Triển khai đào tạo nghề để tăng năng suất lao động nông thôn

author 22:16 13/03/2015

(VietQ.vn) - Lao động nông thôn được học nghề đã tiếp cận được kiến thức mới về lĩnh vực mình được đào tạo, biết cách làm ăn, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Tại Bắc Kạn, sau 5 năm thực hiện, Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” của tỉnh Bắc Kạn đã đạt được một số kết quả bước đầu, góp phần tích cực thực hiện các mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Để đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn tiếp theo, công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh cần có những đổi mới nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, báo Bắc Kạn đưa tin.

Nông dân được hỗ trợ đào tạo theo chính sách của Đề án, sau khi học nghề hiệu quả, năng suất lao động của người học nghề được tăng lên. Người học nghề đã tiếp cận được kiến thức mới về lĩnh vực mình được đào tạo, biết cách làm ăn, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động, tạo việc làm tại chỗ hoặc tự hành nghề để kiếm sống, có cơ hội được nhận vào làm việc tại các cơ sở sản xuất và các doanh nghiệp tại địa phương.

Qua đó nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình, góp phần ổn định cuộc sống, góp phần tích cực trong việc thay đổi tư duy lao động sản xuất của người nông dân, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, dạy nghề gắn với giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững trong khu vực nông thôn...

Đề án đào tạo nghề là cách để tăng năng suất lao động nông thôn

Đề án đào tạo nghề là cách để tăng năng suất lao động nông thôn. Ảnh minh họa

Tại Quảng Ngãi, trong 5 năm qua, việc thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) đạt nhiều kết quả đáng mừng. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng khá nhanh, năm 2010 là 28%, đến năm 2014 ước đạt 41%. Qua học nghề đã giúp nông dân lao động sản xuất theo hướng hiện đại, tiếp cận ngành nghề mới, góp phần tăng năng suất lao động nông thôn, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.  

Có nhiều mô hình dạy nghề đạt hiệu quả. Điển hình như đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên tàu cá. Từ lớp đào tạo ban đầu ở xã Bình Châu (Bình Sơn) với 35 học viên, đến nay đã nhân rộng ra 100 lớp với 3.151 ngư dân của 28 xã ven biển được học nghề.  Qua học nghề, ngư dân đã được trang bị kiến thức về pháp luật khi hành nghề, công tác quản lý, kỹ thuật, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, giúp ngư dân vươn khơi bám biển một cách chủ động, vừa làm kinh tế vừa tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, theo thông tin từ báo Quảng Ngãi. 

Mô hình dạy nghề may công nghiệp cũng khá thành công. Đến nay đã tổ chức 110 lớp dạy nghề may công nghiệp cho 3.902 học viên. 100% LĐNT học nghề may công nghiệp đã có việc làm. Ngoài ra, còn có nhiều mô hình dạy nghề đạt hiệu quả cao, giúp LĐNT ổn định cuộc sống như: Chăn nuôi gia súc gia cầm; xây dựng; chế biến món ăn; tạo dáng và chăm sóc hoa, cây cảnh; trồng lúa năng suất cao; trồng rau an toàn...

Thái Hà


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang