Trước thềm ĐHCĐ: Điểm mặt hàng loạt 'điểm nóng' của ngân hàng Eximbank

author 13:19 25/04/2019

(VietQ.vn) - Nợ xấu, kinh doanh thua lỗ, thị phần giảm và nội bộ thường xuyên xảy ra “nội chiến”… khiến Ngân hàng Eximbank càng ngày càng 'trượt dốc'. Bao lâu nữa sóng gió sẽ qua đi?

Sự kiện: Doanh nghiệp

Ngày 26/4, Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2019 của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank; EIB) sẽ diễn ra. Đây sẽ là một trong những sự kiện ngân hàng “nóng” nhất trong mùa đại hội năm nay.

Cuộc chiến 'ghế nóng' bùng cháy 

Ngày 22/3, bà Lương Thị Cẩm Tú, cựu Tổng giám đốc Ngân hàng Nam Á (NamABank) bất ngờ được bổ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT Eximbank thay ông Lê Minh Quốc. Tuy nhiên, ngay sau đó, ông Quốc đã có “tâm thư” gửi báo chí phản đối quyết định trên của HĐQT Eximbank.

Ông Quốc cho rằng, phiên họp và những Nghị quyết ngày 22/3 của nhóm thành viên HĐQT Eximbank không có giá trị pháp lý. Ông cũng có đơn xin cứu xét gửi lên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và đơn khởi tố gửi lên Toà án nhân dân TP.HCM. 

Bà Lương Thị Cẩm Tú, cựu Tổng giám đốc Ngân hàng Nam Á bất ngờ được bổ nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị Eximbank.

Ngay sau đó, tòa án đã ra quyết định “áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời” quy định tại điều 127 của Bộ luật tố tụng Dân sự, “buộc tạm dừng thực hiện Nghị quyết số 112/2019/EIB/NQ-HĐQT ngày 22/3/2019 của HĐQT Eximbank cho đến khi giải quyết xong vụ án".

Tiếp tục phản hồi lại động thái của ông Quốc, phía Eximbank phát đi thông báo khẳng định “việc HĐQT Eximbank đã tổ chức họp phiên 22/3 để bổ nhiệm bà Lương Thị Cẩm Tú là theo đúng quy định của Luật Doanh nghiệp và điều lệ ngân hàng”. 

Tuy nhiên, đến nay, khi ĐHCĐ thường niên sắp diễn ra, những kiện cáo từ nhân sự cấp cao của nhà băng này vẫn chưa có kết luận rõ ràng.

"Khuyết" Tổng giám đốc

Dù Eximbank sắp tiến hành ĐHCĐ thường niên 2019 vào ngày mai nhưng đến thời điểm hiện tại, vị trí Tổng giám đốc vẫn còn “bỏ ngỏ”. Điều này thể hiện trong những tờ trình của HĐQT tại tài liệu họp ĐHCĐ 2019 trước đó.

Cụ thể, trong tờ trình Báo cáo của Ban điều hành về hoạt động kinh doanh năm 2018 và kế hoạch năm 2019 của Eximbank không có chữ ký của Tổng giám đốc ngân hàng. Các tờ trình còn lại như: Báo cáo của Ban kiểm soát (BKS), Kinh phí hoạt động và thù lao của BKS do ông Trần Ngọc Dũng, Trưởng Ban kiểm soát ký. Các tờ trình thù lao và ngân sách hoạt động HĐQT, phân phối lợi nhuận 2018 của Eximbank, dự thảo Nghị quyết ĐHĐCĐ đề tên Chủ tịch là ông Lê Minh Quốc.

Eximbank ‘khuyết’ Tổng giám đốc.

 

 

Động thái mới nhất (ngày 23/4) từ Eximbank chính là nhóm 5 thành viên HĐQT gồm: Đặng Anh Mai, ông Hoàng Tuấn Khải, ông Cao Xuân Ninh, ông Yasuhiro Saitoh và ông Yutaka Moriwaki đã có thông báo họp HĐQT để bàn về nhân sự. Lý do được cho rằng Chủ tịch HĐQT không thực hiện triệu tập họp theo đề xuất của Ban kiểm soát khiến nhiều vấn đề còn tồn đọng.

Nội dung bàn trong cuộc họp dự kiến gồm (1) Bàn về việc chấm dứt hiệu lực của Nghị quyết 112/2019/EIB-NQ- HĐQT ngày 22/3/2019 của HĐQT Eximbank; (2) Gia hạn thời gian giữ chức vụ đối với ông Lê Văn Quyết; (3) Miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT đối với ông Lê Minh Quốc và bầu Chủ tịch mới.

Trước đó, trong báo cáo thường niên năm 2018 mới được công bố, HĐQT Eximbank gồm có 10 thành viên. Ngoài ông Lê Minh Quốc và nhóm 5 người kể trên còn có các cá nhân gồm: ông Lê Văn Quyết, bà Lương Thị Cẩm Tú, ông Nguyễn Quang Thông và ông Ngô Thanh Tùng.

Eximbank ‘chìm’ trong bê bối, đền bù khách hàng gần 400 tỷ đồng

Không chỉ bất ổn trong nhân sự cấp cao, tình hình kinh doanh Eximbank còn “ngập ngụa” trong khó khăn. Qúy IV/2018, Eximbank báo lỗ gần 310 tỷ đồng, lợi nhuận ròng năm chỉ đạt 660 tỷ đồng, giảm 20% so với năm trước.

Đặc biệt, do ảnh hưởng từ việc khách hàng Chu Thị Bình tố mất 245 tỷ tiền gửi tại Eximbank chi nhánh TP.HCM và việc bà Nguyễn Thị Lam lấy 50 tỷ đồng tiền gửi của nhóm khách hàng 6 người tại phòng giao dịch Đô Lương chi nhánh Vinh đã khiến nhà băng này lao đao. Hậu quả, Eximbank phải trích lập một khoản dự phòng lên tới 390 tỷ đồng cho những sự cố này.

Riêng vụ mất tiền của bà Chu Thị Bình, Eximbank phải trả 245 tỷ đồng tiền gốc bị mất và 115 tỷ đồng tiền lãi. Không chỉ mất tiền đền bù, những sự cố trên đã khiến hoạt động của nhà băng này gặp nhiều khó khăn, khả năng huy động vốn, hoạt động tài chính bị liên đới.

Tranh chấp 'ghế nóng': Eximbank như 'rắn mất đầu' trước thềm ĐHCĐ (VietQ.vn) - Cuộc chiến giành “ghế nóng” chưa lắng thì Ngân hàng Eximbank tiếp tục gây “bão” dư luận khi “bỏ ngỏ” tên Tổng giám đốc trong các tờ trình của HĐQT trong tài liệu họp HĐCĐ 2019.

Eximbank bị ‘đá’ khỏi top ngân hàng lớn, nhiều thị phần

Năm 2011, tốc độ tăng trưởng bình quân cho vay khách hàng chỉ đạt 4,2%/năm khiến nhà băng này không còn giữ được thị phần. Do đó, Eximbank rơi từ top 10 xuống vị trí thứ 15 ngân hàng có thị phần lớn.

Đỉnh điểm năm 2018, tăng trưởng cho vay của Eximbank chỉ đạt 2,9%, đặc biệt tốc độ tăng trưởng dồn vào quý IV trong khi 9 tháng đầu năm chỉ đạt 2,7%. Theo CTCP Chứng khoán TP.HCM, sự thiếu vắng chiến lược trung hạn thật sự khiến Eximbank mất định hướng và tăng trưởng cho vay không được đều đặn.

‘Bóng ma’ nợ xấu đeo đuổi

Là ngân hàng đang trong giai đoạn tái cơ cấu, Eximbank không thoát khỏi “bóng ma” nợ xấu. Tính đến cuối 2018, số dư nợ từ nhóm 3 đến nhóm 5 của Eximbank là 1.921 tỷ đồng, giảm 16,4% so với năm trước. Tỉ lệ nợ xấu nội bảng là 1,84%.

Một số chỉ tiêu tài chính của Eximbank. (Nguồn: BCTC ngân hàng Eximbank). 

Bên cạnh đó, Eximbank còn 5.487 tỷ đồng nợ xấu tại VAMC, đứng thứ 6 trong danh sách các ngân hàng có nhiều nợ xấu tại VAMC nhất (không kể Agribank). Ngân hàng cho biết trong năm 2018 đã trích lập thêm 904 tỷ đồng dự phòng rủi ro để đẩy nhanh việc thu hồi và xử lí nợ xấu.

 Thảo Nguyên

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang