc đào là loài cây thân gỗ nhỏ, được trồng phổ biến làm cảnh vì dáng đẹp và hoa mọc quanh năm. Dù đẹp như vậy nhưng trúc đào được xếp là một trong những loài cây thường trồng có độc tố mạnh nhất.

Triệu chứng ngộ độc trúc đào là buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, rối loạn nhịp tim. Lượng chất độc trong 100g lá trúc đào có thể giết chết một con ngựa lớn. Trẻ em có thể tử vong nếu nhai phải dù chỉ một lá trúc đào. Trên thực tế ở Việt Nam từng ghi nhận một số trường hợp tử vong do tắm nước lá trúc đào vì nghe tin truyền miệng sẽ làm đẹp da.

Cây vạn niên thanh

Cây chứa chất kịch độc Calcium Oxalate có thể gây ngộ độc cho động vật và trẻ nhỏ nếu vô tình bứt lá, cho vào miệng. Có một loài cây khác cũng rất giống cây vạn niên thanh là cây môn trường sinh (chi Dieffenbachia). Giống cây vạn niên thanh, cây môn trường sinh thuộc họ cây ráy và cũng chứa chất độc Calcium Oxalate. Chất độc này thường gây tê môi, ngứa họng, đỏ lưỡi khi tiếp xúc.

Trẻ nguy cơ nhiễm virus Herpes và tử vong do người lớn hôn(VietQ.vn) - Thói quen hôn trẻ là hành động yêu thương của các ông bố bà mẹ. Nhưng nếu không may trẻ nhiễm độc tính từ virus Herpes sẽ vô cùng nguy hiểm.

Cây ngô đồng

Tên khoa học là (Jatropha podagrica), còn được gọi dưới tên là cây dầu lai có củ, hay sen lục bình, cây ngô đồng có nguồn gốc từ châu Mỹ nhưng được trồng làm cảnh trên khắp thế giới. Không chỉ có hoa đẹp quanh năm, cây ngô đồng còn có khả năng thu hút nhiều loài bướm. Mặc dù rất đẹp nhưng cây ngô đồng lại chứa chất độc curcin, đặc biệt trong hạt và thân củ. Chất độc này khi vào cơ thể người sẽ gây chóng mặt, buồn nôn.

Cây cẩm tú cầu

Thông tin trên Kiến Thức, hoa cẩm tú cầu có nhiều màu sắc sặc sỡ tùy thuộc vào nồng độ axit trong đất trồng. Hoa cẩm tú cầu rất đẹp, nhưng cũng rất độc vì có chứa chất Hydrangine. Chất này khi hít phải quá nhiều có khả năng gây rối loạn hô hấp, buồn nôn, tiêu chảy.

Bên cạnh những loài hoa trên còn có rất nhiều loại cây chứa độc tính như các loại cây cọ cảnh. Nếu trẻ em ăn phải sẽ dẫn đến tình trạng nôn mửa, sốt. Đặc biệt, nếu trẻ nhỏ dưới 20kg có thể dẫn đến xuất huyết dạ dày, suy gan, mất nước thậm chí là tử vong.

Ngoài các cây nói trên, cây hoa ly cũng là một thủ phạm nguy hiểm. Đây là loài cây rất đẹp thường được trồng trong nhà làm cảnh nhưng phấn hoa của nó lại khiến trẻ em bị dị ứng, viêm mũi, chảy nước mũi hoặc thậm chí là ngạt thở dẫn đến tử vong.

Cây thiết mộc lan hay còn gọi là cây phát tài là một loại cây khiến trẻ ngộ độc cha mẹ tuyệt đối không nên trồng trong nhà. Nếu em bé nghịch ngợm ăn lá cây này sẽ dẫn đến tình trạng nôn mửa, rối loạn tiêu hóa thậm chí sốt nặng.

Những lưu ý không thừa

Theo các chuyên gia, nếu nhà có trẻ nhỏ thì tốt nhất nên biết cách nói không với chuyện trồng cây trong nhà. Nguy cơ bị ngộ độc do trẻ nhai hoặc nuốt lá cây rất cao nếu không có sự kiểm soát của người lớn, chưa kể những loại cây còn thường xuyên thải ra khí độc gây dị ứng, nổi mề đay, mẩn ngứa...thông tin trên tờ TTO.

Phụ huynh cũng đặc biệt lưu ý cần phải trang bị kiến thức về các loài cây độc trên cho con bạn để giúp chúng phân biệt được loại cây có độc hay không. Điều đó không phải là thừa, ít ra các em cũng biết cách tự bảo vệ mình và mọi người xung quanh.

Còn khi trẻ chẳng may nhai hoặc nuốt nhầm những lá cây có chứa độc tố, phản ứng của trẻ là khóc quấy, nôn mửa, quanh vùng miệng trẻ có nhiều vết ửng đỏ. Phụ huynh cần pha nước muối theo tỉ lệ hai muỗng canh muối và một ly nước ấm để trẻ uống. Sau đó dùng tay móc họng, kích thích trẻ nôn ra càng nhiều càng tốt, việc tiếp theo là nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện. Người nhà nên mang theo loại lá cây mà trẻ đã nhai phải để bệnh viện có thể nhanh chóng xác định độc tố gì và có biện pháp giải độc nhanh nhất.

 An Dương (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang