Trung Quốc lại trắng trợn đưa tàu khu trục tới Biển Đông

author 06:23 15/12/2014

(VietQ.vn) - Trung Quốc đã đưa tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường Type 053 ra gần bãi Gạc Ma (thuộc chủ quyền của Việt Nam) nhằm bảo vệ khu vực khai hoang trái phép trên Biển Đông.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những tin tức mới nhất trên báo chí, Want Daily. "Diễn đàn Nghiên cứu Biển Đông", một trang tin trực tuyến tại Trung Quốc đã cho đăng tải bức ảnh hôm 11/12 về những chiếc tàu chiến của Trung Quốc và Việt Nam đứng cách xa nhau gần hải phận bãi Gạc Ma.

Ngay sau đó, chiếc tàu chiến của Trung Quốc được xác định là tàu khu trục loại nhỏ mang theo ên lửa dẫn đường Type 053 Cangzhou. Con tàu này được quân đội Trung Quốc điều động tới gẫn bãi Gạc Ma để “đối phó” với tàu khu trục tàng hình lớp Gepard của Việt Nam mang tên Đinh Tiên Hoàng.

Tàu khu trục Type 053 Trung Quốc đưa tới ‘thị uy’ ở Biển Đông

Tàu khu trục Type 053 Trung Quốc đưa tới ‘thị uy’ ở Biển Đông. Ảnh minh họa

Trong khi đó, 2 chiến hạm của Việt Nam là Đinh Tiên Hoàng và Lý Thái Tổ vừa mới hoàn thành chuyến thăm tới Indonesia, Brunei và Philippines. Dưới sự chỉ huy của Chuẩn Đô đốc Nguyễn Văn Kiệm, cả hai tàu khu trục tàng hình lớp Gepard của Việt Nam đã tới đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa để giao lưu với các chiến sĩ đóng quân trên đảo.

Tuy nhiên, bức ảnh được đăng trên Diễn đàn Nghiên cứu Biển Đông cho thấy tàu Cangzhou đã được quân đội Trung Quốc điều động tới gần bãi Gạc Ma để bảo vệ những công nhân đang xây dựng trái phép trên bãi đá thuộc chủ quyền của Việt Nam. Theo Want Daily, một khi hoàn thành công trình đường băng dài 2.000 km trên bãi Gạc Ma, Trung Quốc có thể triển khai các chiến đấu cơ như Su-30, J-10 và J-11 tấn công mọi mục tiêu nằm trong khu vực eo biển Malacca.

Thậm chí, khi hoàn thiện chương trình khai hoang trái phép trên bãi Gaven, bãi Gạc Ma, Châu Viên và Tư Nghĩa, một căn cứ quân sự mới sẽ được thành lập và giúp quân đội Trung Quốc triển khai sức mạnh ra toàn khu vực châu Á. Căn cứ mới này sẽ nằm cách thành phố Hồ Chí Minh 830 km, cách Manila 890 km, cách phía tây Malaysia 490 km, cách Kuala Lumpur 1.500 km và cách eo biển Malacca 1.500 km.

Trong một diễn biến khác, chuẩn Đô đốc (về hưu) hải quân Mỹ Michael McDevitt, nguyên Giám đốc Văn phòng chính sách Đông Á thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ mới đây đã có bài phân tích nhận định trên thực tế chính sách của Mỹ đối với vấn đề Biển Đông dựa trên lợi ích quan trọng nhất của Mỹ hiện nay là tự do hàng hải.

Mỹ đặc biệt quan tâm đến tự do hàng hải trên Biển Đông

Mỹ đặc biệt quan tâm đến tự do hàng hải trên Biển Đông. Ảnh minh họa

Do đó, Mỹ ủng hộ các bên tranh chấp tuân thủ luật pháp quốc tế như phương cách chắc chắn nhất để bảo đảm ổn định ở Biển Đông dù Biển Đông không phải là yếu tố chiến lược trong quan hệ giữa hai tổng thống Mỹ - Trung.

Đồng thời, chính sách của Mỹ ở biển Đông còn bao gồm yếu tố răn đe bằng cách khẳng định cam kết đồng minh an ninh với Philippines cũng như triển khai không quân và hải quân Mỹ tiếp cận Singapore và Philippines. Mỹ cũng không ngần ngại chỉ trích hành động gây bất ổn, gây ức hiếp của Trung Quốc ở Biển Đông, đặc biệt là chỉ trích bản đồ đường 9 đoạn phi lý của nước này.

Bên cạnh đó, chuyên gia Michael McDevitt đề xuất Mỹ cần kết hợp với các nước đồng minh và bạn bè thường xuyên lên tiếng chỉ trích cách hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông, củng cố chính sách nhấn mạnh luật pháp quốc tế là nền tảng của ổn định bằng cách công bố sách trắng toàn diện về các khía cạnh luật pháp quốc tế bị Bắc Kinh vi phạm ở Biển Đông. Sách trắng này phải do ngoại trưởng Mỹ ký.

Bộ Ngoại giao Mỹ nên khẳng định Tòa án trọng tài quốc tế có quyền tài phán trong vụ kiện của Manila, cam kết nỗ lực dài hạn và tận tâm để cải thiện năng lực hải quân của Philippines cũng như hỗ trợ các nước ven Biển Đông (có tranh chấp với Trung Quốc) cải thiện năng lực giám sát và kiểm soát biển ở khu vực này.

Chuyên gia đề xuất Mỹ cần ra sách trắng về tình hình Biển Đông

 Chuyên gia đề xuất Mỹ cần ra sách trắng về tình hình Biển Đông. Ảnh minh họa

Ngoài ra, Mỹ cũng nên thăm dò Trung Quốc và các bên tranh chấp khác về khả năng thiết lập khu vực phát triển chung ở Biển Đông nhằm khai thác dầu khí. Mục đích nhằm tìm kiếm giải pháp chia sẻ tài nguyên nhưng không làm tổn hại lập trường về ranh giới biển.

Quan trọng hơn, hải quân và không quân Mỹ phải hiện diện hằng ngày ở biển Đông. Hải quân Mỹ nên gia tăng thời gian tập trận với các nước ven biển Đông và mở rộng thành phần tham gia tập trận như mời Nhật, Úc, Hàn Quốc và Ấn Độ. Động thái này sẽ giúp Mỹ tăng cường hiện diện trong khu vực và trấn an các quốc gia biển.

Cuối cùng, Mỹ phải nhấn mạnh mục tiêu của chiến lược xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương nhằm bảo đảm Mỹ có thể thực hiện trách nhiệm an ninh đối với các nước đồng minh và bạn bè chứ không nhằm đối đầu trực tiếp với Trung Quốc.

Minh Thùy (tổng hợp từ Infonet, Pháp Luật TP.HCM)

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang