Triệu hồi 4.802 ô tô của Công ty TNHH Mercedes-Benz Việt Nam do lỗi thiết kế hình học

author 13:52 15/01/2024

(VietQ.vn) - Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia, Bộ Công Thương tiếp nhận báo cáo của Công ty TNHH Mercedes-Benz Việt Nam về kết quả triệu hồi xe ô tô con đã thực hiện trong năm 2023.

Trên cơ sở các thông tin, tài liệu do Công ty TNHH Mercedes-Benz cung cấp, Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia, Bộ Công Thương thông báo về kết quả triệu hồi xe ô tô nêu trên, cụ thể như sau:

Theo đó, có 4.802 xe ô tô con thuộc các loại xe Mercedes-Benz GLC 200, GLC 250 4MATIC, GLC 300 4MATIC thuộc dòng xe Mercedes-Benz GLC (số loại X253) do Công ty TNHH Mercedes-Benz Việt Nam sản xuất lắp ráp bị lỗi kỹ thuật. Các xe này được sản xuất trong thời gian từ 3/2016 đến 2/2018. Chương trình này cũng đã thông báo cho Cục Đăng Kiểm Việt Nam theo quy định (THSP/2018/43).

Công ty TNHH Mercedes-Benz Việt Nam thực hiện triệu hồi xe theo chương trình triệu hồi của công ty mẹ (Mercedes-Benz AG, mã số 6990038) do lỗi thiết kế hình học của các bộ phận của các tấm ốp phía sau, khóa gài trên dây đai an toàn ghế phía sau có thể bị rút vào bên trong khe rãnh giữa tấm ốp cột C và tấm ốp hông phía sau và không thể lấy ra được nếu không có sự trợ giúp. Do đó, dây an toàn sẽ không sẵn sàng để sử dụng.

Chương trình kiểm tra sẽ thực hiện gắn thêm chốt chặn cho tấm ốp cột C phía sau cốp xe bên trái và bên phải nhằm ngăn ngừa hiện tượng khóa gài đai an toàn ghế sau bị kéo rút vào bên trong khe rãnh và không lấy ra được trong quá trình kéo/thả dây đai (CKD).

Theo thống kê, đến hết năm 2023, Công ty TNHH Mercedes-Benz Việt Nam đã triệu hồi và khắc phục được 4.527 xe có lỗi này, còn lại 275 xe không mang tới các đại lý của công ty để thực hiện sửa lỗi.

Công ty TNHH Mercedes-Benz Việt Nam thực hiện triệu hồi 4.802 xe ô tô do lỗi thiết kế hình học. Ảnh minh họa

Liên quan tới chất lượng và an toàn trong ngành sản xuất ô tô, các chuyên gia cho rằng, trong ngành công nghiệp ô tô, chất lượng và an toàn của sản phẩm là một yếu tố quan trọng đối với các doanh nghiệp. Để đảm bảo chất lượng và độ an toàn của sản phẩm, các doanh nghiệp ô tô cần áp dụng các quy trình quản lý hiệu quả. Một trong những tiêu chuẩn được công nhận quốc tế để đảm bảo quy trình quản lý hiệu quả đó là chứng nhận ISO. 

Chứng chỉ ISO là một công cụ hữu ích và được công nhận rộng rãi trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế trên toàn thế giới, đặc biệt là trong ngành công nghiệp ô tô – một ngành có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Với chứng nhận ISO, các công ty trong ngành này có thể chứng minh rằng họ đang cung cấp các sản phẩm và dịch vụ đạt tiêu chuẩn quốc tế cho khách hàng của mình. Các tiêu chuẩn ISO cung cấp yêu cầu để xây dựng hệ thống quản lý tiêu chuẩn hóa trong ngành công nghiệp ô tô, giúp các tổ chức cam kết đảm bảo chất lượng sản phẩm và dịch vụ của mình đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Có nhiều tiêu chuẩn quốc tế khác nhau được áp dụng cho các doanh nghiệp sản xuất ô tô. Chúng bao gồm các tiêu chuẩn ISO 9001, ISO 14001, IATF 16949, ISO 45001, ISO 50001, ISO 27001.

Trong đó tại Việt Nam, hiện nay Bộ Giao thông vận tải cũng đã ban hành các hệ thống tiêu chuẩn trong ngành sản xuất ô tô gồm: Tiêu chuẩn kỹ thuật về Hệ thống phương tiện giao thông đường bộ; Tiêu chuẩn kỹ thuật về Động cơ đốt trong dùng cho phương tiện giao thông đường bộ; tiêu chuản kỹ thuật về xe thương mại; tiêu chuẩn kỹ thuật về xe khách, xe tải lớn có mui và xe mooc nhẹ; tiêu chuẩn thiết kế đường ô tô; tiêu chuẩn cho phụ tùng ô tô; tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải...

 An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang