Trung Quốc siết điều kiện nhập khẩu, hàng ngàn tấn chuối của Lào Cai chưa biết tiêu thụ ở đâu

author 16:25 03/09/2021

(VietQ.vn) - Trung Quốc mở cửa nhập khẩu chuối trở lại nhưng siết chặt quy định kiểm dịch COVID-19, khiến nông dân Lào Cai chưa biết sẽ tiêu thụ hàng nghìn tấn chuối ở đâu.

Sự kiện: Bản tin tiêu dùng

Trước đó, ngày 5/8, Trung Quốc thông báo dừng nhập khẩu chuối từ Việt Nam. Đến ngày 29/8, Trung Quốc mở cửa nhập khẩu trở lại nhưng siết chặt quy định kiểm dịch Covid-19, khiến sản lượng xuất khẩu giảm mạnh. Mùa thu hoạch chuối vụ thu đông năm nay, nông dân Lào Cai ngậm ngùi đổ bỏ hàng nghìn tấn chuối khi không có đầu ra.

Hàng nghìn tấn chuối chưa biết tiêu thụ ở đâu 

Nông dân Lào Cai tìm đầu ra cho hàng nghìn tấn chuối. Ảnh: IT 

Lào Cai hiện có hơn 3.100 ha chuối, sản lượng hằng năm khoảng 80.000 – 90.000 tấn quả. Trước đây, 90% sản lượng quả chuối của Lào Cai được xuất khẩu qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc và khách hàng phía Trung Quốc chủ yếu là các đơn vị thu gom nhỏ lẻ, chưa có các doanh nghiệp hoặc nhà máy chế biến ký hợp đồng bao tiêu nên giá cả thường bấp bênh.

Mặt hàng chuối tiêu xanh từ nay đến cuối năm tỉnh Lào Cai thu hoạch khoảng 17.500 tấn, tập trung vào tháng 9-11 nhưng hiện tại Trung Quốc siết chặt nhập khẩu chuối nên khó khăn trong tiêu thụ.

Theo lãnh đạo Hợp tác xã Châu Thịnh Phong (xã Bản Lầu, H.Mường Khương, Lào Cai), đơn vị này có vùng nguyên liệu khoảng 400 ha chuối. Thời điểm này năm 2020, mỗi ngày HTX xuất khẩu từ 16 - 17 xe chuối. Tuy nhiên, năm nay, Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu từ ngày 5.8 khiến hàng chục ha chuối vào vụ thu hoạch không có đầu ra. Đến nay, HTX Châu Thịnh Phong đã phải đưa gần 1.000 tấn chuối đi làm phân hữu cơ, thiệt hại khoảng 5 tỉ đồng.

Dự kiến trong tháng 9/2021 thu hoạch 2.000 tấn cần tìm thị trường trong nước để tiêu thụ. Tuy nhiên, chuối quả của Lào Cai chưa có bao bì và quy trình bảo quản, làm chín, vận chuyển sau thu hoạch nên chưa có thương hiệu để đưa vào hệ thống phân phối bán lẻ. Trước đó, qua thử nghiệm tại các siêu thị tại Hà Nội, sản lượng tiêu thụ không nhiều, chỉ khoảng 20 tấn/ngày.

Trung Quốc siết chặt quy định kiểm dịch COVID-19

Từ ngày 29/8, Trung Quốc mở cửa nhập khẩu chuối trở lại nhưng các lô hàng chuối phải làm xét nghiệm Covid-19, việc chuyển hàng bằng container khô thay vì container lạnh như trước đây.

Mỗi xe chuối giờ phải làm lấy mẫu xét nghiệm PCR, mẫu lấy ngẫu nhiên trên vỏ chuối, thùng đóng gói, thành xe, vô lăng trong ca bin, hai bên thành xe gộp lại đưa về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lào Cai xét nghiệm. Bên cạnh đó, quy định chuyển hàng bằng container khô có rủi ro rất cao. Thời tiết nắng nóng khiến chuối bị cháy xém, xuống mã đưa sang đến nơi dễ bị ép giá. Trước đây, giá chuối xuất khẩu khoảng 7.000 đồng/kg, giờ chỉ còn từ 2.000-3.000 đồng/kg; nhiều hộ sản xuất thà đổ bỏ chứ không xuất khẩu vì không đủ chi phí đóng gói, vận chuyển, thuê nhân công.

Gỡ khó thế nào?

 Gỡ khó cho mặt hàng chuối xuất khẩu. Ảnh ST

Theo đề xuất, kiến nghị Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Công Thương tiếp tục đàm phán với các cơ quan hữu quan của Trung Quốc tháo gỡ lưu thông nông sản nhằm giúp người dân yên tâm sản xuất. 

Thứ hai, cần đẩy mạnh các chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở thu mua chế biến hàng nông sản để chế biến sâu; đẩy mạnh chế biến, giảm bớt xuất khẩu sản phẩm tươi, thô. 

Thứ ba, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông - Vận tải có biện pháp tháo gỡ về chi phí logistics trong xuất khẩu hàng hoá; đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, ưu tiên tiêu thụ sản phẩm nông sản tại địa phương nơi có hoạt động của doanh nghiệp.

Thứ tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước có biện pháp giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, hỗ trợ tín dụng, lãi suất ngân hàng cho các cơ sở sản xuất; xem xét xây dựng gói tín dụng đặc biệt cho ngành nông nghiệp; duy trì cho vay, miễn giảm lãi suất cho vay, khoanh nợ, giãn nợ, nới lỏng các điều khoản trả nợ, đẩy nhanh xem xét các đơn xin vay, miễn lãi quá hạn các khoản vay của doanh nghiệp.

Thứ năm, thường xuyên cập nhật và thông báo tới các thương nhân quy định của phía Trung Quốc; hỗ trợ sản xuất nông sản sạch theo các tiêu chuẩn tiên tiến; xây dựng nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa rõ ràng để có sự thích ứng kịp thời.

Thứ sáu, phối hợp với các địa phương có vùng trồng trọng điểm cũng như các địa phương biên giới để điều tiết hợp lý khi vào mùa vụ thu hoạch đưa lên các cửa khẩu; thông báo tới các thương nhân chủ động phân loại, đóng gói, bao bì; phân định rõ chất lượng, chủng loại nông sản phù hợp với các điều kiện vận chuyển, giao nhận để rút ngắn thời gian giao hàng hóa tại cửa khẩu. 

Thuỳ Dương (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang