Trung Quốc xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế cho công nghệ 6G

author 17:10 16/09/2024

(VietQ.vn) - Mới đây, Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc và Viện nghiên cứu tiên tiến Thượng Hải cùng Công ty Viễn thông China Telecom đã tham gia xây dựng các tiêu chuẩn công nghệ 6G dưới sự bảo trợ của Liên Minh viễn thông quốc tế (ITU).

Cụ thể, các tiêu chuẩn mới được thiết kế riêng để nâng cao các kịch bản được nêu trong khuôn khổ viễn thông di động quốc tế 2030 của ITU: truyền thông nhập vai, độ trễ thấp cực kỳ đáng tin cậy và tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI). Các tiêu chuẩn được đề xuất này nhằm hỗ trợ các yêu cầu khác nhau của 6G, chẳng hạn như nhu cầu gửi nội dung an toàn và cập nhật dữ liệu.

Ông Cui Kai - Giám đốc nghiên cứu cộng tác của Công ty tư vấn IDC chuyên về ngành viễn thông cho biết: “Như trong lĩnh vực truyền thông nhập vai, nó đã vượt ra ngoài phạm vi chỉ là màn hình thực tế ảo (VR) hoặc đa phương tiện. Bất kỳ dịch vụ nào yêu cầu băng thông cao, độ trễ thấp và độ tin cậy cao đều có thể hưởng lợi từ các kiến trúc và module này... Các tính năng mới liên quan đến 6G đã được thêm vào hệ thống, chẳng hạn như khả năng tính toán nhanh chóng. Các tính năng này sẽ cải thiện việc phân bổ những nhiệm vụ và tự đánh giá, do đó hệ thống có thể thực hiện các thay đổi khi cần thiết."

Các tiêu chuẩn trên đã được xác nhận vào ngày 26/7 trong cuộc họp toàn thể của nhóm nghiên cứu Ngành tiêu chuẩn hóa viễn thông 13 (thuộc liên minh ITU). Đây là một nhóm làm việc dành riêng cho các mạng lưới tương lai và các công nghệ mới nổi.

Nỗ lực hợp tác này được hỗ trợ bởi Viện nghiên cứu Tiên tiến Thượng Hải (SARI), Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc và China Telecom. Trong số đó, SARI đã nghiên cứu lĩnh vực công nghệ truyền thông trong 20 năm và là một công ty hàng đầu trong lĩnh vực mạng lưới lấy thông tin làm trọng tâm.

 Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia, mạng viễn thông từ 4G, 5G đến 6G hiện nay, mỗi quá trình phát triển đều cần các tiêu chuẩn được thiết lập làm hướng dẫn và tài liệu tham khảo. Tuy nhiên, vẫn còn những khác biệt trong các lộ trình công nghệ vận hành cho 6G. Các tiêu chuẩn được đề xuất nhằm hỗ trợ các yêu cầu khác nhau của 6G, chẳng hạn như nhu cầu gửi nội dung an toàn, cập nhật dữ liệu và kiểm tra hiệu suất hoạt động của hệ thống. Chúng xác định các chức năng cho các dịch vụ nhập vai và AI.

Theo trang web của SARI, bước tiến này sẽ giúp viện nghiên cứu trở nên nổi tiếng hơn nữa trên toàn thế giới về công trình nghiên cứu mạng lấy thông tin làm trung tâm. Nó cũng đặt nền tảng vững chắc để tạo ra các tiêu chuẩn sẽ được sử dụng trong công nghệ 6G trong tương lai.

Phát triển công nghệ 6G tại Việt Nam trong tương lai 

Hiện nay các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam (Viettel, VNPT) đã từng bước làm chủ được công nghệ vô tuyến, theo chu kỳ của công nghệ là 10 năm thì dự kiến 6G sẽ thương mại hóa vào năm 2030; hiện tại các nước đang nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện các tiêu chuẩn kỹ thuật, các điều kiện triển khai và ứng dụng 6G.

Việt Nam với mong muốn tham gia ngay từ đầu của giai đoạn này đã thành lập Ban Chỉ đạo thúc đẩy nghiên cứu phát triển công nghệ thông tin di động 6G (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 6G), bao gồm: Công nghệ, tài nguyên, ứng dụng, thiết bị… 

Tại Hội nghị Thông tin vô tuyến thế giới WRC-23 diễn ra tại UAE vào tháng 11/2023, đoàn Việt Nam đã đề xuất và được hội nghị thông qua việc Việt Nam quy hoạch hai băng tần 600MHz và 6GHz cho IMT (5G/6G) và hiện đang nghiên cứu, rà soát để đề xuất sửa đổi bổ dung tại Quy hoạch Phổ tần số vô tuyến điện quốc gia.

Việt Nam cũng đang tiếp tục nghiên cứu để đề xuất cụ thể việc quy hoạch băng tần trên 6GHz cho IMT/6G dựa trên hiện trạng trong nước, kết quả nghiên cứu của khu vực và dự kiến sẽ đề xuất tại hội nghị WRC-27 (dự kiến diễn ra vào năm 2027). Bộ Thông tin và Truyền thông có thể xem xét việc cấp phép băng tần cho công nghệ 6G vào năm 2028 trước khi thương mại hóa 6G.

Việt Nam hiện đang triển khai nghiên cứu một số công nghệ tiềm năng cho phát triển 6G như Cloud-based, Software-based và Open RAN… Bộ Thông tin và Truyền thông đã thành lập Nhóm Tiêu chuẩn 6G và ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Mạng lưới nghiên cứu phát triển tiêu chuẩn công nghệ 6G, xem xét việc cử nhân sự/đơn vị tham gia các tổ chức quốc tế về chuẩn hóa và nghiên cứu 6G như ITU, 3GPP, O-RAN…

Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang xem xét giao nhiệm vụ nghiên cứu, chế tạo thiết bị 6G cho một số đơn vị có tiềm năng như Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT), Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông và dự kiến triển khai thử nghiệm vào năm 2028.

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang