Trung Quốc dẫn đầu trong cuộc chạy đua xây dựng nhà máy điện hạt nhân

author 14:18 05/05/2015

(VietQ.vn) - Hiện Trung Quốc đang đứng đầu thế giới về số lượng nhà máy điện hạt nhân đang xây dựng với 25 nhà máy, tiếp theo là Nga với 9 nhà máy.

Sự kiện: Phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam

Bước vào năm 2015, thế giới có 436 lò phản ứng có khả năng vận hành với tổng công suất 377,7Gwe, so với năm 2014 là 435 lò phản ứng với tổng công suất là 375,3 Gwe. Có khoảng 70 lò phản ứng đang được xây dựng với tổng công suất gần 74 Gwe. Các nhà máy điện hạt nhân cung cấp hơn 11% sản lượng điện năng của thế giới một cách liên tục, nguồn phụ tải đáy đáng tin cậy, không gây phát thải khí CO2.

Theo Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, thống kê mới nhất về các nhà máy điện hạt nhân (NMĐHN) trên thế giới đang vận hành cho thấy, Mỹ đứng đầu, tiếp theo là Pháp, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ...

Tuy nhiên, Trung Quốc lại đứng đầu thế giới về số lượng NMĐHN đang xây dựng với 25 nhà máy, xếp thứ hai là Nga với 9 nhà máy, Ấn Độ với 6 nhà máy, Mỹ và Hàn Quốc cùng đứng thứ 4 khi đang xây dựng thêm 5 nhà máy. Loại công nghệ đang được sử dụng chiếm chủ yếu trong các NMĐHN toàn cầu là lò áp lực (PWR). Lò áp lực chiếm 63% về số lượng và 68% về công suất điện.

Theo Hiệp hội Hạt nhân thế giới (WNA), tính đến tháng 6-2015, Trung Quốc đang vận hành 25 lò phản ứng ĐHN, sản lượng ĐHN năm 2014 đạt 123,8 tỷ kWh, chiếm 2,4% tổng sản lượng điện sản xuất ra của nước này. Đặc biệt, các chỉ tiêu vận hành của nhà máy ĐHN của Trung Quốc đạt mức tiên tiến của thế giới, mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường tốt. Bắc Kinh cũng đặt mục tiêu đến năm 2020, ĐHN chiếm 5% tổng công suất phát điện toàn quốc.

Nhà máy điện hạt nhân tại Trung Quốc

Nhà máy điện hạt nhân tại Trung Quốc

Trung Quốc bắt tay vào thực hiện kế hoạch phát triển ĐHN từ năm 1978 và đến nay đã đạt nhiều thành công. Qua gần 40 năm, Trung Quốc đã trải qua ba giai đoạn phát triển ĐHN: Từ năm 1978 đến 2004 là giai đoạn bắt đầu xây dựng, chuẩn bị tiềm lực; từ năm 2004 đến 2011 là giai đoạn tăng tốc và phát triển với hiệu suất cao sau năm 2011 trở đi. Cụ thể: Năm 1985, Trung Quốc bắt đầu xây dựng Nhà máy ĐHN Tần Sơn (tỉnh Chiết Giang) do nước này tự thiết kế, xây dựng, lắp đặt với công suất lò phản ứng 300 MW. Ngày nay, với 5 lò phản ứng đang phát điện, Tần Sơn trở thành trung tâm năng lượng hạt nhân hàng đầu của Trung Quốc. Nhà máy này đã đáp ứng được nhu cầu năng lượng cấp thiết của vùng châu thổ sông Dương Tử, một trong những khu vực thịnh vượng và phát triển nhanh nhất Trung Quốc, theo ghi nhận của báo Hà Nội Mới.

Đến năm 2005, chính quyền Trung ương Trung Quốc ban hành quy hoạch trung, dài hạn phát triển ĐHN giai đoạn 2005-2020 theo phương châm "Tích cực phát triển ĐHN", đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ vận hành 40 triệu kW ĐHN và xây mới 18 triệu kW nhằm bổ sung cho "cơn khát" năng lượng của quốc gia đông dân nhất thế giới. Đến tháng 10-2012, Chính phủ phê duyệt Quy hoạch an toàn ĐHN và "Quy hoạch phát triển trung, dài hạn ĐHN 2011-2020" sau điều chỉnh. Nước này đặt mục tiêu trong thời gian 2014-2020, mỗi năm cần xây dựng 5-6 tổ máy ĐHN, không kể các dự án quốc tế.

Cũng theo báo Hà Nội Mới, ngoài Tần Sơn, Trung Quốc hiện đang phát triển một số trung tâm ĐHN chính tại Vịnh Đại Á (tỉnh Quảng Đông), Điền Loan (tỉnh Giang Tô), Hồng Duyên Hà (tỉnh Liêu Ninh), Ninh Đức (tỉnh Phúc Kiến)… Đáng lưu ý, trình độ xây dựng, quản lý và công nghệ ĐHN của Trung Quốc đã đạt mức tiên tiến của thế giới. Việc xây dựng bảo đảm được an toàn, kiểm soát được chất lượng. Trừ các hạng mục cần sự hỗ trợ từ bên ngoài, về cơ bản công trình ĐHN được Trung Quốc triển khai đúng tiến độ phê duyệt.

Khả Ngân

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang